Lãng tử, tài năng và từng khiến cả Đông Nam Á dậy sóng khi giành 2 HCV SEA Games 30 khi chỉ mới 16 tuổi. Ẩn đằng sau đó, thần đồng bơi lội Trần Hưng Nguyên là chàng trai khá dị biệt, nội tâm và đầy bản lĩnh.

Rời quê hương khi mới 10 tuổi nên khi hỏi han tình hình của Trần Hưng Nguyên, giới thể thao Quảng Bình không mấy rành về gia cảnh kình ngư này. Lần dò mãi và khi đến khu vực chợ Cộn, phường Bắc Nghĩa (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình), cách trung tâm thành phố chỉ 4km, hỏi bất kỳ người dân nào, ai cũng chỉ đường vanh vách vào nhà Nguyên.

Một ngôi nhà bề thế thuộc dạng bậc nhất vùng hiện ra. Đó là cơ ngơi của bố mẹ Nguyên gây dựng từ cách đây gần 20 năm. Ở đó, sản sinh ra cậu bé dị biệt, có khát vọng cháy bỏng và đang là hy vọng vàng của bơi lội Việt Nam ở SEA Games 31.

Thuở mới lập gia đình, anh Trần Chí Lâm (sinh năm 1971) và chị Phạm Thị Luyển (1972) tất tả mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Họ chọn những công việc gian lao, vất vả với ước nguyện thay đổi cuộc sống.

Sau khi hạ sinh hai người con (sinh năm 1993 và 1995), anh chị dừng kế hoạch sinh con, chăm lo cuộc sống gia đình. Cái khó vẫn đeo bám anh chị ngót nghét cả 10 năm trời. 

Khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, anh chị quyết định sinh thêm. Năm 2003, chị Luyển hạ sinh cậu con trai cho anh Lâm. Anh chị đặt tên con là Trần Hưng Nguyên. Lúc mới sinh ra, Nguyên chỉ nặng 1,7kg. “Sinh đủ tháng, đủ ngày mà Nguyên nhỏ lắm. Cặp mắt lại một mí nữa nên nhìn như không thấy gì. Thấy thương con lắm”, chị Luyển nhớ lại.

Nhỏ người nhưng Nguyên phát triển bình thường khiến gia đình nhẹ lòng. Ấy thế, năm lên 5 tuổi, bố Nguyên quyết định đi làm ăn xa. Chị Luyển tay bồng, tay bế nuôi 3 đứa con. Hai anh chị đầu đi học còn Nguyên lẽo đẽo theo mẹ.

Bấy giờ, chị Luyển bán buôn ở chợ Cộn, Nguyên riết mẹ không rời. Cậu phụ mẹ ngoài chợ và cũng đỡ đần việc nhà. Cứ thế, tuổi thơ của Nguyên gắn chặt từ nhà, đến chợ với mẹ.

10 tuổi, cậu bất ngờ biết đến bơi. Hai chị bà con biết thể hình Nguyên có nét dị biệt. Cậu nhỏ người nhưng bàn chân và chân to, sải tay dài. Thế là, cả hai rủ Nguyên vào TP. HCM chơi cũng như thử sức với bơi. 

Ở gần sông Nhật Lệ đó mà nó có bao giờ biết đến bơi đâu. Hai vợ chồng cũng không biết gì nhiều. Đã 10 tuổi mà Nguyên nặng khoảng 25kg thôi, người nhỏ lắm, lại hay đau, ho lên ho xuống nhưng nó bảo, con xin bảo mấy tháng hè bơi cho vui, nếu được thì đi còn không thì xin ra”, chị Luyển kể, với suy nghĩ lúc đó của chị không cho con xa nhà.

Nhà gồm 5 người thì chồng vẫn đang lao động ở nước ngoài, con gái đầu học ở Đà Nẵng, chỉ ba mẹ con lủi thủi ở nhà. Nếu Nguyên đi nữa, cảnh nhà trống huơ, trống hoắc, chị Luyển không đành lòng.

Mẹ nhất quyết phản đối và cậu bé Nguyên chỉ còn một cách, gọi điện xin bố. “Nó gọi sang xin tôi, tôi cũng chỉ động viên con và bảo vợ, con thích đi là quyền của con, mẹ sắp xếp”, anh Lâm nói.

Và rồi, Nguyên thủ thỉ với mẹ “con đi học tội mẹ, nhà mới cất, ba đi làm xa lâu năm, nợ nần nhiều, con đi con kiếm tiền cho mẹ”. Cùng với đó, cậu bé 10 tuổi mắt một mí Hưng Nguyên nói cứng “mẹ không cho đi xuống nhà dì bảo dì chở đi”.

Nó nói mẹ cứ cho con đi đi, con có mấy chục ngàn tiền riêng, con không lấy tiền của mẹ. Con mua ít bánh, kẹo chia tay mẹ”, chị Luyển bật cười khi kể lại sự ngây ngô ngày đó của con mình.

Cuối cùng, chị Luyển cũng xuôi lòng, nuốt nước mắt vào trong tiễn con vào nam. “Đó là ngày 30/7/2013, nhầm ngày 26/6 âm, Nguyên khăn gói ba lô vào nam”, chị Luyển nhớ như in.

Vào nam được vài ngày, Nguyên gọi ra cho mẹ, bật khóc con lành. “Tiếng khóc hu hu của con càng khiến tôi xót lòng”, chị Luyển nhớ lại và giây phút đó, chị giữ cho mình sự bình tĩnh, tránh òa khóc như những đêm trước đó, chị lặng thầm nỗi nhớ con da diết.

Bình tâm một thời gian ngắn, ít ngày sau, chị gọi con Nguyên cùng lời dụ dỗ “con nhớ mẹ thì về với mẹ đi”. Nguyên nhất quyết không về. Lúc này, cậu bé tìm được niềm đam mê cùng bơi lội và cũng từ đó, cậu càng có nỗi sợ mới, sợ bị mẹ đưa về. 

Hai tháng sau ngày Nguyên vào nam, anh Lâm trở về đoàn tụ gia đình sau 5 năm cày ải ở phương xa. Thế rồi, hai anh chị thu xếp vào thăm con. Xúc cảm của người mẹ trỗi dậy mạnh mẽ ở chị. 

Vào nhìn thấy con tập luyện, hai hàng nước mắt của chị lã chã rơi. “Nhìn tụi nhỏ bơi cả ngày, từ sáng chiều mà trời lạnh nữa, ui chao ơi, chi mà khổ ri con”, chị Luyển cảm thán.

Nhà thì chưa có điều kiện, con phải lẽo đẽo theo sau cả ngày nhưng tôi cưng nó lắm. Ở nhà phụ mẹ bán quán còn sướng hơn”, chị tâm sự.

Chị thuyết phục Nguyên: “Mẹ nhớ con quá, con về với mẹ đi nhưng nó nhất quyết không về”. Thế là, dồn hết bình sinh, chị đến gặp thầy xin con nghỉ. Nhưng rồi, cả thầy và trò đều nhất mực đồng tâm thuyết phục chị để Nguyên tiếp tục theo nghiệp bơi.

Tết năm đó, khi mới 6 tháng tập luyện, Nguyên chưa có gì. Trước khi về quê, do không có tiền dư dả, cậu không dám ra quán cắt tóc mà tự lấy kéo cắt. “Nhìn bộ dạng nó lúc đó, xót không tả nỗi. Người ốm yếu, tóc tai không ra gì cả, tôi cứ khóc mãi không thôi”, chị kể, trong lòng vẫn dằn vặt vì quyết định cho con đi.

Gần bên con sau 6 tháng xa cách, chị tìm cách thủ thỉ với con về quê để đi học, sau này bố mẹ định hướng công việc. Thuyết phục mãi, Nguyên vẫn không đồng ý. Chị Luyển cùng anh Lâm phải theo ý nguyện của con. Hai anh chị thu xếp thời gian, công việc để dõi theo hành trình ở các giải đấu của Nguyên.

Và rồi, nỗi niềm đó càng xót khi hai năm đầu, Nguyên không có nhiều thành tích. Cậu bé quê Quảng Bình chỉ về hạng 5-6 ở các đường bơi. Chị Luyển nhìn thấy càng thương con. 

Nhưng Nguyên dỗ rằng: “Mẹ ơi, họ về thứ nhất, thứ hai còn con đứng thứ 5, 6 vì con đang bơi đúng chuẩn kỹ thuật còn nếu bơi sai kiểu, đi nhanh hơn. Từ từ rồi con sẽ bơi hơn họ”. Nói xong, chị cười xòa.

Ý định khuyên con về vẫn len lỏi trong đầu chị nhưng đến năm 2015, anh Lâm, chị Luyển gặp chuyên gia Trung Quốc. Vị chuyên gia này hứa chắc nịch, Nguyên sẽ phát triển trong tương lai tới. Lúc đó, gia đình mới an lòng.

Chỉ hai năm sau, Trần Hưng Nguyên có thành tích vượt trội. Ở giải trẻ Đông Nam Á, Nguyên giành đến 18 HCV, 1 HCB. Đó cũng là dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp, đánh dấu bước trưởng thành đáng kể của kình ngư sinh năm 2003 này.

Nguyên có sự thăng tiến đến không ngờ. Năm 2019, anh được cử tham dự SEA Games 30 với mục đích cọ xát, tích lũy kinh nghiệm nhằm hướng đến kỳ đại hội tiếp theo trên sân nhà.

Ấy thế, đùng một phát, Nguyên khiến tất cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ phải choáng váng. Anh đoạt HCV ở hai nội dung 200m và 400m hỗn hợp. Lúc đó, Nguyên mới 16 tuổi và trở thành thần đồng mới của bơi lội Việt Nam.

Kể lại thời điểm đó, chị Luyển còn không tin vào mắt mình. “Khi Nguyên thi cự ly đầu tiên 200m hỗn hợp, tôi xem tivi trong phòng ngủ còn hai bố con xem ở ngoài phòng khách. Tiếng con trai vọng vào bảo Nguyên giành HCB. 

Tôi nằm trong phòng cứ phì cười, bảo em giơ tay đập ăn mừng trong rồi kìa. Nó giành HCV rồi”, chị hồ hởi kể lại. Số là, do đường truyền tivi ngoài phòng khách chậm hơn nên hai bố con bị… việt vị trong khoảnh khắc.

Gia đình khấp khởi, vui mừng đón nhận và lúc đó, Nguyên nhắn về “Mẹ ơi, con có HCV rồi”. Cậu bé 16 tuổi chỉ nhắn có vậy, không một cuộc điện thoại với gia đình. “Nó vẫn còn bơi nữa nên sẽ không bao giờ gọi đâu. Khi nào hết giải, nó mới gọi bởi sợ nói trước bước không qua cũng là cách phấn đấu cố gắng hơn nữa”, anh Lâm bày tỏ.

Sau đó, Nguyên đoạt thêm HCV ở nội dung 400m hỗn hợp. Cả nhà mừng ríu rít nhưng không hề có cuộc vui nào rình rang. “Cháu mới chỉ có thành tích lớn đầu tiên, vẫn còn chặng đường dài phía trước nữa”, chị Luyển thổ lộ.

Nguyên đằm tính và luôn tự nhủ, tập trung cao độ trước giờ “xuống nước”.  Cậu bé sợ quá khứ hiện về khi nói trước bước không qua. “Ở Đại hội TDTT năm 2018, Hưng Nguyên đoạt HCV 400m hỗn hợp xong rồi nhảy lên ôm ba, ôm mẹ. 

Ở nội dung sau, nó bị uống nước rồi không bao giờ dám lần sau ăn mừng trước luôn. Nó bảo, thôi, ba mẹ biết thì biết còn không đến hết giải biết luôn. Nó khiêm tốn bên ngoài thế chứ bên trong nghị lực lắm”, chị Luyển chia sẻ. “Nó mà thua thì người thất thểu lắm, buồn bã, có khi phát khóc”, anh Lâm nói. 

Gặt hái thành công vang dội ở SEA Games 30, Hưng Nguyên đoạt giải thưởng VĐV trẻ xuất sắc nhất năm Cúp Chiến thắng 2019. Anh cũng tiết kiệm những khoản tiền lớn đỡ đần bố mẹ.

Kinh tế gia đình dần khấm khá và đó cũng là lúc, anh Lâm chị Luyển thoải mái hơn ở để đồng hành với con trên mọi chặng đường. “Nghĩ lại, thấy thương con nhưng cũng thấy bản thân có chút dằn vặt khi ngày trước, nhiều lần khuyên con từ bỏ. Giờ đây, vợ chồng tôi cố gắng vun đắp khi thu xếp dõi theo con trên mọi chặng đường”, chị Luyển trải lòng.

Và rồi, khi biết lịch thi đấu môn bơi, anh chị đã nhanh nhẩu đặt vé ra Hà Nội cùng ước nguyện “hy vọng Nguyên thi đấu tốt, mang HCV về cho thể thao nước nhà ở kỳ SEA Games đặc biệt này”.

 

         Nội dung: Trần Khánh

        Thiết kế: Quỳnh Chi

Bài liên quan

Em trai Ánh Viên phá sâu KLQG, vượt xa thành tích HCV SEA Games 30 của Trần Hưng Nguyên

Nguyễn Quang Thuấn, em trai của siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã phá sâu kỷ lục QG của “đàn anh” Trần Hưng Nguyên và vượt xa thành tích giành HCV của chính kình ngư quê Quảng Bình ở giải bơi VĐQG bể 25m tại Huế.

Những điểm chung đặc biệt của bộ đôi kình ngư Vàng Huy Hoàng - Hưng Nguyên

Hai tài năng của bơi lội Việt Nam cũng như Đông Nam Á là Huy Hoàng và Trần Hưng Nguyên có những điểm chung vô cùng lý thú.

Trần Hưng Nguyên: Tài năng thiên bẩm trên đường đua xanh

Mới chỉ thi đấu chuyên nghiệp 2 năm nhưng Trần Hưng Nguyên sớm thể hiện tài năng thiên phú trên đường đua xanh.

Webthethao.vn Bình luận