Như sinh ra ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Một vùng quê sông nước thanh bình, êm ả. Cô gái sinh năm 1985 vẫn như bao đứa nhỏ nơi đây, cuộc sống gắn chặt với sông nước. Thế nhưng, bất thình lình, năm lên 3 tuổi, tai họa ập xuống. Như bị sốt và rồi sau đó, những biến chứng khiến cô bị liệt hai chân.
Một cô bé mới tuổi lên 3 không hề hay biết chuyện gì xảy ra. Lớn lên, Như mới ý thức về số phận không may của mình. “Tôi không thể làm được gì cả”, Như trầm ngâm. Cô chỉ quanh quẩn ở nhà và tự mặc cảm với đôi chân không lành lặn. Đến nỗi, cả bố mẹ, Như cũng chưa bao giờ cho sờ vào đôi chân.
Vùng quê Như sống vốn dập dềnh theo con nước. Cứ tháng 8, 9 hằng năm, lũ dâng và ngập nhà. “Ba tôi lót cao lên giường. Nước lên thì cứ lên theo, không di tản đâu cả”, Như kể lại. Ở vùng đất với điều kiện đặc thù đi lại bằng xuồng, đứa trẻ nào cũng biết bơi.
Nhưng với Như, cô có khát khao cháy bỏng khác. Đó là tìm đến con chữ. Như không thể theo học đúng lộ trình như những đứa bạn đồng trang lứa. Cô đam mê đến nỗi, cứ ngày nào, cũng năn nỉ bố mẹ xin đi học. “Mình nghĩ là người bình thường, tại sao lại không đi học, trong khi bạn bè xung quanh ai cũng được đi”, Như tâm sự. Lúc đó, Như đã 11 tuổi. Bố cô sợ nên ra một điều kiện: Như phải biết bơi.
Phải một năm sau, Như mới biết bơi. Nhà cách trường tiểu học khá xa, đến 7-8km và mỗi lần đến trường phải luồn theo các kênh rạch. Bố cho đi và quãng thời gian đầu, Như kể rằng: “Lúc đi bố lắc xuồng, còn lúc về tôi tự lắc. Xuồng của bố bị thủng nên vô nước, có lúc bị chìm xuồng”. Nhưng những lần như vậy, Như đã được trang bị kỹ năng với con nước.
Cô gái xinh xắn với nụ cười hiền thỏa ước nguyện. Ấy vậy, cô bị mặc cảm với số phận. “Lúc đó không có xe lăn, đến lớp là phải bò lết. Lúc ra về, đợi mấy bạn về hết mới bò xuống xuồng để về”.
Vượt qua mọi nghịch cảnh, Như cứ thế cháy bỏng với ước mơ của mình. Nhưng, sau khi học hết lớp 5, Như cũng đã 18 tuổi. Cô muốn theo học tiếp song lên cấp 2, trường ở xa hơn, bố không thể đưa đón nên quyết định cho con nghỉ với quan niệm "học bao nhiêu đó để biết chữ là được rồi".
Đằng sau lời nói đó, sau này Như mới hiểu, bố thương con gái vì gặp quá nhiều trắc trở khi đến trường. Còn với Như, cô chưa suy nghĩ được nhiều và “khóc như mưa vì nghỉ học”.
Như buồn lòng, đau đớn đến tột cùng. Cô suy nghĩ: "Nhiều lúc buồn quá đâm ra nghĩ ngợi tiêu cực rằng quan niệm không có gia đình, không muốn phiền bố mẹ gì hết. Có lúc tôi nghĩ, mình sẽ hiến xác để giúp những người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Tuổi 18 đẹp nhất của một con người thì đó là lúc, mây đen vần vũ với Như. Cô ở nhà, phụ mẹ lặt vặt. Cuộc sống cứ trôi qua một cách nhàm chán. Phải sau hai năm, cô mới tìm đến nghề mới: đan lục bình. Sau khi học nghề, cô được xuống thành phố để làm tập trung ở một cơ sở đan lát.
“Đâu đó là những cái nhìn thiếu thiện cảm, là sự phân biệt đối xử, ánh mắt dị nghị khiến tôi chạnh lòng. Họ bảo trả một tháng công 200.000 đồng. Tôi làm 4 tháng nhưng chỉ trả 400.000 ngàn". Như nhớ rõ vì hồi xưa dành tiền đó mua một chiếc nhẫn.
Trở về quê, Như học nghề nail nhưng đi đứng bất tiện nên cũng chỉ học một thời gian ngắn. 23 tuổi, Như xách ba lô lên Tp. HCM xin học nghề may với hành trang chỉ 1 triệu đồng. Thời đó cơ cực đến nỗi, một ngày chỉ có 2 bữa ăn, sáng và chiều, mỗi bữa 7.000 đồng.
Làm một thời gian nhưng cứ ở miết ở cơ sở này, Như mới chợt nghĩ: “Cũng có một người anh như mình, nhưng lại được ra ngoài thì tại sao mình lại không được đi. Tôi muốn ra ngoài khám phá xã hội như thế nào, muốn giao lưu, hòa đồng chứ không nghĩ mình sẽ làm được gì đó”.
Vì là cơ sở bảo trợ người tàn tật nên trung tâm không cho phép đi ra ngoài. Bởi lẽ, những nguy hiểm tiềm ẩn bất cứ lúc nào.
Sau khi được phép, Như đến với thế giới khác, nhộn nhịp với dòng người tất tả mưu sinh. Như bén duyên với bơi lội khi gặp thầy Phạm Đình Minh. Cô bắt đầu tập luyện chuyên nghiệp. Sự khác biệt ngay lập tức xảy đến. Như kể về sự cố đầu tiên: “Mới đầu vô, thầy bảo mặc đồ không kín đáo để bơi. Tôi thấy khó chịu vì trước đây toàn mặc quần dài, chưa mặc quần đùi bơi bao giờ”.
Thế là, thầy trao “đặc ân”, cho phép Như mặc bộ đồ khác, bên ngoài mặc thêm quần dài. Từ đó, cô bắt đầu hành trình mới.
Chỉ sau hai tháng tập luyện, Như đi thi giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2010 và giành ngay 1 HCV, 1 HCB. Đó là bước ngoặt, để rồi sau này, cô đoạt hai HCV Para Games 2011. Như có sự thăng tiến không ngừng. Cô tham dự 3 kỳ Paralympic với thứ hạng từ 6-7, đoạt 3 HCB giải VĐTG và liên tiếp gặt vàng ở các kỳ Para Games.
Đặc biệt, ở Para Games 2023 tại Campuchia, cô giành đến 5 HCV cá nhân, 1 HCB tiếp sức. Chỉ riêng 1 ngày, cô xuống nước 3 cự ly cá nhân và ẵm cả 3 HCV. Như thổ lộ: “Thông thường ở Para Games, tôi chỉ thi 3 cự ly nhưng năm nay BTC cho thi nhiều nội dung. Tôi bị áp lực, thậm chí stress, không ngủ được”.
Nhưng rồi, tất cả qua đi khi vượt qua nghịch cảnh, vốn là điều Như đã trải qua trong cuộc đời. Chính cô cũng thừa nhận: "Tôi khâm phục bản thân, cảm ơn chính mình cũng như mọi người”.
Như vốn bị mặc cảm, tự ti vì đôi chân không lành lặn. Năm 2011, cô quen với chàng trai khôi ngô cũng là VĐV bơi lội. Anh bị tật ở một chân, quê ở Huế. Quen một thời gian, cả hai mới dám nói chuyện với bố mẹ nhưng không ai chấp nhận và bị cấm cản.
Bố Như thương con gái khổ, khó vượt qua rào cản đến nỗi nói như dằn mặt: “Nếu lấy nó, sẽ không còn bố con nữa”. Bên nhà trai cũng cương quyết không cho quen. Nhưng bạn trai của Như lúc bấy giờ quả quyết “sướng con nhờ, khổ con chịu”. Dần dần theo thời gian, cả hai bên gia đình cũng bị đánh gục vì tình cảm của đôi trai gái.
Cả hai quen nhau trong âm thầm thời gian dài. Đến năm 2016, cái kết viên mãn với Như cùng chồng là đám cưới ngọt ngào. Đôi vợ chồng dành dụm và mua ngôi nhà cấp 4, lợp tôn. Như thổ lộ: “Nhiều người đến nhà thắc mắc tại sao là một VĐV quốc gia, lại ở nhà tệ như vậy nhưng vợ chồng tôi vui cũng như thầm nghĩ nhiều người còn khổ hơn mình. Cho dù thế nào thì trân trọng nó”.
Có nhà cùng gia đình nhỏ ấm cúng nhưng 7 năm qua, cả hai vẫn chưa dám sinh con. Như giãi bày: “Chúng tôi dồn tiền vào hết để mua nhà, vẫn còn nợ nên chưa dám sinh con. Cả hai muốn trả hết nợ để cuộc sống đỡ vất vả hơn rồi mới tính chuyện con cái”. Như và chồng không gặp áp lực, “hai bên gia đình cũng thoải mái, thương hai vợ chồng lắm”.
Nhưng, là người vốn tính lo xa, Như trăn trở: “Khi không còn thể thao, tôi chưa có việc làm ổn định. Chồng từng là VĐV bơi, bây giờ lớn tuổi chỉ đi dạy cho các bạn nhỏ tuổi. Cả hai sống lạc quan nhưng lo cho cuộc sống sau này”. Cô mơ ước sẽ tìm được hồ bơi để mở lớp, dạy cho các bạn trẻ hay những người thiệt thòi như mình.