Chuyện gì đang xảy ra vậy? Bóng đá đỉnh cao đã đạt đến mức các cầu thủ có quyền quyết định mình có thi đấu hay không chăng? Thái độ của Kepa thực tế là thế nào? Chống đối HLV trước hàng triệu người xem khắp thế giới hay còn lý do nào khác?
Đúng là bóng đá không thể nói trước được điều gì. Chelsea vốn nổi tiếng là đội bóng phản thầy với những cầu thủ quá cá tính như Lampard, Terry - một kiểu như quyền lực đen trong đội bóng mà ngay cả những HLV gạo gội như Mourinho cũng phải chào thua và nói lời cay đắng khi ra đi.
Sau trận đấu, câu chuyện đã rõ ràng: Cái lý của Kepa là việc trước đó anh bị chấn thương và thủ môn này nghĩ rằng quyết định thay anh bắt nguồn từ chấn thương đó, nhưng sau khi được bác sĩ chăm sóc, anh ra hiệu mọi việc vẫn ổn, kiểu như “Tôi vẫn bắt được, OK, không sao đâu”. Bản thân HLV Sarri tại cuộc họp báo cũng nói đỡ cho Kepa thay vì nổi xung và tung hê tất cả. Còn cái lý của ông Sarri là Caballero có tỉ lệ cản penalty gần 40% (11 trên tổng số 28 quả), lại từng bắt cho Man City, biết cách sút của nhiều cầu thủ bên kia chiến tuyến. Sarri định thay Caballero vào bắt penalty chứ không liên quan đến việc Kepa chấn thương hay không.
HLV Sarri sốc nặng trước thái độ của Kepa
Tuy nhiên câu chuyện này vẫn không thôi nóng và cùng với thất bại của Chelsea (không có lỗi trực tiếp của Kepa mà do hai pha đá hỏng của đồng đội) thì mọi tội lỗi đổ lên đầu thủ môn đắt giá nhất hành tinh này.
Câu hỏi đặt ra là: trong một trận đấu nếu cầu thủ không tuân lời trong việc thay người thì HLV sẽ phải ứng xử thế nào? Ông HLV đứng ngoài hò hét bực tức thay vì chạy thẳng vào sân cho anh chàng láo lếu một cú đấm? Bóng đá là môn thể thao đề cao kỷ luật nên thực tế việc không chịu ra ngoài là hiếm, cùng lắm thì các cầu thủ bày tỏ thái độ bằng cách vùng vằng, hờn dỗi chứ không có kiểu “mặc kệ HLV”.
Nếu sau trận đấu này các cầu thủ quyết tâm tạo ra một “trào lưu Kepa”, tức là HLV gọi thay người nhưng nhất quyết không rời sân thì sẽ phải làm thế nào? Luật FIFA quy định về tình huống này ra sao? Bởi nên nhớ, Luật FIFA quy định: Trọng tài không có quyền lực cụ thể để buộc người chơi bị thay thế, ngay cả khi người quản lý đội hoặc đội trưởng đã ra lệnh thay thế cầu thủ của họ. Như Luật 3 Thủ tục thay thế quy định đơn giản rằng: "Nếu một người chơi bị thay thế không chịu rời đi, trận đấu sẽ tiếp tục".
Câu hỏi thứ hai: trong những trường hợp tương tự thì vai trò của đội trưởng ở đâu? Cánh tay nối dài của HLV trưởng làm gì? Thực tế trên sân người ta thấy thái độ hời hợt của Luiz với những câu nói “che khẩu hình” và không ai rõ Luiz đã nói những gì với Kepa...
Luiz cũng chẳng coi HLV ra gì?
Vấn đề thứ ba, bóng đá là cuộc sống và chúng ta luôn phải đối mặt với những tình huống vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Kepa từ chối ra ngoài và sẽ có hai kết cục. Một là nếu anh thi đấu xuất sắc thì thủ môn này là người hùng, dám chống lệnh cấp trên để đoạt chiến thắng. Nếu đội thua thì ăn đủ. Kepa bị rơi vào tính huống thư hai, quá xui.
Đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp những tình huống “cứ để em cống hiến” nhưng kết quả lại không như mong muốn. Dù không muốn nhắc lại nhưng bóng đá Việt Nam cũng có trường hợp thủ môn chấn thương nhưng vẫn nhất quyết không rời sân. Đó là Tấn Trường trong trận chung kết SEA Games 2009 để rồi hình ảnh đau đớn khép lại là HLV Calisto đã gần như bóp cổ thủ môn này trong sự tức giận...
Nhưng suy cho cùng, trong bóng đá hay công việc, tuân thủ kỷ luật phải là điều tối thượng. Không thể dùng bất kỳ lý do gì để anh coi thường kỷ cương để tự làm những gì mình thích.
Thật ra may mắn cho bóng đá thế giới là Chelsea thua và Kepa không trở thành người hùng. Nếu không, chẳng hiểu bóng đá sẽ đi đến đâu...