Theo quỹ dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA,Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bổ sung: có tới 30% người trưởng thành ở Việt Nam thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn.
Đừng đổ lỗi cho cuộc sống hiện đại, cái này có tính lịch sử, mấy chục năm trước đã có câu nói lên cái sự nghịch lý về buổi sáng: “Trẻ uống trà - già tập thể dục”.
Con gái tôi hiện đang học cấp 3 ở một nước Đông Âu có gọi điện về than phiền rằng môn học đáng sợ nhất chính là thể chất: hết chạy bộ, cầu lông đến bóng rổ. Người châu Âu coi rèn luyện thể chất ngang với bồi dưỡng kiến thức, thậm chí ở tầng lớp thanh niên còn ưu tiên hơn. Nó khác hẳn tại Việt Nam, cũng có tiết thể dục nhưng cả lớp đứng uốn éo mấy chục phút mỗi tuần.
Lâu nay chúng ta cứ phàn nàn về chuyện bóng đá học đường không thể phát triển, nghĩa là không có môi trường để tìm nhân tài là có lý do. Thứ nhất là ý thức, trong gia đình, ông bố lười vận động thì khó hy vọng con cái thích thể thao. Thứ hai: chiến lược đẩy mạnh bóng đá học đường thì vướng đất đai, cơ chế, phối hợp. Bộ giáo dục đẩy cho Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch, chuyền qua chuyền lại còn nhanh hơn cả chiến thuật ban bật của đội tuyển Việt Nam thời Park Hang-seo.
Thể lực của cầu thủ Việt Nam còn có thể nâng cao hơn nữa
Muốn một cơ thể khỏe mạnh thì dinh dưỡng hợp lý và chăm tập thể thao, đơn giản thế thôi. Thế nên khi có thông tin TPHCM, Hà Nội cấm xe máy, đặc biệt Hà Nội dự tính cấm thí điểm tuyến Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương thì nhiều người phản đối. Nhưng tôi thuộc nhóm đồng ý.
Không phải là do tôi có xe ô tô riêng mà đơn giản, việc này sẽ tạo ra những sức ép cụ thể để người dân... đi bộ. Thậm chí phải chạy bộ. Đã từ nhiều năm nay, tôi chấp nhận mỗi ngày đi một vài km từ nhà ra đến bến xe bus để đi lên cơ quan, cách xa chục km. Nó là một thứ rèn luyện bắt buộc mà mới đầu nếu không quen, đó là một sự cực nhọc không hề dễ chịu.
Thế nên tôi đặc biệt ấn tượng với những người tổ chức các cuộc thi về khả năng chạy, đi bộ, khám phá giới hạn bản thân như Dalat Ultra Trail. Hiển nhiên, để vượt qua những chặng đường dài 21km, 42km thậm chí 70km thì bạn phải luyện tập hàng ngày. Tôi tin chắc với những người ham mê đi bộ thì chuyện phải cuốc bộ hàng ngày vài km để đi làm không phải là vấn đề và vì thế, cấm xe máy chắc chắn không phải là vấn đề lớn đối với họ.
Cái sự lười vận động nó còn hiển hiện ở những môn thể thao đỉnh cao, chẳng hạn như bóng đá. Điểm yếu của các đội tuyển Việt Nam là thể lực. Sẽ có người nói: “Thể lực cầu thủ Việt Nam thời Park Hang-seo chả quá tốt đó sao?”. Xin thưa là chúng ta hoàn toàn có thể tốt hơn bởi khoa học dinh dưỡng, vận động, luyện tập ở các tuyến trẻ vẫn có những khoảng trống và không dễ lấp đầy. Nếu cầu thủ khi lên tới đội tuyển mới “nhồi” thể lực thì đã quá muộn.
Hãy là một quốc gia ưa vận động, mỗi người chăm chỉ luyện tập (dù là đi bộ hàng ngày) sẽ tạo ra một xã hội đi bộ. Tôi tin bóng đá sẽ có lợi.
Tất nhiên có rất nhiều người phản đối chuyện cấm xe máy và bài viết này bị “ném đá”. Nhưng với tôi, đa số người phản đối cấm xe máy là những người lười.