Chạy dây lên tuyển không phải là một khái niệm mới, nhưng để trở thành một vấn nạn mang tính quốc gia thì phải nhìn sang Trung Quốc. Cách đây 7 năm, tòa án tối cao Trung Quốc đã đưa ra xét xử vụ việc chạy dây để được lên đội tuyển quốc gia. Báo chí Trung Quốc thông tin trong “đường dây chạy lên đội tuyển” này có hai phó chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc (CFA) dính vào rất sâu. Ngoài ra, các ông bầu CLB, một trọng tài FIFA từng làm nhiệm vụ tại vòng chung kết World Cup 2002 và nhiều cầu thủ.
Do nhiều ông bầu muốn PR cho đội bóng của mình nên đã tìm đường dây để vận động và đút lót để “gà nhà” có tên trong danh sách tập trung đội tuyển. Vụ chạy dây lên đội tuyển này đã qua nhiều cửa, qua cả ban tuyển chọn các đội tuyển thuộc LĐBĐ Trung Quốc và cuối cùng là cầu thủ không giỏi vẫn lên đội tuyển trong sự ngờ vực của giới chuyên môn.
Như vậy, đường dây phải có sự góp mặt của cầu thủ, BHL cấp CLB, các ông bầu, ban tuyển chọn của Liên đoàn, thậm chí quan chức cấp cao của Liên đoàn và không ngoại trừ có sự tham gia của cả HLV trưởng đội tuyển.
Ở Việt Nam khái niệm “chạy dây lên tuyển” có từ rất sớm, sơ khai chỉ là chuyện những trụ cột của đội tuyển tìm cách tạo ảnh hưởng để những cầu thủ thuộc nhóm của mình, cùng cạ với mình được lên tuyển đồng thời cách ly, cô lập những nhân tố không cùng dây.
Dư luận đang xôn xao với việc thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn muốn khoác áo đội tuyển Việt Nam
20 năm trước, tuyển thủ tài hoa Vũ Minh Hiếu đã trả lời phỏng vấn nhà báo Hồng Ngọc của báo Thể thao-Văn hóa, đó là bài phỏng vấn chấn động nói về sự rạn nứt, bè phái, chạy dây lên tuyển thời A.Riedl. Sự thẳng thắn của Minh Hiếu bị cho là “phá luật im lặng” và anh buộc lòng phải rời khỏi đội tuyển trước một giải đấu lớn.
Sau này, làng báo thể thao cũng mấy bận xôn xao chuyện phụ huynh “đút tiền” để con mình được cân nhắc lên tuyển. Ồn ào thế thôi chứ khó có thể có bằng chứng.
Với bóng đá chuyên nghiệp, việc được lên tuyển chính là một dấu đỏ gắn vào CV cầu thủ và trở thành yếu tố mang tính quyết định cho những hợp đồng tiền tỉ. Nghĩa là lên tuyển sẽ có giá cao hơn trên thị trường chuyển nhượng.
Ở một thái cực khác, làng thể theo cũng đồn đoán chuyện những ông bầu “tay to” ở V.League tạo sức ép để VFF và HLV đội tuyển tăng cường quân của CLB của mình lên tuyển. Song cũng như câu chuyện “đút tiền”, làm gì có bằng chứng.
Và khi có hiện tượng Filip Nguyễn, vấn đề “chạy dây đội tuyển” lại được xới lên. Bắt nguồn từ câu chuyện báo chí, mạng xã hội không hiểu vô tình hay cố ý đã thông tin rằng: Filip Nguyễn không muốn lên đội tuyển và chỉ muốn chơi bóng ở Châu Âu. Kỳ thực, cầu thủ này đã phải “đính chính” rằng mình không hề có quan điểm như vậy, anh chỉ muốn nói là luôn khát khao được gọi vào đội tuyển Việt Nam nhưng vẫn coi Châu Âu là môi trường để phát triển nghề nghiệp thay vì về V.League.
HLV Park Hang-seo sẽ xử lý ra sao trước nhu cầu được "lên tuyển" của các cầu thủ?
Lần này, tác nhân trong cái gọi là “chạy dây lên tuyển” có sự đóng góp của giới truyền thông. Có người đặt câu hỏi là phải chăng trong câu chuyện Filip Nguyễn, khi mà một suất lên tuyển rất quý giá, sự cạnh tranh ở vị trí thủ môn rất khốc liệt thì có hay không những bài báo cố tình dìm hàng Filip Nguyễn? Có hay không những bài viết để “chặn cửa” những cầu thủ Việt kiều lên tuyển tạo điều kiện cho những cầu thủ thân giới truyền thông hoặc có đại diện là người trong giới truyền thông “rộng cửa” khoác áo đội tuyển Việt Nam?
Đó chỉ là một dấu hỏi và tôi không khẳng định gì cả. Tôi cũng biết rất nhiều nhà báo chơi thân với cầu thủ, thậm chí có người kiêm nghề tay trái là môi giới cầu thủ, hoặc có những KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) tham gia thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Song niềm tin, có lẽ nên đặt vào ông Park Hang-seo và các cộng sự. Ông Park sẽ là người thẩm định về chuyên môn cầu thủ bằng những gì ông tận thấy chứ không phải là những bài báo kiểu “tiến cử”.
Tôi tin ông Park Hang-seo sẽ là con người chọn cầu thủ bằng lý trí, bằng chuyên môn chứ không chịu tác động bởi một đường dây hay thế lực nào cài người không xứng đáng lên tuyển.
Các khái niệm “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” không nên và không được tồn tại ở đẳng cấp đội tuyển.