Cần nghiêm khắc và cầu thị, để thật sự đổi thay!

Nhà báo Hữu Bình
thứ sáu 24-8-2018 17:12:56 +07:00 0 bình luận
Sáng nay (24/8), “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên thi nội dung “tủ” thứ 2 (200m hỗn hợp), và thất bại của cô – dù đã được dự báo – vẫn gây ngỡ ngàng đến choáng váng cho nhiều người

Sáng nay (24/8), "kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên thi nội dung "tủ" thứ 2 (200m hỗn hợp), và thất bại của cô – dù đã được dự báo – vẫn gây ngỡ ngàng đến choáng váng cho nhiều người. 

Có thể dễ dàng lý giải nguyên nhân chính xuất phát từ sự suy giảm động lực của cô sau thất bại ở nội dung được kỳ vọng nhất trước đó (400m hỗn hợp). Nhưng từ chuyện bơi VN trắng tay tại ASIAD này, thiết tưởng cũng có những điều đáng nghiền ngẫm về cách đầu tư của bơi VN hướng tới những đỉnh cao vượt tầm khu vực…

1. Tròn 7 năm trước (2011), tại SEA Games 26 cũng trên đất Indonesia, giới chuyên môn chào đón 2 gương mặt nam cùng rất trẻ trung và cực kỳ triển vọng. Người thứ nhất là Joseph Schooling (Singpore), khi ấy mới 16 tuổi đã giành 2 HCV ở các nội dung 50m và 200m bơi bướm. Và người thứ 2 là Hoàng Quý Phước (Việt Nam), hơn Schooling 2 tuổi, cũng xuất sắc giành 2 HCV các nội dung 100m bướm và 100m tự do.

 Điều thú vị ở chỗ, ở nội dung 100m bướm (Phước giành HCV), Schooling chỉ giành HCĐ. Còn ở nội dung 50m bướm (Schooling HCV) thì người giành HCĐ chính là… Hoàng Quý Phước. Nhiều chuyên gia đã khẳng định, Hoàng Quý Phước thật sự là một "báu vật" đáng được nâng niu, đầu tư chiều sâu để vươn lên tầm châu lục và thế giới!

Cần nghiêm khắc và cầu thị, để thật sự đổi thay! - Ảnh 1.

Ánh Viên từ chỗ là niềm hy vọng Vàng đã trở thành nỗi thất vọng ở ASIAD 2018. Ảnh: Trung Thu

Chỉ cần 3 năm sau đó, Schooling đã vượt qua Li Zhouhao (Trung Quốc) để giành HCV ASIAD, ở chính nội dung 100m bơi bướm từng thua Quý Phước tại SEA Games 26, kèm theo đó là kỷ lục đại hội với thông số 51 giây 76. Không những thế, vẫn khai thác triệt để sở trường bơi bướm, Schooling giành thêm tấm HCB ở cự ký 50 (chỉ sau kình ngư lừng danh Sun Yang của Trung Quốc). Còn "rái cá sông Hàn" Quý Phước: Xếp hạng 7 ở các cự ly 100m và 200m tự do,

 Tới Olympic Rio 2016, Schooling gây ngỡ ngàng khi chiến thắng chính thần tượng của anh – siêu kình ngư Michael Phelps (Mỹ) để trở thành người Singapore đầu tiên giành tấm HCV ở môn bơi (nội dung 100m bướm), kèm theo thông số đáng kinh ngạc (50 giây 36), lập kỷ lục mới của Olympic. Cũng tại Olympic, Phước chỉ giành vé vớt dự nội dung 200m tự do, rồi "chìm nghỉm" giữa các đối thủ có đẳng cấp vượt trội!

Tại ASIAD 18 này, Schooling tiếp tục tỏa sáng với 2 tấm HCV đem về cho đảo quốc Sư tử ở các nội dung 100 và 50m bướm. Còn Phước thì tay trắng. Ở tuổi 25, đỉnh cao trên bảng thành tích của Phước vẫn chỉ là 4 tấm HCV SEA Games liên tiếp mà thôi!

Bài học về cách đầu tư, lựa chọn địa điểm và phương thức tập huấn cho Phước (dù cũng rất tốn kém) từng được nhìn nhận chính là nguyên nhân khiến ngôi sao đầy triển vọng ngày nào bỗng dưng thành "sản phẩm lỗi". Cử VĐV trẻ một mình ăn tập dài hạn ở nước ngoài, thiếu sự kiểm soát và kế hoạch phát triển thành tích, để rồi khi nhận ra thì đã quá đỗi muộn màng. Tiếc lắm thay!

2. SEA Games 27 (2013), thể thao VN hào hứng đón nhận sự ra mắt ấn tượng của kình ngư 17 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên (sinh 1996, kém Schooling 1 tuổi) với 3 tấm HCV đầy ấn tượng. Chỉ 1 năm sau, Viên trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành huy chương bơi tại ASIAD với 2 tấm HCĐ các cự ly 200m ngửa và 400m hỗn hợp.

Bởi vậy mà tại SEA Games 28 (2015), khi Ánh Viên giành tới 8 HCV, thì giới chuyên môn và báo giới VN đã cực kỳ phấn khích, thậm chí còn hậm hực với việc BTC xếp hạng Schooling mới là VĐV xuất sắc nhất SEA Games năm ấy chứ không phải Viên.

Cần nghiêm khắc và cầu thị, để thật sự đổi thay! - Ảnh 3.

Cần nhìn nhận lại thất bại của Ánh Viên cũng như Quý Phước ở ASIAD 2018 một cách cầu thị. Ảnh: Trung Thu

Hai năm sau, khi Viên tái lập thành tích 8 HCV cực kỳ ấn tượng (báo chí hả hê vì Viên không có "đối thủ" cạnh tranh về số lượng huy chương SEA Games nữa). Khi ấy, Schooling đã không còn được khuyến khích giành nhiều HCV nữa để có thể tập trung vào 2-3 nội dung sở trường.

Và tới ASIAD này, kỳ đại hội mà HLV Đặng Anh Tuấn (thầy ruột của Viên, luôn theo sát cô những năm qua) từng nhận định sẽ là thời điểm Ánh Viên đạt đỉnh cao thành tích sau thời gian dài tập huấn tại Mỹ, thì đương nhiên, cô được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá tại đấu trường châu lục. Nào ngờ…

Ở nội dung 400m hỗn hợp, Viên chỉ xếp thứ 5, thông số thua xa khả năng của mình. Những tưởng sau 3 ngày, cú sốc ấy đã được gạt bỏ, nhường chỗ cho sự quyết tâm ở cự ly 200m, nhưng thông số của Viên (2:19:79) lại thấp đến ngỡ ngàng: Chỉ nhanh hơn chưa tới 1 giây so với chính mình tại ASIAD 14 (xếp hạng 9), và chậm hơn tới hơn 4 giây rưỡi so với SEA Games 29 hồi năm ngoái (2:14:25). Một sự thụt lùi đáng buồn…

Còn có thể giải thích theo cách nào hơn việc đã xuất hiện tư tưởng thiếu tích cực nơi Ánh Viên, và rõ ràng HLV của cô đã không hề làm tốt công việc của mình trong huấn luyện tâm lý trong 3 ngày qua. Và nhìn rộng hơn, hẳn đã tới lúc bơi VN cần nhìn nhận lại cách đầu tư cho Ánh Viên (cũng như cho bất cứ VĐV trẻ tài năng nào sau này), khi từ một góc độ nào đó, dường như "bài học Quý Phước" đang lặp lại.

Thay lời kết, tôi xin trích dẫn lời của Joseph Schooling trên AFP: "Tôi xin cảm ơn những lời chỉ trích, vì nó giúp tôi nhìn rõ mình hơn và trưởng thành!". Vâng, VĐV chuyên nghiệp cần đươc đối xử khác hẳn những đứa trẻ. Nên cần lắm việc các giới chức hữu trách tự nhìn nhận nghiêm khắc về thất bại của Viên, thay vì mãi chỉ kêu gọi những lời ve vuốt, an ủi đơn thuần!  

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm