Học sinh 6 tuổi, mới vào lớp 1 của trường quốc tế Gateway có địa chỉ tại Cầu Giấy đi học trên xe buýt nhà trường vào 7 giờ sáng và phát hiện tử vong trên xe buýt vào buổi chiều khi xe quay trở lại đón học sinh. Gia đình nghi ngờ giáo viên đã để quên học sinh trên xe dẫn đến cái chết thương tâm như vậy.
Tôi đọc thông tin này và không khỏi bàng hoàng. Con trai tôi cũng đi xe tuyến đến trường từ năm lớp 2. Suốt mấy năm học ấy tôi chưa hề nghĩ đến tình huống rằng một ngày nào đó cháu sẽ bị bỏ quên trên xe như thế. Cho đến khi biết vụ việc, tôi lại tự vấn lương tâm mình rằng phải chăng mình đã có phần không quân tâm hay vô cảm với con.
Thật ra là tôi đã trót tin vào trách nhiệm của những người có trách nhiệm, tin vào khoản tiền hơn 1 triệu đồng đóng tiền xe tuyến cho con- cao gấp rất nhiều lần so với giá xe bus bình thường - mỗi tháng đủ để các thành phần tham gia phải đảm bảo trách nhiệm ở mức tuyệt đối.
Tôi vào Facebook và cảm nhận thấy sự giận dữ của cả cộng đồng mạng đối với nhà trường, lái xe, cô giáo. Sự giận dữ ấy quá đúng, không thể bào chữa bất kỳ điều gì. Sự việc đau xót trên cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nhà trường, các doanh nghiệp được thuê đưa đón học sinh và chính những bậc cha mẹ như chúng tôi.
Và tôi nghĩ: liệu có cách nào để một em bé trong tình huống ấy có thể tự cứu mình, hoặc được trang bị những phương tiện có thể kêu gọi sự giúp đỡ?
Có lẽ trong nền giáo dục này, chúng ta đã quá chú trọng cho con - em mình phải học chữ thay vì những thứ đáng phải học trước là kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự cứu mình, kỹ năng xử lý trong những tình huống khó khăn. Còn chính chúng ta cũng cố gắng mong muốn con-em học giỏi, “hay ăn chóng lớn” thay vì lường trước những tình huống bất trắc có thể xảy ra.
Trong vài ngày, báo chí, cộng đồng mạng nổi sóng về hai việc liên quan đến hai đứa trẻ và đều liên quan đến hai từ “kỹ năng”.
Đứa trẻ đầu tiên ở sân Chùa Cuối bất ngờ lên cơn co giật và hình ảnh chiến sĩ cảnh sát cơ động nghiến răng chịu cơn đau tột cùng để đưa ngón tay vào miệng em được lan truyền chóng mặt trên mạng.
Hầu hết ý kiến cho rằng đó là hình ảnh đẹp, cảm động nhưng cũng có ý kiến cho rằng kỹ năng cứu hộ như thế là sai cách, có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Hình ảnh thứ hai là em bé mới 6 tuổi - học sinh trường gần như cứng đơ được đưa lên xe cấp cứu trong đoạn clip ám ảnh được công bố sau sự kiện nêu trên.
Ai trang bị cho các bé kỹ năng để tự cứu mình? Ai trang bị kỹ năng cho các những chiến sĩ cơ động và nhân viên nhà trường trong sơ cứu?
Tôi cứ ảm ảnh rằng nếu được sơ cứu đúng, kịp thời, biết đâu chúng ta đã tránh được một cái chết thương tâm?
Còn bao nhiêu thứ gọi là kỹ năng nữa mà cả trẻ em và người lớn phải học. Những kỹ năng ấy ngoài kiến thức còn xuất phát từ những hoạt động bình thường, nhất là hoạt động thể thao.
Mỗi năm Việt Nam chứng kiến hàng ngàn trẻ em bị đuối nước. Mỗi năm cũng từng đó hoặc hơn thế bị rơi vào tình huống khó khăn nhưng không biết xử lý thế nào khi không nhận được những kỹ năng học được, biết được qua hoạt động thể dục thể thao.
Biết chữ - rất cần nhưng với trẻ nhỏ, tôi cho rằng tăng cường rèn luyện thể thao và kỹ năng thoát hiểm nên và cần là những bài học đầu tiên khi các em dần xa vòng tay của bố mẹ để chập chững đi học.
Và cái cần hơn cả là trách nhiệm của người lớn, để không phải chứng kiến những bi kịch mà nó luôn tiềm ẩn, vây quanh cuộc sống của chúng ta.