Mới đây, Esports Charts đã công bố danh sách các các tựa game được quan tâm nhiều nhất trong năm 2022 vừa qua. Danh sách này đã cho thấy sự phát triển to lớn của những tựa game mới, trong khi một số khác vẫn khẳng định vị thế sau một thời gian dài phát triển.
Top 5 tựa game Esports lớn nhất trong năm 2022 theo thống kê của Esportschart:
#5: Valorant
Tựa game bắn súng góc nhìn người thứ nhất của Riot Games đã đạt được những bước phát triển lớn trong năm 2022 và đang dần bắt kịp với người đàn anh CS:GO. Trong năm 2022, các sự kiện Esports của Valorant đã thu hút tổng cộng 283.4 triệu giờ xem trên các nền tảng, tăng 32,9% so với năm 2021. Đáng chú ý, trận chung kết Valorant Champions Istanbul giữa OpTic và Loud đã thu hút lượt xem kỷ lục, phá vỡ kỷ lục của giải đấu Valorant Champions nhiều năm qua.
2023 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm bứt phá của Valorant khi Riot Games chuẩn bị khởi động các hệ thống giải đấu mới ở cả 3 châu lục lớn: châu Á, châu Âu và châu Mỹ, qua đó tái cấu trúc hệ thống Esports theo hướng chuyên nghiệp hơn, hỗ trợ các đội tuyển nhiều hơn. Bên cạnh đó, Valorant sẽ góp mặt tại nhiều sự kiện thể thao lớn, trong đó có SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia vào tháng 5 tới.
#4: Dota 2
Vị trí thứ 4 là một bước lùi đối với Dota 2, tựa game đã đứng thứ 3 trong năm 2021. Năm 2022, tựa game MOBA của Valve đạt mức 313,6 triệu giờ xem, giảm 10% so với năm ngoái. Giải đấu lớn nhất của Doat 2, The International 2022 (TI11) đã không tạo hiệu ứng như kỳ vọng của người hâm mộ và lượt theo dõi giảm xuống còn 67,7 triệu giờ, giảm 37% so với TI10.
Tác động đáng chú ý nhất về lượng người xem, được cảm nhận từ các nền tảng nổi tiếng ở Nga. Trong lịch sử Nga cung cấp một lượng lớn người xem cho Dota Pro Circuit nói chung. Số lượng khán giả Nga năm nay giảm khoảng 500.000 đến 700.000 người. Lượng xem tối đa của TI11 chỉ đạt mức 1,7 triệu, thấp hơn nhiều so với kỳ TI10, giải đấu có lượt xem kỷ lục của Dota 2.
#3: Mobile Legends: Bang Bang
Dù vẫn nằm trong Top 3 giải đấu Esports được theo dõi nhiều nhất, nhưng số lượng giờ xem của Mobile Legends đã giảm mạnh, lên tới 14,4% trong năm 2022. Tổng cộng, các giải đấu của ML:BB thu hút 331.4 triệu lượt xem.
Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng thực tế bởi giải đấu World Cup của Mobile Legends trong năm 2022 đã bị hoãn lại và dời sang đầu năm 2023. Trong khi đó, các giải đấu ML:BB quốc nội, đặc biệt là tại Indonesia và Philippines vẫn thu hút lượng theo dõi lớn trên khắp thế giới.
#2: CS:GO
Bất chấp sự phát triển lớn mạnh của Valorant, CS:GO vẫn giữ vững vị thế là tựa game FPS số 1 thế giới xét trên khía cạnh Esports. Năm vừa qua, CS:GO thu hút tổng cộng 448,4 triệu giờ xem, trong đó trận đấu chung kết PGL Major Antwerp 2022 là sự kiện đáng chú ý nhất với tổng cộng 2,1 triệu lượt xem đạt đỉnh.
2 giải đấu CS:GO là IEM Rio Major 2022 và PGL Major Antwerp 2022 đã lọt vào top 3 giải đấu CS:GO được theo dõi nhiều nhất, chỉ đứng sau PGL Major Stockholm 2021. Không chỉ riêng các giải Majors, các giải đấu khác của CS:GO cũng thu hút một lượng lớn khán giả.
#1: Liên Minh Huyền Thoại
Dù lượng theo dõi đã giảm 7%, nhưng Liên Minh Huyền Thoại vẫn giữ vững vị trí số 1 với tổng cộng 617,77 triệu giờ xem. Giải đấu lớn nhất của LMHT là CKTG 2022 tiếp tục là giải đấu được theo dõi nhiều nhất với tổng cộng gần 142 triệu giờ xem. Con số này đã giảm 19% so với kỳ CKTG năm ngoái, song trận chung kết giữa T1 vs DRX đã đạt kỷ lục về số lượng lượt xem từ trước tới nay (không tính nền tảng trực tuyến tại thị trường đại lục).
Ngoài CKTG 2022, các giải đấu khác như MSI, LCK Mùa Xuân đều gia tăng lượng lượt xem. Giải đấu LCK Mùa Xuân 2022 đứng ở vị trí thứ 4 (74,2 triệu giờ xem) trong số các giải đấu Esports được theo dõi nhiều nhất. Đây cũng là kỷ lục mới trong lịch sử của giải đấu LMHT chuyên nghiệp Hàn Quốc.
Cũng trong năm 2022, Rocket League và Liên Quân Mobile đã lần đầu lọt vào Top 10 các tựa game được theo dõi nhiều nhất. PUBG Mobile là tựa game đứng thứ 6 trong khi Free Fire đã bị loại khỏi danh sách.