Hình ảnh những CĐV bịt khẩu trang hay băng-rôn “Các bạn không thay đổi- chúng tôi đành từ bỏ” lại mang nhiều tầng ý nghĩa.
Không phải lần đầu sân bóng Việt có những băng-rôn kỳ lạ như vậy, điển hình như băng-rôn “VFF= Vietnam Football Funny năm 2010” hay một băng-rôn khác nhại phát biểu của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: “Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông như thế không?” được CĐV Hải Phòng căng trên sân Lạch Tray…
Nhưng tấm băng-rôn trên sân Hàng Đẫy không một chiều như thế.
“Các bạn không thay đổi- chúng tôi đành từ bỏ”. Các bạn là ai? Ai phải thay đổi? Ai phải từ bỏ?
Ở tầng ý nghĩa thứ nhất, đó là thông điệp mà chính các CĐV HAGL dành cho đội bóng của mình. Không còn nghi ngờ gì, chính đội bóng của bầu Đức là một trong số những đội có lượng fan đông đảo nhất hiện nay. Nhưng chính họ lại là những người thiệt thòi hơn cả.
Ít nhất cho đến thời điểm này, hai cầu thủ được yêu quý nhất là Công Phượng và Xuân Trường đã vắng mặt gần nửa mùa giải. Riêng Công Phượng được trao đi, đổi lại như một món hàng. Hay nói một cách khác, HAGL như một cái vỏ lon, ít nhiều mất đi cái tinh túy nhất, cái đáng xem nhất. Điều đó thể hiện ngay ở thành tích thi đấu của đội: bết bát, bạc nhược, không có sức sống.
Nếu HAGL không thay đổi thì giới hạn về sự kiên nhẫn của CĐV đã đến đỉnh điểm. Những yếu tố mang lại sự hấp dẫn nhất đối với một đội bóng là thành tích, lối chơi và ngôi sao. Thử hỏi HAGL bây giờ có gì. Hay là tất cả tình yêu ấy được trả lời bằng một thừa nhận có phần phũ phàng của bầu Đức: đá cho vui!
HAGL phải thay đổi, bầu Đức phải thay đổi, nếu không họ sẽ mất thứ tài sản giá trị nhất: cổ động viên.
Tầng ý nghĩa thứ hai, có thể chính các CĐV đã nói hộ bầu Đức. “Các bạn” ở đây chính là VFF, VPF- những nhà tổ chức giải đấu. Không phải ngẫu nhiên ông Đức đưa ra câu chuyện “một ông chủ 5 đội bóng” trước trận đấu trên sân Hà Nội. Thông điệp đưa ra là nếu VFF, VPF không thay đổi và ngăn chặn hiện tượng này thì HAGL sẽ từ bỏ bóng đá.
Vậy thì tầng ý nghĩa nào đúng?
Dù với góc độ nào thì cũng không đáng với HAGL- một đội bóng được yêu quý chuẩn bị kỷ niệm 20 năm khuấy đảo bóng đá Việt Nam.
Nó cũng không đáng với những gì người ta đã biết về HAGL. Tôi nhớ đến thời kỳ bầu Đức- bầu Thắng tranh hùng với những trận cầu được gọi là “siêu kinh điển” của bóng đá Việt cách đây khoảng 15-16 năm. Đó là thời điểm HAGL mạnh thật sự với những nhân tố Thái Lan còn bầu Thắng có những con người đến từ Brazil. “Con gà tức nhau tiếng gáy” và họ quyết tâm thể hiện sự đua tranh của những ông bầu bằng kết quả trên sân cỏ. Điều đó có lợi cho bóng đá, có lợi cho người hâm mộ.
HAGL không thể là cái bóng của một thời, là một kiểu ăn mày dĩ vãng.
Không ai nể phục những người có tư duy buông bỏ chỉ vì những tác động ngoại cảnh. Họ chỉ khâm phục những người có bản lĩnh dám đứng vững, dám bám trụ và dám thay đổi để hoàn thiện.
Tôi thì kỳ vọng rằng, bầu Đức sẽ có một đêm ít ngủ. Không phải vì bàn thắng muộn màng của Văn Toàn khiến ông không bẽ mặt khi đội bóng của mình đấu với Hà Nội mà là những cái khẩu trang và hàm nghĩa của tấm băng –rôn trên khán đài.
Đừng để bất kỳ ai phải từ bỏ. Nhưng cần làm gì thì chỉ bầu Đức mới hiểu và quyết định được.