Rất nhiều những yếu tố vật lý đã được áp dụng trong các môn thi Olympic. Dựa trên những kiến thức này, người hâm mộ có thể hiểu phần nào cách thức các VĐV thi đấu.
Hơn thế nữa, việc áp dụng các kiến thức vật lý giúp cho VĐV và HLV của họ có thể phát huy được tối đa sức mạnh, tốc độ cũng như khả năng di chuyển khi thi đấu cũng như trong tập luyện.
Trong môn bắn cung, những chiếc lông trên mũi tên (được gọi là fletching) có tác dụng cản gió và ngăn chặn sự nhiễu loạn trong không khí khiến cho mũi tên không thể đi trúng đích.
Những chiếc lông trên quả cầu lông tạo nên một lực kéo giúp cho cầu luôn giữ được thăng bằng và đi đúng hướng. Lực kéo này lớn tới mức VĐV phải đập vợt thật mạnh mới đưa được cầu bay sang bên phần sân đối thủ.
Còn mỗi khi một VĐV bóng rổ nhảy lên, 71% thời gian trên không của họ nằm ở nửa đầu của bước nhảy. Do vậy, chúng ta sẽ có cảm giác họ như đang bay ở trên không trung vậy.
Trong môn bóng chuyền, việc gập cổ tay khi giao bóng sẽ tạo ra một độ xoáy lớn đủ để làm trái bóng lao cắm xuống mặt đất ngay khi bay qua lưới, người ta gọi kỹ thuật này là “Topspin”.
Khi một cua-rơ chạy với tốc độ cao, anh ta sẽ tạo ra một luồng khí phía sau gọi là slipstream. Cua-rơ chạy trong trong luồng khí này sẽ chỉ cần dùng 2/3 năng lượng so với thông thường, nên giới đua xe mới có khái niệm "núp gió".
Hình dạng của chiếc đĩa giúp cho các VĐV ném đĩa thấy thuận lợi khi thi đấu ngược gió hơn là lúc thi đấu xuôi chiều gió.
Để có thể thực hiện nhiều pha nhào lộn nhất có thể, các VĐV nhảy cầu cần phải dậm nhảy càng mạnh càng tốt. Điều đó giúp họ bay cao hơn ở trên không. Nguyên tắc này dựa theo định luật 3 của Newton: Khi hai vật A và B tương tác, thì lực do A tác dụng lên B bằng về độ lớn với lực do B tác dụng lên A, nhưng hai lực tác dụng ngược chiều nhau.
Khi nhào lộn, các VĐV thể dục dụng cụ tận dụng nguyên tắc gọi là “mô-men động lượng", cho biết phương thức của một vật thể khi quay quanh một trục. Khi các VĐV để sát tay và chân lại với nhau, họ sẽ nhào lộn với tốc độ nhanh hơn.
“Fosbury Flop” là kỹ thuật mà các VĐV nhảy cao sử dụng để giúp họ bay cao hơn trong không trung. Trong kỹ thuật này, các VĐV sẽ cong người sao cho trọng tâm cơ thể nằm dưới thanh bar vài cm. Điều này cũng giúp cho các VĐV tiêu tốn ít năng lượng hơn khi thi đấu.
Các tay chèo càng nặng cân, thì thuyền của họ sẽ ngập xuống nước nhiều hơn, từ đó tạo ra nhiều lực cản. Để cân bằng điều này, các tay chèo cần phải khua mái chèo mạnh hơn với biên độ sải tay dài hơn.
Việc ôm trái bóng trong tay sẽ giúp cho các VĐV bóng bầu dục giảm được lực kéo cũng như kiểm soát bóng dễ dàng hơn.
Những VĐV có vóc dáng nhỏ và gầy rất thích hợp cho nội dung chạy marathon bởi cơ thể họ có xu hướng tản nhiệt ít. Ngược lại, những VĐV chạy nước rút cần có đôi tay cơ bắp, điều này giúp họ giữ được thăng bằng khi đôi chân đang chạy hết tốc lực về phía trước.
Để bơi nhanh nhất có thể, các kình ngư phải tìm mọi cách làm giảm sức cản của nước tới cơ thể họ. Do đó, những VĐV này phải cạo hết lông trên cơ thể và đội mũ bơi để tạo độ trơn mịn, giúp cho họ có thể bơi nhanh hơn.
Giống như môn bóng chuyền, các VĐV quần vợt cũng sử dụng kỹ thuật “Topspin” khi giao bóng bằng vợt. Điều này giúp cho bóng bay nhanh và lao cắm xuống mặt sân ngay khi bay qua lưới.
Trong môn cử tạ, các VĐV có đôi tay ngắn sẽ ít mất sức hơn trong việc nâng tạ.