Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp

thứ bảy 26-5-2018 15:49:42 +07:00 0 bình luận
Ba môn phối hợp không còn là "thú chơi" riêng của giới phong trào nữa mà các VĐV "hàng tuyển"" của Việt Nam đã bắt đầu đổ xô tham gia.

TECHCOMBANK IRONMAN 70.3 Vietnam 2018 là giải thi đấu thu hút nhiều VĐV, cựu VĐV "hàng tuyển" nhất trong số 4 mùa giải đã qua. Bên cạnh rất nhiều ngôi sao ba môn phối hợp hàng đầu thế giới đến Đà Nẵng,  sự góp mặt đông đảo của các VĐV và các cựu VĐV chuyên nghiệp, ĐTQG Việt Nam vẫn làm tăng "chất lượng" VĐV chủ nhà. Ba môn phối hợp không còn là "thú chơi" riêng của giới phong trào nữa mà các VĐV "hàng tuyển" đã bắt đầu đổ xô tham gia.

Năm nay, VĐV Olympic Nguyễn Thành Ngưng là 1 trong 3 thành viên thi đấu cho đội Đà Nẵng 1 ngay trên sân nhà. Từ việc đi bộ nhanh chuyển sang chạy nhanh, Thành Ngưng không hề gặp khó khăn bởi anh trước đây từng vô địch trẻ giải chạy cự ly 1500m và 5000m.

Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp - Ảnh 1.

VĐV Olympic Nguyễn Thành Ngưng không gặp khó khăn chuyển đổi giữa đi bộ 20km và chạy bộ half marathon 21km. Ảnh: Hải Đăng

"Giải này hấp dẫn hơn một số giải chuyên nghiệp mà tôi đã từng tham gia. Nhiều VĐV không chuyên tham dự vì nhiều mục đích khác nhau. Họ tạo nên sự đoàn kết. Tôi cảm thấy rất thoải mái. Tuy nhiên, tôi vẫn sợ cái nắng khắc nghiệt của Đà Nẵng", Thành Ngưng cho biết. 

>> Thành Ngưng: Từ phận "người thừa" tới suất Olympic lịch sử

"Khi chạy trên đường, tôi thấy người ta cổ vũ nhau hoàn thành cự ly. Đó là điều rất hay. Tôi rất nể phục các VĐV (phong trào). Họ thi đấu với ý chí cao. Tinh thần thi đấu của họ nhắc nhở tôi chưa phải quá già trong thi đấu chuyên nghiệp nên cần cố gắng hơn nữa". Không chỉ có Thành Ngưng, Đà Nẵng còn tung ra Võ Xuân Vĩnh, một VĐV đi bộ hàng đầu khác của đội tuyển điền kinh Đà Nẵng để cạnh tranh.

Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp - Ảnh 2.

Võ Xuân Vĩnh, HCB 2 kỳ SEA Games 27-28. Ảnh: Nguyễn Đạt

Nếu như Thành Ngưng, Xuân Vĩnh tận dụng sở trường đi bộ nhanh ở nội dung chạy bộ 21km thì kình ngư Võ Huỳnh Anh Khoa là "át chủ bài" làm nên chiến thắng bất ngờ của đội Mude ở mùa giải năm nay. Đội Mude đã đánh bại đội nam Newborns Vietnam rất mạnh, từng vô địch Ironman 70.3 2 năm liên tiếp 2016-2017.

>> Võ Huỳnh Anh Khoa: Kình ngư Vàng vượt tật nguyền, thắng bệnh ung thư

Thành tích của team Mude, đội vô địch Ironman 70.3 Vietnam 2018

Bơi 00:29:08

Đạp 02:14:18

Chạy 01:33:34

Tổng thời gian: 04:24:01

Tại ASEAN Para Games 2017, Võ Huỳnh Anh Khoa giành tới 3 HCV và 2 HCB trong 5 nội dung thi đấu. Chàng trai trên đôi chân tật nguyền, từng chiến thắng căn bệnh ung thư viết nên câu chuyện cổ tích này là 1 trong 5 ƯCV VĐV khuyết tật xuất sắc nhất năm của Cúp Chiến thắng 2017.

Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp - Ảnh 4.

Võ Huỳnh Anh Khoa (giữa) cùng 2 đồng đội xuất sắc đánh bại team Mude trước team Newborns Vietnam, đội từng vô địch 2 mùa liên tiếp trước đó. Ảnh: Anh Khoa

"Các thành viên trong đội của tôi luôn động viên nhau. Không có gì là không thể. Khi mình đã đặt mục tiêu rồi, quyết tâm thực hiện rồi thì các bạn sẽ làm được", Võ Huỳnh Anh Khoa chia sẻ.

Đến với Đà Nẵng chẳng phải để ăn thua, Nguyễn Thu Trang, cựu kỷ lục gia cự ly bơi 1500m (2004), thi đấu với tâm thế của một VĐV "tay mơ" đúng nghĩa. Thay vì bơi, Thu Trang thi đấu đồng đội nội dung...đạp xe. Mặc dù đây là lần đầu tiên được thử sức thi đấu ở môn thi không phải sở trường song ba môn phối hợp đối với Nguyễn Thu Trang không có gì lạ lẫm. 

>> Tập luyện kỹ thuật bơi open water cùng nhà VĐQG bơi lội Nguyễn Thu Trang

Trước đây, Thu Trang từng được cử đi Phillippines đào tạo triathlon cùng với 3 VĐV khác thời còn thi đấu. Nhưng ở thời điểm đó, điều kiện kinh phí hạn chế và phong trào chưa có nên đội tuyển triathlon không được đầu tư và duy trì ở Việt Nam.

Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp - Ảnh 5.

HLV Nguyễn Thu Trang lo âu dõi theo các học viên "người sắt" của mình chinh phục bơi biển ở nội dung Sprint. Ảnh: Hải Đăng

"Năm 2004, tôi từng ngã xe đạp khi đổ đèo ở Subic Bay trong đợt đào tạo về triathlon tại Philippines nên cảm giác bay người ra khỏi xe đạp luôn ám ảnh trong ký ức", Thu Trang kể lại. Số phận như sắp đặt, cô ngã bay khỏi xe đạp ở km thứ 35. "Đầu gối tôi sưng vù, tay và vai trầy da rớm máu, rách luôn cả bộ quần áo. Dù cà nhắc rất đau nhưng nghĩ tới đồng đội tôi không cam tâm bỏ cuộc và tiếp tục đạp tiếp để về đích". 

Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp - Ảnh 6.

HLV bơi Nguyễn Thu Trang trên đường đua xe đạp. "Nàng tiên cá" khi lên bờ kín đáo nhất có thể dưới cái nắng gay gắt cùa Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Đỗ

Thu Trang hoàn thành nhiệm vụ của mình sau 3 giờ 41 phút, vượt 20 phút so với chỉ tiêu mà đồng đội cô giao cho.

Cùng với Thu Trang, HLV Bùi Phương Nhung thuộc lứa "thế hệ vàng" gần nhất của bơi lội Hà Nội. Kiện tướng bơi này cũng không nghĩ có ngày mình thi thố cùng với các VĐV phong trào sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu. Phương Nhung trước đây từng phá kỷ lục 50m bơi ngửa tồn tại 11 năm ở ĐH TDTT toàn quốc 2002 và không có đối thủ cùng thời với mình ở các nội dung bơi ngửa. Sau khi chia tay thể thao đỉnh cao, Phương Nhung chỉ chuyên huấn luyện cho các VĐV phong trào, đặc biệt là những người chơi ba môn phối hợp.

Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp - Ảnh 7.

Kiện tướng bơi Bùi Phương Nhung (giữa) cùng các đồng đội. Ảnh: NVCC

"Đây là lần thứ 2 tôi tham gia thi đồng đội. Lần đầu cách đây 2 năm, đội của tôi (toàn nữ) bất ngờ được hạng Nhất vì lúc đó còn ít đội. So với các giải tôi từng thi đấu trước đây từ SEA Games, vô địch châu Á, vô địch thế giới (hồ 25m) thì giải ba môn phối hợp Ironman có tính giải trí cao hơn", Phương Nhung chia sẻ. "Tôi 'xuống nước' thi đấu ở Ironman 70.3 Vietnam chủ yếu là để đồng hành, cổ vũ những học viên của tôi. Họ đã tập luyện rất chăm chỉ trong thời gian dài dù xuất phát điểm có thể không biết bơi".

"Ironman là một cuộc chơi, không có tâm lý hay áp lực gì cả, rất vui. Tinh thần của các VĐV tham gia cứ lên cao dần cho đến ngày thi khiến cho những HLV như tôi và Trang cũng bị háo hức theo. Từ lúc rời khỏi thể thao, tôi đã nghĩ cả đời chả động chân động tay đi tập gì nữa cả". 

Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp - Ảnh 8.

HLV bơi Bùi Phương Nhung cùng các học viên "người sắt" của mình. Ảnh: NVCC

Cả hai kiện tướng Bùi Phương Nhung và Nguyễn Thu Trang hiện đang huấn luyện đào tạo "người sắt", góp phần gây dựng phong trào ba môn phối hợp ngày càng có tính chuyên môn cao hơn.

>> Buồn lòng chuyện "kình ngư" Kim Tuyến giải nghệ tuổi 21

Một "nàng tiên cá" khác gây sự chú ý rất lớn trong cộng đồng chơi ba môn phối hợp là Nguyễn Thị Kim Tuyến, cựu VĐV bơi lội số 1 Việt Nam. 

Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp - Ảnh 9.

Nguyễn Thị Kim Tuyến (thứ 3 từ trái sang) nhận giải thưởng dành cho VĐV bơi nữ Việt Nam có thành tích tốt nhất (30:35/1,9km)

Năm 2015, Kim Tuyến bất ngờ giã từ thi đấu chuyên nghiệp khi mới 21 tuổi. Tại Đà Nẵng, kình ngư một thời làm mưa làm gió trên đường đua xanh một mình thi đấu cả ba môn phối hợp. Kim Tuyến hoàn thành sau hơn 7 giờ 20 phút. Dĩ nhiên, thành tích môn bơi của Kim Tuyến nằm trong tốp đầu Việt Nam dù cô gái này không có thời gian luyện tập nhiều do bận huấn luyện các "người sắt" và theo học năm cuối trường ĐH Thể dục Thể thao Tp.HCM. 

"Tôi muốn thử sức ở môn mới xem nó có khó quá không. Tôi chỉ có 4 tuần để tập đạp xe và chạy. Xe đạp thi đấu ngày cuối tôi mới mượn được", Kim Tuyến cho biết. 

Trào lưu các VĐV chuyên nghiệp Việt Nam chơi ba môn phối hợp - Ảnh 10.

Thành tích 3 môn phối hợp của cựu VĐV bơi số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tuyến trong lần đầu thi đấu solo

"Tôi rất khâm phục tinh thần tập luyện của các VĐV phong trào. Họ nghiêm túc như VĐV chuyên nghiệp. Cộng đồng ba môn phối hợp ngày một phát triển là cơ hội để cho tôi cũng như chị Thu Trang, Phương Nhung được truyền đạt kinh nghiệm mà chúng tôi đã tích lũy được trong thời gian thi đấu thể thao đỉnh cao".

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm