Nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo bậc phụ huynh không nên cho con em mình mặc những chiếc áo đấu mùa EURO, vì những loại áo này có thể gây ra ung thư.
Ngày nay, hơn 550 loại thuốc nhuộm, hơn 3.000 hóa chất cùng một số kim loại nặng gây rối loạn nội tiết tố đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng trong công nghiệp may mặc theo pháp luật ở những quốc gia khác nhau. Nhưng cấm là một chuyện, còn các nhà sản xuất có thực hiện hay không thì lại là chuyện khác.
Như đã đề cập trong bài viết trước, từ trước VCK EURO 2012, Tổ chức tiêu dùng châu Âu (BEUC) đã khuyến cáo rằng, những ai chót bỏ ra 90 euro mua áo đấu của những đội tuyển như Đức, Ukraina, Nga, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ba Lan… thì nên “vứt vào sọt rác”.
Bởi theo nghiên cứu của BEUC, áo đấu của những ĐTQG nói trên chứa chất độc, kim loại nặng như chì, niken, organotin vượt quá ngưỡng cho phép. Bất chấp cảnh báo của BEUC, các nhà sản xuất trang phục và dụng cụ thi đấu thể thao vẫn tiếp tục sử dụng hóa chất độc hại.
Bằng chứng là ở VCK World Cup cách đây 2 năm trên đất Brazil, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) còn hiện ra độc tố ở 33 mẫu sản phẩm. Đáng nói là, áo đấu, găng tay thủ môn và giày đều chứa hóa hóa chất perfluorinated (PFC) vượt nhiều lần ngưỡng cho phép.
Những Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Andres Iniesta… có thể bị nhiễm độc hóa chất hoặc kim loại nặng từ những chiếc áo đấu không đảm bảo chất lượng về an toàn. Đó là điều tồi tệ, nhưng điều đáng lo ngại hơn là, những ngôi sao nói trên có cả chục triệu người hâm mộ, đặc biệt là trẻ em. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi trẻ em trên khắp thế giới mặc áo đấu tuyển quốc gia mùa EURO có nhiễm PFC như thần tượng?
Theo Tạp chí Chuyển hóa và Nội tiết lâm sàng (The Endocrine Society’s Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism - Mỹ), trẻ em nếu tiếp xúc nhiều với các hóa chất PFC có khuynh hướng xuất hiện những dấu hiệu ban đầu của hội chứng chuyển hóa, làm tăng nguy cơ phát triển những bệnh tim mạch, đột quỵ, đái đường, gan và đặc biệt là ung thư.