Nỗi đau thuở mới lọt lòng và “nhảy xuống nước” là cả bầu trời
Gia đình Hằng quê ở Thanh Hóa. Năm 1990, cả nhà vào Đăk Nông theo diện kinh tế mới. Thời điểm đầu còn khó khăn, mọi ý thức, nếp sống theo nếp nghĩ cũ. Cũng trong năm này, bố mẹ hạ sinh Hằng. Ấy vậy, nỗi đau ập xuống lúc cô gái bé bỏng mới 3 tháng tuổi. Hằng bị sốt bại liệt vì chưa được tiêm vắc xin.
Cuộc sống cứ thế trôi. Cô gái nhỏ nhắn không hề hay biết cho đến khi lên cấp 2. “Càng lớn, càng thấy mình không bình thường so với người khác. Tâm lý tự ti len lỏi”, Hằng trải lòng. Nhưng, một cô gái tuổi 15, 16 đủ hiểu những gì đã xảy ra với cuộc sống. Dù vậy, Hằng luôn lạc quan.
Cô suy nghĩ: “Chân tôi cũng bị nhẹ hơn các bạn khác nên cảm giác không ảnh hưởng nhiều về cuộc sống. Tôi sống khá tích cực, không quan tâm bị khuyết tật hay khuyết tật thì gặp khó khăn này kia. Tôi chỉ quan tâm đến việc học hỏi, cố gắng vươn lên. Tôi không tập trung nhiều vào dạng khuyết tật mà chỉ tập trung vào chất lượng cuộc sống".
Hằng cố gắng học và hoàn thành tốt nghiệp cấp 3. Thế nhưng, nghiệt ngã vẫn chưa buông tha. Gia đình gặp biến cố. Hằng ham học song đứt đoạn với cánh cửa đại học. Cô đi làm công nhân. Một thời gian dần ổn định cuộc sống, Hằng tìm lại với con chữ, nơi cô muốn và khát khao cháy bỏng để hòa nhập với cuộc sống.
Cô học Trung cấp Công nghệ Thông tin ở Tp. HCM. Hai năm trôi qua nhanh như chớp mắt. Đến khi gần ra trường, cô được nhà trường tạo điều kiện làm việc với các doanh nghiệp. Khi ra trường, cô được tuyển vào làm việc, ở mảng tuyển sinh của một công ty chứ không phải chuyên ngành lập trình.
Hằng tự bươn chải. Đó cũng là lúc, những thử thách khác dồn dập đến. Công việc của cô có mức lương khoảng 4 triệu/tháng nhưng ở trọ nơi TP. HCM phồn hoa cũng hơn 1 triệu/tháng khiến cuộc sống bấp bênh. Cô vốn muốn vùng vẫy với chính nghiệp vụ được đào tạo. "Lúc đó, tôi hỏi bạn bè nên làm thế nào?". Một câu hỏi như muốn tìm hướng đến mới cho bản thân.
Có người chỉ cho Hằng đến cơ sở Gia đình Mùa xuân, gặp bác Trần Hoàng Minh, người hướng dẫn các bạn khuyết tật tham gia nhiều môn thể thao phù hợp. Hằng chỉ thầm nghĩ: “Vì chân yếu nên đi bơi cho khỏe chứ không nghĩ trở thành VĐV”. Đó là năm 2012. Và chỉ đúng 3 tháng tập bơi, cô tham gia giải khuyết tật vô địch quốc gia. Hằng khiến tất cả phải choáng váng khi ẵm 5 HCV (3 cá nhân, 2 tiếp sức).
Từ đây, bơi trở thành đam mê, nghề mới của Hằng. Cô nghĩ đó là may mắn nhưng tận đáy lòng: “Dù bơi dưới trời nắng không có mái che, da đen nhưng mọi chuyện đều ổn vì khi ở dưới nước, chúng tôi là người khuyết tật thích làm gì cũng được, rất tự tin. Chạy, nhảy, nín thở, bơi, thậm chí khi bị stress mà la, khóc dưới nước cũng không ai biết làm gì. Chúng tôi thoải mái".
Đến với bơi, cô không ít lần gặp chấn thương, đa số bị vai do không sử dụng chân nhiều. “Cứ rơi vào tình cảnh đó, bản thân tôi tâm niệm tìm phương án giải quyết chứ không đổ lỗi”.
"Cô chủ nhỏ" giúp đỡ nhiều phận đời không may
Một năm sau, Hằng có lần đầu dự giải quốc tế. Đó là Para Games 2013. Cô giành 2 HCB. Và đó cũng là cột mốc, bước ngoặt mới. Lúc này, Hằng đã tìm được một công việc ở công ty. Cô làm việc hành chính và buộc phải lựa chọn, hoặc đi làm, hoặc bơi vì thời gian không cho phép.
"Tôi gác chuyện đi làm lại nhưng đi bơi lại không có tiền vì địa phương không có chu cấp. Chỉ khi nào đi dự giải, có huy chương thì mới lấy tiền đó trang trải cuộc sống. Tôi quyết định bơi một buổi và đi làm một buổi”, cô gái sinh năm 1990 trải lòng. Với hoa tay sẵn có, Hằng thêu tranh chữ thập. Nhưng, bản tính luôn muốn có sự vận động và phát triển. Sau hơn một năm, Hằng nghỉ và chuyển hướng.
“Từ tiền thưởng với những tấm huy chương, tôi dành dụm để học một khóa ra rập, may mẫu". Hằng nhận hàng từ các shop, lấy những mẫu áo được khách hàng đưa để cắt may theo sản phẩm yêu cầu. Làm đẹp và được lòng khách, hàng cứ về.
Hằng chợt nghĩ, “tại sao lại không giúp những người kém may mắn như mình hay những người mẹ đơn thân để họ tranh thủ kiếm thêm thu nhập”. Thế là, Hằng tạo điều kiện. Cô giúp đỡ biết bao hoàn cảnh. Cứ thế, sáng Hằng đi bơi, chiều tối làm công việc may. Công việc trôi qua êm ả trong 5 năm.
Cũng quãng thời gian đó, cô tiếp tục gặt hái thành công ở đấu trường quốc tế với 1 HCV, 1 HCB Para Games 2015 và 2 HCV Para Games 2017 cùng hai HCĐ châu Á. Năm 2019, cô ra Đà Nẵng tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng. Cuộc sống Hằng rẽ theo hướng khác.
Cô gái giàu nghị lực, đa năng với thông điệp sống ý nghĩa
Hằng được đào tạo về lập trình nên có kiến thức, tay nghề tốt. Cô yêu văn học, thích đọc sách, tìm tòi, khám phá xung quanh. Tích lũy vốn sống cơ bản, trong người lại đầy chất văn, Hằng bắt đầu làm quen với công việc khác: viết “content” (viết bài theo yêu cầu của khách hàng). Ngoài ra, cô còn làm marketing.
Đặc biệt, cô lập ra trang web lovehandmadevietnam.com với mục đích giúp đỡ và lan tỏa những sản phẩm đẹp đến nhiều hơn với mọi người. Cô tâm sự: "Khoảng 3 năm nay, tôi có cơ hội đi thi đấu ở các tỉnh, biết được nhiều bạn, họ làm đồ handmade, bán rất khó. Thế nên, tôi làm một trang web, tập hợp các sản phẩm rồi dễ bán hơn. Các bạn chỉ biết làm nhưng phân phối sản phẩm ra thị trường rất khó. Tôi là người hỗ trợ công đoạn đó".
Làm nhiều nghề nhưng không vì thế Hằng chểnh mảng bơi lội. Cô liên tiếp gặt hái những kết quả hết sức ấn tượng. Cô gái quê Đăk Nông đoạt 1 HCB, 1 HCĐ tại Asian Games 4 ở Hàng Châu (Trung Quốc); 3 HCV Para Games 2022 và 4 HCV Para Games 2023, đồng thời phá 4 kỷ lục cá nhân.
Cuộc sống dần trở nên ổn định, cô biết lo nghĩ cho tương lai sau này nếu không tiếp tục với nghiệp bơi lội. Trải qua những gian truân của cuộc đời, Hằng đúc kết: "Trong cuộc sống, khi gặp khó khăn, bi quan chỉ len lỏi trong thời gian ngắn. Phải tìm giải pháp khắc phục.
Tôi luôn tìm cách vượt qua sự tự ti. Bản thân bị khuyết tật, đi lại khó khăn, chiều cao thấp quá, không xinh đẹp thì tôi tập trung cố gắng học hỏi, cách đối nhân xử thế với mọi người, biết trước biết sau, cập nhật thông tin về xã hội, marketing,... để vừa không bị tụt hậu, vừa có thêm thu nhập ngoài bơi.
Tôi đọc sách, trau dồi kiến thức, tìm hiểu trên mạng cập nhật thông tin để phát triển công việc, vừa tìm hiểu kỹ thuật bơi phù hợp với dạng khuyết tật, tìm hiểu các mảng kiến thức trau dồi công việc làm thêm, giúp tự tin và không bị mặc cảm khuyết tật.
Tôi biết VĐV như chúng tôi chỉ có một thời gian, không kéo dài mãi được. Nhưng khi kết thúc chuyên nghiệp, bước ra đời tôi vẫn có nghề nghiệp ổn định"
Khi gặp khó khăn, Hằng luôn tìm giải pháp chứ không nản chí và sống với phương châm: "Không biết ngày mai sẽ ra sao nhưng dù ra sao thì cũng không sao. Lạc quan, rồi mọi chuyện sẽ ổn".
Hằng luôn biết mình là ai, ở đâu để đặt ra mục tiêu cho bản thân. Và trong năm 2023, Vi Thị Hằng tạo điểm nhấn với những thành tích ấn tượng. Đó là tiền đề để cô góp mặt tại hạng mục VĐV khuyết tật của năm Cúp Chiến thắng 2023.
Thành tích trong năm 2023 của Vi Thị Hằng:
+ 1 HCB, 1 HCĐ Asian Para Games 4
+ 4 HCV, phá 4 kỷ lục ở ASEAN Para Games 12
Mã số bình chọn của Vi Thị Hằng: 84
Bình chọn cho VI THỊ HẰNG tại: http://binhchon.cupchienthang.vn/