Từ “giấc mơ vàng” không chỉ của người Việt
Tròn 60 năm trước, cũng vào một năm Kỷ Hợi (1959), đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam từng giành tấm HCV tại SEAP Games (Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á) - tức SEA Games sau này. Và thật thú vị, bởi đó cũng là năm mà thầy Park Hang Seo chào đời. Tròn một hoa giáp đã qua, bóng đá thế giới và khu vực này đã có biết bao thay đổi, đội tuyển “A” Việt Nam đã 2 lần bước lên đỉnh vinh quang của Đông Nam Á, đội tuyển nữ cũng sớm khẳng định vị thế số 1 với 5 lần vô địch, nhưng tấm HCV SEA Games môn bóng đá nam vẫn như một sự “trêu ngươi”, chưa thêm một lần trở lại.
Ngay cả khi môn bóng đá nam ở SEA Games được giới hạn độ tuổi xuống còn U-23 (2 kỳ gần đây chỉ là U-22), thì niềm mong ước ấy của người hâm mộ Việt Nam vẫn không hề giảm sút. Nó thậm chí còn được ví như nỗi khao khát của người Brazil về một tấm HCV bóng đá nam tại Olympic (mà mãi tới năm 2016, khi họ là chủ nhà thì “mơ mới thành thực”), sau khi đã 5 lần vô địch thế giới.
Sân chơi SEA Games dần trở thành một... nỗi ám ảnh, như thể có một “lời nguyền” nào đó, khiến các đại diện của bóng đá nam Việt Nam, dù là U-23 hay U-22 đều luôn gặp phải trắc trở trên hành trình hiện thức hóa “giấc mơ vàng”. Ngay tại SEA Games 29 thôi, mới cách đây 2 năm, đội quân U-22 do HLV Hữu Thắng dẫn dắt thậm chí còn không lọt qua vòng đấu bảng. Chính thầy Park đã giúp lứa tài năng ấy “lột xác” tại VCK U-23 châu Á 2018, để rồi tiếp tục thăng hoa và trở thành nòng cốt của ĐTQG hiện tại.
Báo chí Hàn Quốc mới đây đã đăng tải những lời phát biểu của thầy Park, trong đó thể hiện rõ sự khát khao của ông có thể cùng đội U-22 Việt Nam giành “vàng” tại SEA Games 30 vào cuối năm nay. Ông đã liên tiếp cùng các đội tuyển thành công trong hơn 1 năm qua, nên chẳng có lý do gì để không tiếp tục hướng tới một tấm HCV SEA Games lịch sử!
Tới niềm tin ở SEA Games 30
Dư luận mấy ngày qua xôn xao chuyện thầy Park muốn VFF lựa chọn, bởi ông muốn chỉ dẫn dắt hoặc đội tuyển quốc gia, hoặc đội U-22 dự SEA Games, thay vì cả hai. Nhưng những khúc mắc cuối cùng vẫn đã được giải quyết, nên về cơ bản, kế hoạch của ông vẫn sẽ là “2 trong 1”.
Dù vậy, ưu tiên số 1 hẳn nhiên vẫn là SEA Games 30, nơi ông đang cùng ấp ủ một “giấc mơ chung” với hàng triệu người hâm mộ Việt Nam. Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi thành phần đội tuyển chuẩn bị tham dự Vòng loại U-23 châu Á sắp tới chỉ còn non nửa là các tuyển thủ U-22 đang thi đấu tại giải Đông Nam Á; phần còn lại nhường chỗ cho các tài năng đã khẳng định tên tuổi của mình trong thời gian qua, từ tham chiến tại World Cup U-20 tới VCK U-23 châu Á, Asiad và vô địch AFF Cup cùng đội tuyển quốc gia.
Hình ảnh này sẽ được tái hiện tại SEA Games 30?
Trấn giữ khung thành có Bùi Tiến Dũng, yên tâm rồi. Hàng hậu vệ có Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Thành Chung - đều là những cái tên đã tạo dấu ấn và góp mặt trong đội tuyển “A”. Tùng Quốc hay Tấn Sinh cũng từng được thầy Park để mắt trước đó. Tuyến tiền vệ cũng đầy triển vọng với ngòi nổ tuyệt vời Nguyễn Quang Hải - “linh hồn” của các đội tuyển Việt Nam suốt 2 năm qua, Thanh Sơn - Tiến Dụng đang chơi hay trong màu áo U-22, Trọng Đại, Thái Quý, Hoàng Nam, Thanh Hậu... đều từng góp mặt ở World Cup U-20. Và hàng tiền đạo, với bộ đôi tuyển thủ Đức Chinh, Tiến Linh, cộng thêm những cái tên quen thuộc như Trần Thành, Thanh Bình và “sát thủ măng non” Danh Trung (đang chơi rất hay tại giải U-22 Đông Nam Á). Một thành phần U-22 tràn đầy hứa hẹn!
Tất nhiên, chúng ta không chủ quan cho rằng Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines hay Singapore đều “xoàng xĩnh” với những gì họ thể hiện tại giải U-22 Đông Nam Á. Họ cũng đều vẫn còn một số tài năng trong độ tuổi không góp mặt ở giải này (cũng tương tự Việt Nam), nên SEA Games 30 vẫn có thể sẽ rất khác, vẫn sẽ là cuộc chiến đầy cam go...
Không biết bạn cảm nhận như thế nào. Riêng tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc sẽ hiện thực hóa “giấc mơ vàng SEA Games”, đơn giản vì chúng ta không chỉ có nhiều cầu thủ tài năng, mà còn vì đang sở hữu một chiến lược gia giỏi, mang cả nỗi khao khát của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam trong lồng ngực!