Đoàn thể thao Việt Nam đã có một kỳ ASIAD thành công!

Nhà báo Hữu Bình
thứ năm 30-8-2018 17:47:45 +07:00 0 bình luận
Vâng, mặc dù Đại hội thể thao châu Á vẫn còn hơn 3 ngày nữa – nhưng không có gì để nghi ngờ rằng, chúng ta đã có một kỳ ASIAD thành công, không chỉ về số lượng huy chương (trong đó có 4 chiếc HCV) mà cả chất lượng của chúng!

Vâng, mặc dù Đại hội thể thao châu Á vẫn còn hơn 3 ngày nữa – nhưng không có gì để nghi ngờ rằng, chúng ta đã có một kỳ ASIAD thành công, không chỉ về số lượng huy chương (trong đó có 4 chiếc HCV) mà cả chất lượng của chúng!

VƯỢT ÁP LỰC ĐỂ HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU

Trao đổi với đông đảo phóng viên báo chí Việt Nam sáng nay, ông Trần Đức Phấn, trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 18 trần tình: "Từng có lúc, tôi lo đoàn TTVN kỳ này không hoàn thành nhiệm vụ". Vâng, đấy có lẽ cũng là tâm trạng của các phóng viên đang tác nghiệp tại Indonesia những ngày qua, nhất là trong suốt 5 ngày đầu tiên "ngóng" HCV.

Đấy là khi liên tiếp những ngôi sao lớn của thể thao nước nhà như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hay kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, rồi tới một số VĐV giỏi ở các môn khác cùng không thể vượt qua được thử thách trên đấu trường lớn. 

Đoàn thể thao Việt Nam đã có một kỳ Asiad thành công! - Ảnh 1.

Bùi Thu Thảo đã có kỳ ASIAD thành công. Ảnh: Quang Trần

Trong mắt nhiều chuyên gia thì Ánh Viên vốn không phải một "niềm hy vọng vàng" ở ASIAD này, vì cả 2 nội dung của cô tham dự đều có những VĐV xuất sắc đến từ Nhật Bản và Trung Quốc. 

Chỉ mong có một bất ngờ nào đó, như Viên bơi một cách "xuất thần", trong khi đối thủ của cô không đạt phong độ chẳng hạn, thì may ra… Nhưng bất ngờ đã không xảy ra, thậm chí còn theo chiều hướng ngược lại: Viên bơi dưới xa khả năng của mình.

Viên thua đã đành, Vinh thua (không vào nổi chung kết) mới tạo mối lo lớn, vì "người hùng Olympic" được ví như một người anh cả của đoàn TTVN tại kỳ ASIAD này. Thành công hay thất bại của anh chắc chắn có ảnh hưởng lớn tới tâm lý của nhiều VĐV trọng điểm xuất sắc khác nói riêng và cả đoàn nói chung. Khó trách Xuân Vinh khi anh đã ở tuổi 44, còn áp lực tâm lý thì luôn là kẻ thù số 1…

Nối tiếp đó, chúng ta không thể có được HCV ở môn cử tạ, khi những niềm hy vọng như Thạch Kim Tuấn hay Trịnh Văn Vinh đều không thể vượt qua được những đối thủ sừng sỏ bậc nhất thế giới đương đại đến từ Triều Tiên và Indonesia. 

Rồi chúng ta cũng không thể có "vàng" ở 2 môn võ thể thao trong hệ thống Olympic là Taekwondo và Karate – bởi ASIAD không chỉ có mặt đủ những võ sĩ đến từ quốc gia sản sinh ra 2 môn võ này (Hàn Quốc và Nhật Bản) mà cả rất đông những võ sĩ giỏi hàng đầu thế giới và châu lục đến từ nhiều nước khác.

Bởi vậy, chiếc HCV của môn Rowing, giúp "mở hàng vàng" cho đoàn TTVN đã thật sự mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, trút bỏ một gánh nặng tâm lý rất lớn cho cả đoàn TTVN trong tiến trình thi đấu tại ASIAD kỳ này. 

Cần nhắc lại, đây không chỉ là một tấm HCV đơn thuần, mà qua đó còn giúp đạt luôn chỉ tiêu thứ 2 của đoàn TTVN: có tối thiểu 1 HCV trong nhóm các môn Olympic. Và rồi, niềm hy vọng lớn nhất - nữ VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo - đã không phụ sự kỳ vọng, giành tấm HCV thứ hai, bất chấp áp lực rất lớn từ các đối thủ đến từ Ấn Độ và Trung Quốc. Cả 2 tấm HCV đều nằm trong dự tính của lãnh đạo đoàn trước lúc lên đường.

Cuối cùng, 2 tấm HCV ở môn Pencak Silat – "quốc võ" của Indonesia – đã giúp đoàn Thể thao Việt Nam chính thức hoàn thành (thậm chí còn vượt) chỉ tiêu đề ra ban đầu (tối thiểu 3 HCV). 

Những tấm HCV ấy đều không hề đến một cách dễ dàng, bởi cả Nguyễn Văn Trí lẫn Trần Đình Nam đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách đến từ các đối thủ khác để giành được ngôi vị cao nhất, trong bối cảnh chủ nhà Indonesia quyết thâu tóm đủ cả 14 HCV còn lại (trong tổng số 16 nội dung)!

NHIỀU CHIÊM NGHIỆM VÀ NHỮNG BÀI HỌC BỔ ÍCH

Xung quanh một số trường hợp VĐV trọng điểm và trọng điểm xuất sắc không đạt được thành tích khả quan tại Asiad kỳ này, trưởng đoàn Trần Đức Phấn khẳng định rất cần có đánh giá, tổng kết kỹ lưỡng về chuyên môn sau Đại hội. 

Đoàn thể thao Việt Nam đã có một kỳ Asiad thành công! - Ảnh 3.

Trần Đình Nam mang về tấm HCV ở môn Pencak Silat cho thể thao Việt Nam. Ảnh: Nam Trung

Đặc biệt, ông cũng thừa nhận rằng chúng ta cần nghiêm túc phân tích kỹ về hiệu quả của phương thức đầu tư, tập huấn, trong đó có vấn đề sử dụng HLV, chuyên gia cũng như địa điểm tập huấn để hướng tới kết quả tốt hơn trong những Đại hội thể thao quốc tế sau này…

Là một nhà chuyên môn, từng liên tiếp là trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games 28 (2015), 29 (2017), Olympic Rio 2016 và Đại hội thể thao trong nhà võ thuật châu Á 2017, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn luôn thể hiện sự thẳng thắn khi đánh giá về chuyên môn của đoàn trước công luận. 

Ông không ngần ngại thừa nhận các vấn đề còn chưa được, tỏ ra cầu thị đối với những ý kiến của báo giới, đồng thời cũng rất kiên nhẫn giải thích về các vấn đề còn chưa được thấu tỏ.

Ông Phấn trăn trở với thực trạng về điều kiện cơ sở vật chất ở các Trung tâm HLTTQG (như chúng ta chưa có một trường bắn súng đạt chuẩn, một số đội tuyển còn thiếu thốn trang thiết bị tập luyện), về chế độ dinh dưỡng (bao gồm cả thực phẩm chức năng và thuốc men) cho các VĐV, về điều kiện kinh tế để có thể thuê được những chuyên gia giỏi phù hợp… 

Bởi vậy, một vấn đề rất quan trọng mà TTVN cần rút ra được từ sau những Đại hội như Asiad hay SEA Games chính là cần xác định rõ những môn, nhóm môn cần có sự đầu tư cho thích hợp. Chúng ta đương nhiên không thể dàn trải, vì không có điều kiện, nên rất cần sự tính toán: Môn nào, những VĐV nào sẽ được đầu tư cho Asiad và Olympic hay các môn, VĐV nào chỉ dự SEA Games mà thôi… 

Trước mắt, SEA Games 30 tại Philippines năm 2019, Olympic Tokyo năm 2020 và cả kỳ SEA Games 31 mà VN làm chủ nhà vào năm 2021 đang đến gần… Tất cả những bài học, chiêm nghiệm rút ra từ Asiad 18 cũng đều rất đáng quý đối với thể thao Việt Nam với những nỗ lực vươn lên trên các đấu trường quốc tế!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm