Đội U.23 của ông Park có cần... “cô” thương?

Song An
chủ nhật 24-3-2019 15:40:50 +07:00 0 bình luận
Tôi ngồi xem trận đấu U.23 Việt Nam - U.23 Indonesia thì nhận được tin nhắn: “Đá đấm thế này thì may ra phải “cô” thương mới thắng”. “Cô” ở đây có thể là một thế lực siêu nhiên nào đó mang lại may mắn. Câu hỏi là tại sao không chờ đợi và hy vọng nhiều hơn ở ông Park Hang-seo, ở Quang Hải, Đức Chinh mà phải chờ “cô”?

Nói đến chuyện mê tín, dị đoan thì chuyện “cô Yến” ở chùa Ba Vàng, biệt danh là Yến “bắt ma” đang nổi như cồn bởi chiêu thỉnh vong, bắt vong. Có vong hay không, vong nhập là chuyện thật hay bịa, khoa học có giải thích được không vẫn còn gây tranh cãi. Thế nhưng chuyện phải mất tiền, thậm chí rất nhiều tiền để mong giải vong, đỡ cho vận hạn để tai qua nạn khỏi thì rõ ràng là mang màu sắc kinh doanh rồi, đi ra ngoài khuôn khổ những hoạt động tôn giáo, cần phải chấn chỉnh để tôn giáo thực sự là nơi tạo điểm tựa niềm tin cho những ai nguyện đi theo với những điều thiện, cái hay, cái đẹp.

Lý giải những yếu tố tâm linh không hề đơn giản, và thường những gì không giải thích được bằng khoa học thì người ta tin vào có một thế lực tâm linh nào đó tác động đến cuộc sống của con người, mang đến cái may, vận rủi. Dần dần trở thành những quy chuẩn.

Bóng đá chẳng hạn, ai cũng biết là một môn thể thao, cao hơn còn là khoa học về chiến thuật, thể lực nhưng chính bóng đá lại là nơi mà người ta hay nhắc đến may rủi.

Có một ông quan chức nọ thường bị cho là mang vận rủi đến đội nhà mỗi khi ông có mặt trên khán đài, mà trận nào cũng như trận nào mới tài. Đến mức cánh phóng viên phải nói thầm với nhau là ông này như vong ám! Rất may, ông đã về hưu chứ nếu không, chưa chắc thầy trò Park Hang-seo làm nên chuyện ở mấy giải đấu vừa rồi.

Đội U.23 của ông Park có cần... “cô” thương?

Chuyện không cắt tóc, cạo râu, chuyện bước ra sân chân nào, chuyện ăn gì, mặc màu áo gì cho hợp phong thủy, chuyện cấm kỵ một vài bạn gái nào đó của cầu thủ ngồi trên khán đài... là chuyện thường ngày trong làng bóng đá Việt. Có kiêng có lành. Thậm chí mấy ông Tây sang Việt Nam làm HLV trưởng như A.Riedl, Calisto cũng nhiễm mấy thói mê tín của quân nhà mình.

Hay ngay cả mấy ông VFF cũng đã từng chơi bài di chuyển mấy quả cầu “trấn yểm” ở Mỹ Đình để tạo phong thủy tốt cho đội tuyển. Bất ngờ, là quả cầu di chuyển thì tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup. Đó là trùng hợp ngẫu nhiên hay có yếu tố tâm linh?

Trở lại trận đấu U.23 Việt Nam và U.23 Indonesia ở Mỹ Đình. Cuối cùng thì tuyển Việt Nam cũng có chiến thắng, ở những giây cuối cùng (giống như bàn thắng của Công Vinh hồi 2008 cũng ở phút 90+4, từ một quả đá phạt và đánh đầu vào). Nhưng  phải nói thật, trận này U.23 Việt Nam khó khăn là vì chơi kém. Kém so với chính mình đã đành và kém xa so với đội U.23 từng làm mưa làm gió ở Thường Châu năm ngoái. Quang Hải bị kèm chặt là kém ngay, Đức Chinh thì xách xe không chạy ở tuyến trên, tiền vệ thì không rõ ai vào với ai còn thủ môn Tiến Dũng thì chút nữa trở thành trò hề với mấy pha bắt bóng lỗi tới mức ngớ ngẩn.

Đội U.23 của ông Park có cần... “cô” thương?

Nói thật là U.23 Indonesia chả có cửa gì ăn Việt Nam, bàn thắng của U.23 Việt Nam ở phút cuối tuy mang niềm vui nhưng lẽ ra chúng ta không cần phải đợi lâu đến thế.

Tất nhiên, lúc này mặc định U.23 Việt Nam đã ở tầm Châu Á và vượt lên quá xa Indonesia, Thái Lan là chuyện không thể. Cần phải khó khăn để biết chúng ta ở đâu và cần gì.

Vậy có cần “cô” thương không? Bóng đá Việt Nam không cần những trò mê tín. Họ cần thời gian, cần bổ sung thêm những cầu thủ giỏi, cần tăng cường nhãn quan, ý thức, chiến thuật... nói chung là cần rất nhiều thì mới hy vọng đổi màu tấm huy chương SEA Games sắp tới.

Đội bóng của ông Park cần “hay” chứ không phải chờ đến “hên”.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm