Chơi thể thao không chỉ là luyện tập cho sức khỏe mà nó còn là một đam mê. Đặc biệt với môn thể thao đạp xe, câu chuyện đam mê còn là cả vấn đề mua sắm xe đạp, phụ kiện và quần áo thời trang sao cho phù hợp với khả năng tài chính của mỗi người. Đối với những người đạp xe lâu năm thì họ sẽ rất hiểu họ sẽ mua xe nào phù hợp với sở thích và túi tiền của mình. Nhưng những người mới lần đầu bước chân vào thế giới xe đạp này sẽ rất bỡ ngỡ. Bạn cứ thử ra ngoài đường nhìn vào một chiếc xe đạp, bạn sẽ rất khó có thể định giá nó bao tiền. Nó có thể có giá bằng chiếc ô tô con đấy.
Mua chiếc xe đạp không giống như ô tô hay xe máy. Đó là cả một rừng những thông tin về giá cả, chủng loại, kiểu dáng hay những model nào mới nhất ra năm nay.
Một chiếc xe đạp thể thao có giá từ 3 triệu đến hơn 300 triệu. Nó phân ra nhiều dòng khác nhau như xe đua, xe địa hình, xe touring, xe biểu diễn, xe đạp tính giờ … Là người mới tham gia vào môn thể thao đạp xe, bạn có thể cân nhắc trước tiên hãy mua xe đạp địa hình (Mountain bike). Trước khi mua xe, bạn hãy trả lời 3 câu hỏi dưới đây:
Khi trả lời được 3 câu hỏi trên, bạn có thể tìm hiểu thêm về xe đạp trước khi quyết định bỏ tiền ra mua một chiếc xe như thế nào dưới đây.
Bạn có thể dễ dàng mua một chiếc xe của các hãng xe Trung Quốc. Tuy là xe của Trung Quốc sản xuất nhưng chất lượng cũng khá tốt. Các dòng xe chủ yếu là các xe của hãng TrinX, Galaxy, Laux, Java... và ngay cả hãng xe Giant và Trek cũng có những chiếc xe ở tầm giá "dễ chịu" này.
Bạn có thể tham khảo một số xe như: TrinX M136 có giá chỉ khoảng 3,7 triệu đồng, hoặc TrinX M600 với giá trên thị trường khoảng 5,2 đồng. Trong khi đó xe đạp Laux Pioneer 240 chẳng hạn sẽ có giá khoảng 4,7 triệu đồng. Nếu thích xe có thương hiệu hơn, bạn nên mua chiếc Giant ATX 610 với mức giá khoảng 5 triệu đồng.
Khi bạn có ngân sách cao hơn, bạn nên chọn những hãng xe thương hiệu tốt như Giant, Trek, Obea... Những hãng xe này có kinh nghiệm sản xuất xe lâu đời. Họ sẽ giúp bạn có một chiếc xe với sự kết hợp hoàn hảo hơn giữa các bộ phận chuyển động và khung xe. Chẳng hạn như bộ thụt của nó cũng sẽ bền bỉ hơn hay bộ vành bánh hợp lý cho những cung đường mà bạn lựa chọn.
Với mức ngân sách này bạn có thể chọn dòng xe XTC của Giant, chẳng hạn như XTC 800 có giá bán khoảng 11 triệu đồng khá hợp lý với các linh kiện tốt cho đường đất gồ ghề gập ghềnh.
Tương đương với XTC800 của Giant là chiếc xe Marlin 6 của hãng xe Trek nổi tiếng với thiết kế khá đẹp. Giá của nó vào khoảng 10,5 triệu đồng nhưng có một điểm trừ lớn là bộ chuyển động cấp thấp hơn rất nhiều so với dòng XTC của Giant.
Ở tầm giá khoảng 20 triệu đồng, bạn có thể mua một chiếc xe đạp leo núi với thiết kế rất đẹp, mạnh mẽ và bóng bẩy. Vẫn là các hãng xe nổi tiếng Giant, Trek, Obea, còn có Specialized, Cannondale hay Lapiere.
Bạn có thể tham khảo dòng xe Giant XTC XLR 4 model mới nhất của năm 2017 có giá khoảng 22 triệu đồng.
Nếu bạn có nhiều ngân sách hơn nữa, bạn có thể mua những chiếc xe đạp đắt tiền mà nhiều người mơ ước. Những dòng xe này phải kể đến những chiếc khung carbon được chau chuốt từ kiểu dáng, nước sơn cho đến những màu sắc nổi bật thể hiện đặc trưng của từng hãng xe. Ngoài ra còn phải kể đến cả những bộ phận chuyển động của xe đạp cũng là những món đồ cao cấp của các hãng như Shimano XTR, Sram XX, vành Enve hay Mavic...
Bên cạnh những chiếc xe đạp 1 thụt chạy đường đất, bạn có thể mua những chiếc xe hai thụt dành cho đổ đèo với khung bằng carbon có giá từ 40 triệu đồng trở lên. Chẳng hạn, chiếc xe đạp Giant Trance Advanced có giá tới 156 triệu đồng.
Theo những câu hỏi ở trên, bạn có thể xác định nhu cầu của mình thành hai loại chính:
- Xe 1 thụt
- Xe 2 thụt
Nếu phần lớn thời gian bạn đạp xe trên đường đất, đường nhựa gồ ghề, nhưng có vài lần đạp xe đổ đèo dốc mỗi năm, bạn không cần bỏ tiền ra mua loại xe đổ đèo có 2 thụt. Phương án hợp lý nhất là bạn mua một chiếc xe 1 thụt và bạn có thể mượn hoặc thuê chiếc xe đổ đèo khi cần.
Tuy nhiên, phần lớn những chiếc xe 1 thụt vẫn rất an toàn cho bạn khi bạn đổ những đèo dốc không khó. Bạn hãy nhớ rằng trước khi phát minh ra xe 2 thụt, người ta vẫn dùng xe 1 thụt trước để đổ đèo. Ngược lại, nếu bạn hay đạp xe đổ đèo dốc, bạn hãy cân nhắc mua chiếc xe 2 thụt, tất nhiên nếu bạn có đủ ngân sách để mua loại xe đó.
Một khi bạn đã xác định được ngân sách bỏ ra để mua xe và xác định được loại hình đường xá mà bạn đạp thì đó là lúc bạn sẵn sàng mua xe.
Hiện nay, rất nhiều cửa hàng xe đạp ở Việt Nam cung cấp đa dạng các hãng xe khác nhau. Bạn nên mua xe gần nơi bạn đang sinh sống, không nên mua online. Lý do chính là bạn có một nơi để tin tưởng về chất lượng xe, bạn có thể nhờ họ chỉnh sửa bảo dưỡng sửa chữa xe khi hỏng hóc. Nếu mua online, thì bạn sẽ phải bỏ tiền ra cho mỗi lần căn chỉnh xe và gặp nhiều khó khăn, bất tiện khi bạn cần bảo hành sửa chữa.
Bên cạnh đó, khi bạn đến cửa hàng xe đạp, bạn có thể tự ngồi lên để đạp những chiếc xe mà bạn thích trước khi bỏ tiền ra mua nó.
Khi bạn đã tìm được chiếc xe ưng ý! Nó vừa kích thước với bạn, phù hợp với túi tiền, bạn sẽ rất nóng lòng khuân nó về nhà. Trước khi rút tiền từ ngân hàng để xách chiếc xe đó, bạn hãy nghiên cứu kỹ thêm một chút.
Nếu bạn mua mới: Hãy nhớ chú ý tới thời hạn bảo hành của chiếc xe. Và cũng nhớ hỏi kỹ về hỗ trợ kỹ thuật căn chỉnh xe khi cần thiết. Hầu hết các cửa hàng xe đạp ở Việt Nam đều giúp bạn căn chỉnh xe ít nhất 1 năm hoặc vài năm trong thời gian bạn sử dụng chiếc xe đó. Vì sau một thời gian đi xe đạp, bạn sẽ phải cần chỉnh lại một số vị trí của yên xe, ghi đông, cổ phốt hay pô tăng sao cho bạn đi thật thoải mái.
Nếu bạn mua cũ: Khi mua xe cũ, bạn hãy nhờ bạn bè hiểu biết về xe đạp tìm mua giúp và xem xét cẩn thận. Kiểm tra kỹ khung xe xem có bị nứt hay không. Đảm bảo là các phụ kiện còn gin. Kiểm tra lốp xem có bị nứt chưa. Kiểm tra hệ thống phanh hoạt động trơn tru hoàn hảo. Đặc biệt là bộ phận thụt phải hoạt động trơn tru, không có tiếng rít két két bên trong hay bị chảy dầu. Kiểm tra cả độ trơn của các vòng bi ở moay ơ, trục giữa. Điều quan trọng là bạn tránh xa những chiếc xe mà sau khi mua phải bỏ ra thêm vài triệu để sửa chữa hay bảo dưỡng.