Thế giới F1 (Công thức 1) thường được xem như một nơi vương giả, chốn chốn đều là tiền. Đặc biệt, thu nhập của các tay đua được đánh giá là thuộc hàng đầu thế giới. Nhưng rõ ràng, bất chấp khoa học phát triển giúp các cuộc đua an toàn hơn trước nhiều, mỗi lần ngồi vào sau vô lăng là một lần các tay đua F1 lại đem mệnh mình ra đánh cược.
Chính vì mỗi cuộc đua là 1 lần các tay đua bán mạng, tài chính của Công thức 1 luôn là đề tài được quan tâm: Các đội được chia bao nhiêu tiền và sử dụng khoản tiền đó như thế nào. Hồi năm 2018, Forbes ước tính ngân sách cho 10 đội đua F1 mùa đó là 2,6 tỷ đô la (trên 60 ngàn tỷ đồng). Chỉ một thời gian ngắn sau, Liberty Media mua lại quyền sở hữu F1 với giá 4,6 tỷ đô la (gần 110 ngàn tỷ đồng).
Cho đến thời điểm này, nhiều đội đua bị đánh giá là thua lỗ nặng, nhưng vẫn không ngừng đầu tư hàng trăm triệu đô là để cải tiến xe. Bên cạnh đó, họ cũng dồn rất nhiều tiền nhằm có một tay lái xịn ngồi sau vô lăng.
Nhiều đội đua hàng đầu của F1 có chiến lược đào tạo tay đua ngay từ thời trẻ. Do đó, kinh phí đầu tư cực kỳ khổng lồ. Thậm chí có thể khẳng định chi phí để đào tạo 1 tay đua F1 cao hơn bất cứ số tiền nào được dùng nhằm phát triển 1 VĐV chuyên nghiệp.
Bởi lẽ, thông thường một tay đua thành công sẽ khởi nghiệp bằng đua karting, lộ trình cần từ 7-10 năm. Trong quá trình đó, đầu tư vào huấn luyện và trang bị ngốn ít nhất 585.000 bảng (gần 20 tỷ đồng). Với những đội đua đầu tư nghiêm túc vào thế hệ tay đua kế thừa, chi phí đào tạo để 1 tay đua trẻ giàu triển vọng được đua chính thức có thể lên tới 8 triệu bảng (gần 250 tỷ đồng).
Vì vậy, đừng bất ngờ khi các tay đua hàng đầu của F1 thuộc nhóm những nhà thể thao chuyên nghiệp được trả lương cao nhất thế giới. Thống kê năm 2020 cho biết tay đua 6 lần VĐTG Lewis Hamilton nhận 48 triệu euro (gần 1.250 tỷ đồng) hàng năm tại Mercedes. Ở Ferrari, Sebastian Vettel hưởng lương 42 triệu euro (hơn 1.000 tỷ đồng).