Cà phê của Đặng Lê Nguyên Vũ và bóng đá của chúng ta

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
thứ ba 14-8-2018 13:13:57 +07:00 0 bình luận
Đã một vài lần tôi cứ mong bóng đá Việt Nam có một Chủ tịch như Đặng Lê Nguyên Vũ- ông chủ của cà phê Trung Nguyên. Nghĩa là bỗng nhiên biệt tăm biệt tích, thiền định ở một nơi nào đó để rồi đưa ra những lý luận thật là cao siêu, ý tưởng thật là lớn lao để thay đổi nền móng bóng đá Việt.

1. Đã một vài lần tôi cứ mong bóng đá Việt Nam có một Chủ tịch như Đặng Lê Nguyên Vũ- ông chủ của cà phê Trung Nguyên. Nghĩa là bỗng nhiên biệt tăm biệt tích, thiền định ở một nơi nào đó để rồi đưa ra những lý luận thật là cao siêu, ý tưởng thật là lớn lao để thay đổi nền móng bóng đá Việt lâu nay vốn "chết" ở mấy câu: "Thấp hơn mặt bằng xã hội", "xây nhà từ nóc".

Nhưng cuối cùng cũng thấy không cần, vì hóa ra ngay trong nhiệm kỳ VFF khóa này, ông Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng nhiều khi biến mất bí ẩn, mà có người nói là chữa bệnh, gần như giao toàn quyền cho cấp dưới mà khả năng quản lý điều hành của VFF cứ ứ trệ, tới mức có cái Đại hội hoãn đi hoãn lại mấy lần.

Cách đây gần chục năm, tôi có phụ trách chuyên mục "Cà phê 24h" ở một tờ báo thể thao, lấy bút danh Song An. Lý giải cái tên chuyên mục, tôi viết lên báo rằng: cà phê và bóng đá mới chính là hợp với nhau nhất. Cà phê có vị đắng, vị ngọt giống như bóng đá có buồn, có vui; có hy vọng có thất vọng; có nỗi ngọt ngào, có niềm đắng cay… Thưởng thức một ly cà phê- ngon nhất là trong khoảng…90 phút, đúng với thời gian của một trận đấu.

Nhưng có lẽ, thứ cà phê tôi nói, không phải là cà phê của Đặng Lê Nguyên Vũ. Bởi, nếu theo nguyên lý cộng hưởng thì nếu uống thứ cà phê có tầm nhìn "cứu rỗi cả thế giới" thì phải xem thứ bóng đá mang lại "ấm no cho toàn nhân loại".

Song, bóng đá cũng chỉ là bóng đá, là một trò chơi đầy sắc thái có kẻ thắng người thua; có những ngày hội và có những khi… chẳng có gì.

2. Nói một cách thật thà, tôi không phải là "fan" của cà phê Trung Nguyên, thứ nước uống mà quan niệm của tôi là quá đậm, là cà phê "mùi". Sở thích của từng người. Nhưng những lúc này, không thể không nghe về câu chuyện của Đặng Lê Nguyên Vũ.

Câu chuyện ấy có đầy đủ các yếu tố để tạo ra sự quan tâm, một cơn sóng trên mạng xã hội: tiền bạc, tình yêu, mâu thuẫn cao trào, những ý tưởng không giống ai. Nhưng bao trùm là một cái gì đó rất huyền bí, rất khó lý giải.

Tôi không phán xét chuyện Đặng Lê Nguyên Vũ đúng sai hay chuyện vợ chồng ông trục trặc có lỗi từ phía nào. Bản thân cà phê là một đồ uống đơn giản, sự cầu kỳ không cứu vãn được nó. Thậm chí cầu kỳ tới mức cho chồn ăn hạt cà phê và thứ nhân lấy từ phân chồn để pha thành thứ cà phê hảo hạng cũng chẳng tạo ra trào lưu, dù có thời nó khoác hai từ "sang chảnh".

Cảnh giới cao nhất của mọi vấn đề là sự đơn giản chứ không phải sự phức tạp. Cà phê giống bóng đá ở chỗ: nó thuyết phục người ta bằng sự đơn giản, mang lại sự hưởng thụ cho số đông.

Bóng đá được yêu thích chính bởi sự đơn giản của nó: đơn giản từ luật, cách chơi. Có thể là một trái bóng có giá vài trăm USD, nhưng có thể một quả bưởi cũng tạo ra một trận đấu. Có những sân bóng hàng trăm triệu USD, nhưng có những sân bóng đặt hai viên gạch làm cầu môn cũng tạo ra sự quyết liệt.

3. Suy cho cùng, Trung Nguyên cứ làm cà phê của mình thật tốt, thật ngon, thật sạch đi đã rồi hãy tính chuyện trao tặng kiến thức từ những cuốn sách cho thanh niên Việt, tính chuyện nâng tầm cả quốc qua hay cao nhất là: cứu rỗi thế giới!

Đừng bao giờ đánh giá quá cao, và đẩy sản phẩm vượt ngưỡng nhu cầu người dùng.

Đừng bao giờ kỳ vọng bóng đá Việt Nam ở tầm cao của thế giới nếu nhu cầu thiết thực nhất (cho sự thưởng thức) đó là việc xem một trận bóng đá của U23 Việt Nam qua TV lại không thể được đáp ứng.

U23 Việt Nam có thể lên đỉnh nhưng người Việt Nam không thể xem họ thi đấu vì không có bản quyền truyền hình! Một nghịch lý ghê gớm và dù với bất kỳ lý do gì đi chăng nữa thì anh sẽ chẳng mang đến "sự thịnh vượng cho nhân loại" được đâu nếu quên đi nhu cầu rất bình thường của những người thường.

Cái gì cũng có cái giá cụ thể của nó. Hoặc là quá ảo tưởng và khoác cho nó thứ ngôn từ bí hiểm; hoặc là cố định vị vào một đội bóng thứ trách nhiệm lớn lao là "niềm tự hào dân tộc" trong khi thứ nhu cầu tối thiếu là được xem, được thưởng thức lại không có.

Lúc này, giấc mộng Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ và giấc mộng bóng đá Việt có gì đó, thật giống nhau!


Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm