Nỗi đau tuổi thơ và thấp thỏm theo con nước
Lê Tiến Đạt sinh ra là một bé trai kháu khỉnh bình thường. Anh quê ở ấp An Thái ,xã An Khánh huyện Châu Thành; cách thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) khoảng 70km. Bố mẹ làm nông, có ba người con, anh lớn, Đạt và em gái.
Cuộc sống cứ thế êm ả trôi. Đến năm Đạt 3 tuổi, tai họa ập xuống. Cậu bé sinh năm 1987 bị sốt bại liệt, dần dần bị teo cơ chân. Gia đình Đạt vốn thuần nông nên không biết đến tiêm phòng, dẫn đến nỗi đau quá lớn này.
“Khi lớn lên, gia đình kể mới biết. Đến lớp học, mấy bạn phân biệt, xa lánh. Lúc đó, bản thân tủi và buồn lắm”, Lê Tiến Đạt nhớ lại. Cuộc sống của Đạt đảo lộn, di chuyển đi lại khó khăn nên khi đi học, cậu bé này nhiều lần nản chí dù được tạo mọi điều kiện. Ấy vậy, trong thâm tâm, Đạt suy nghĩ “cố gắng học chữ để sau này làm được một điều gì đó cho bản thân”.
Thế là, Đạt vượt qua muôn trùng gian khó để đến trường tìm con chữ. Sống ở vùng đất sông nước, lại không thể đạp xe hay đi bộ, con đường đến trường với Đạt là luồn theo con nước. Đạt kể lại: “Hồi cấp một, trường cách nhà chưa đầy 1 km nhưng đường đất, đá đỏ. Tôi không biết chạy xe đạp, mà gia đình cũng không có tiền. Mẹ và nội thay nhau đi bằng xuồng”.
Cứ thế, nhịp sống trôi qua suốt 5 năm học cấp 1. Nhưng khi lên cấp 2, mọi vất vả, gian truân mới khiến cậu bé Đạt như muốn gục ngã. Đạt trải lòng với đôi mắt ngấn lệ: “Trường cách nhà khoảng 4km và cũng chỉ đi bằng xuồng, xuồng chèo bằng tay chứ không phải bằng máy. Thông thường, 6h45 vào học thì 5h00 sáng dậy để 15 phút sau xuất phát cho kịp.
Nhưng, miền Tây vốn theo đặc tính con nước. Vào ngày con nước ròng (nước lớn), nếu không di chuyển sớm hơn sẽ không thể đến trường. Khi gà còn chưa gáy, mọi vật chìm trong màn đêm, Đạt cùng mẹ lọ mọ đến trường. Đến trước sớm, mẹ đậu xuồng tại chỗ, đem đồ theo nghỉ ngơi ngay tại xuồng rồi tới giờ mới lên trường để học. Có khi, con nước xoay sớm hơn, không thể đi học quá sớm vì nguy hiểm, anh trai phải cõng cả 4km. Anh đợi học xong rồi mới cõng về”.
Đạt thầm nghĩ, thấy mẹ, anh trai cực khổ thế này, hay là nghỉ học, ở nhà phụ giúp bố mẹ. “Tôi cũng bàn bạc ý kiến với gia đình nhưng bố mẹ nhất quyết không cho đi, bảo phải vin lấy con chữ để tìm công việc sau này cho bản thân chứ bố mẹ không thể theo con cả đời”.
Từ đó, cậu bé càng hun đúc ý chí thay đổi cuộc đời từ con chữ. Năm lên cấp 3, trường xa, anh chuyển sang ở trọ cùng với bạn. Ngôi trọ chật chội, gần trường song lại nuôi những mơ ước, hoài bão của Đạt.
Đến năm 2005, Đạt tốt nghiệp cấp 3. Anh suy nghĩ: “Tôi phải học cao hơn, có bằng Đại học để không phụ lòng bố mẹ". Đạt chọn thi vào trường Đại học Cần Thơ và đỗ. Anh chọn học phần cứng của ngành công nghệ thông tin.
Nặng trĩu với tấm bằng đại học và cứu cánh nhờ bơi
Đầu năm 2006, Đạt nhập học. Anh càng thuận lợi với đèn sách khi ở chung trọ cùng anh ruột, lại gần trường. Cánh cổng đại học mở toang và mở ra bao hoài bão của chàng trai tật nguyền này. Anh mơ về một công việc "sáng cắp sách đi làm, chiều tối trở về tổ ấm”. Đạt lạc quan và hoạt động năng nổ, vượt qua nghịch cảnh số phận.
Anh tham gia hội sinh viên người khuyết tật trong trường để các bạn cùng hỗ trợ lẫn nhau, từ giảng đường đến cuộc sống đời thường. Năm 2008, hội sinh viên khuyết tật của trường có kết nối với Hội người khuyết tật thành phố Cần Thơ để tham gia các hoạt động thể thao.
Đạt nhớ lại: “Hằng năm, cứ đến giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, Hội thông bao đến tất cả các bạn rằng, năm nay có những môn nào, các bạn nào có năng khiếu thì tham gia”. Đạt đăng ký bơi lội bởi vốn dân sông nước, thuở nhỏ, anh hay tụ tập mấy đứa nhỏ trong vùng tắm sông. Thế là, tố chất bơi hình thành sẵn trong người của Đạt.
Anh đăng ký tham gia và được các thầy phát hiện, tuyển chọn. Đạt bắt đầu tập theo hướng chuyên nghiệp hơn. “Lúc này, tôi không còn tập theo bản năng, có thầy dạy các kỹ thuật, bản thân cũng cải thiện các chỉ số”, anh thổ lộ, nhưng với Đạt “tôi chỉ xác định đi thi giao lưu, thử sức mình, có thêm bạn bè và cởi mở với cuộc sống của mình”. Ấy thế, ngay trong năm đầu tiên tham dự, anh đã giành 3 HCV vô địch quốc gia.
Một năm sau, Đạt được chọn vào đội tuyển bơi lội khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 2009. Thật bất ngờ, chàng trai sinh năm 1987 đã giành 2 tấm HCV. Đó là gợi ý cho tương lai của Đạt khi anh có thể tìm hướng đi mới.
Nhưng, trong thâm tâm, anh vẫn muốn theo nghiệp con chữ. Đạt bảo lưu một học kỳ vì thi đấu nhiều. Sau đó, anh tốt nghiệp đại học vào hè 2009. Những hoài bão, ước vọng của Đạt dồn vào tất cả hồ sơ anh đi xin việc.
Bởi lúc đó, anh còn cân nhắc vấn đề kinh tế, đỡ đần bố mẹ. “Những lúc tập luyện, thi đấu tôi mới có chút kinh phí. Còn khi hết quãng thời gian đó thì về lại nhịp sống bình thường”, Đạt chia sẻ. Vốn bập bênh. Mỗi năm chỉ có 1-2 giải, quá ít để duy trì kinh tế ổn định. Đạt quyết tâm tìm kiếm công việc với nghề công nghệ thông tin.
Anh nộp hồ sơ một vài nơi. Ấy thế, thời gian trôi qua, Đạt mòn mỏi chờ đợi. Sự chờ đợi quá dài khiến anh cảm thấy thất vọng. Tất cả như màn đen về suy nghĩ, ước mơ lâu nay của Đạt.
“Tôi chưa làm được gì từ bằng cấp. Xin việc thì khó. Bản thân không tha thiết gì nữa, cảm thấy chán nản. Tôi buồn lắm. Nhưng may vẫn còn có bơi. Bơi lúc đó phát triển và bản thân nhận thấy đủ khả năng để tranh chấp huy chương. Tôi cứ nghĩ theo bơi còn sau này sẽ tính sau”, Đạt trải lòng.
Nặng trĩu với tấm bằng đại học song cánh cửa này sập lại, có cánh cửa khác mở ra. Bơi đã giúp Đạt tìm ra một con đường mới, hướng đi mới và có cuộc sống mới.
Gừng càng già càng cay
Ngay lần đầu tiên tham dự đấu trường quốc tế vào năm 2009, Đạt có thành tích ngoài sự mong đợi. Thế nhưng, hai năm sau, anh chỉ có đúng 1 tấm HCĐ ASEAN Para Games 2011. Ngoài việc chủ nhà xáo trộn nhiều nội dung, Đạt bị ảnh hưởng tâm lý bởi câu chuyện ngoài chuyên môn.
”Đó là quãng thời gian đầy thử thách. Ra trường xin việc không được, bản thân thấy mình không thể làm gì nhiều, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ song khi đã xác định theo bơi, tôi cảm thấy nhẹ nhàng”, Đạt chia sẻ.
Anh tập trung vào tập luyện, bất chấp kinh tế không có nhiều dư dả và tập theo thời vụ. những lăn tăn đều được gạt bỏ. Anh chỉ bơi và bơi. Ổn định tâm lý, có sự bình tâm và chuẩn bị kỹ càng về chuyên môn, Đạt dần tìm lại chính mình.
Ở ASEAN Para Games 2013, anh giành 3 HCV, 1 HCB và phá 2 kỷ lục đại hội. Sự ổn định đó duy trì thời gian dài. Anh còn giành 1 HCB, 1 HCĐ Asian Para Games 2014 và 1 HCĐ Asian Para Games 2018.
Đầu năm 2019, bước ngoặt xảy đến với Lê Tiến Đạt. Chàng trai quê Đồng Tháp ra tập trung ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng. Tại đây, Đạt chuyên tâm vào tập luyện quanh năm suốt tháng, không còn nỗi lo tập luyện thi đấu theo thời vụ.
Ở trung tâm, Đạt được tạo mọi điều kiện tập luyện tốt nhất, về ăn ở, cơ sở vật chất,... Dù trong quãng thời gian 3 năm đầu bị dịch COVID-19 nhưng cuộc sống, tập luyện của Đạt không bị xáo trộn quá nhiều.
Sau 3 năm không thi đấu các giải quốc tế, năm 2022, ở ASEAN Para Games tại Indonesia, Lê Tiến Đạt giành 3 HCV, 2 HCB và phá 2 kỷ lục. Đây là thành tích tốt nhất tại một giải đấu trong sự nghiệp của Đạt.
Thế nhưng, đó chưa phải là đỉnh cao. Năm nay, khi đã bước sang tuổi 35, Đạt giành 4 HCV, 1 HCB và phá 3 kỷ lục ở ASEA Para Games 2023 tại Campuchia. Đỉnh cao của Đạt chính là tấm HCV duy nhất cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Asian Para Games 4 ở Trung Quốc. Tất cả đó kết đọng để giúp Đạt có tên trong đề cử VĐV khuyết tật xuất sắc năm Cúp Chiến thắng 2023.
Đạt bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc. Tôi không ngờ luôn, chỉ khi HLV báo cho tôi, tôi mới biết. Cúp Chiến thắng là mơ ước của các VĐV bởi giải thưởng ghi nhận sự cống hiến của những người hoạt động trong thể thao.
Theo đuổi thể thao lâu năm, bản thân tôi luôn hun đúc ước mơ một ngày nào đó có thể chạm đến giải thưởng cao quý này. Năm nay, tôi đã may mắn khi nằm trong đề cử VĐV khuyết tật của năm. Tôi hy vọng, may mắn sẽ đến với mình”.
Thành tích trong năm 2023 của Lê Tiến Đạt:
+ 1 HCV Asian Para Games 4
+ 4 HCV, 1 HCB, phá 2 kỷ lục ASEAN Para Games 12
Mã số bình chọn: 82
Bình chọn cho LÊ TIẾN ĐẠT tại: http://binhchon.cupchienthang.vn/