Điều này đã được chứng minh bởi rất nhiều nghiên cứu khoa học của rất nhiều giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Tâm lý học và Y tế.
Giáo sư Carolyn Plateau, Giảng viên Tâm lý học của ĐH Loughborough, đã dành ra nhiều năm để nghiên cứu ảnh hưởng của các thiết bị theo dõi sức khỏe tới người sử dụng. Kết quả cho thấy, những người hay sử dụng các thiết bị theo dõi sức khỏe có nguy cơ bị rối loạn ăn uống hơn phần còn lại.
“Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, những người hay sử dụng các thiết bị công nghệ để theo dõi sức khỏe có xu hướng tập thể dục nhiều hơn, nhưng cũng có nguy cơ bị rối loạn ăn uống cao hơn những người khác”, bà Carolyn khẳng đinh.
Trong khi đó, nhà tâm lý trị liệu Amanda Perl nhấn mạnh, việc đếm lượng calo, ăn kiêng với chế độ nghiêm ngặt và tập thể dục quá mức chính là những triệu chứng của bênh rối loạn ăn uống và các thiết bị theo dõi sức khỏe sẽ khiến những triệu chứng đó trở nên trầm trọng hơn.
“Các thiết bị theo dõi sức khỏe khiến chúng ta có cảm giác sợ thất bại, tự ghê tởm với bản thân, thậm chí dẫn tới việc mất kiểm soát về hành vi”, bà Amanda cho biết. “Các thiết bị và ứng dụng theo dõi sức khỏe thúc đẩy người dùng phải đạt tới sự hoàn hảo không tưởng về bản thân. Nếu như không thể đạt được tiêu chuẩn đó, người dùng cảm thấy bị tổn thương và suy sụp tinh thần nhanh chóng”.
Bà Carolyn cũng nhấn mạnh rằng, không phải các thiết bị theo dõi sức khỏe là nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn ăn uống, nhưng chúng cũng góp phần khiến cho các biểu hiện của việc rối loạn ăn uống trở nên rõ rệt hơn.
“Việc thường xuyên theo dõi các hoạt động và chế độ dinh dưỡng của bản thân có thể vô tình khiến cho chúng ta luôn bị “ám ảnh bởi sự hoàn hảo” và tự phê phán bản thân khi không đạt được mục tiêu. Điều này dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần và cả chế độ ăn uống của bản thân”, bà Carolyn giải thích.
Hayley Pearse, một trong những bệnh nhân rối loạn ăn uống tại Trung tâm điều trị Brunch Over Bones , cho biết, cô từng có một cuốn sổ tay ghi cực kỳ chi tiết lượng calo nạp hàng ngày kể từ… năm 2012.
“Đến khi công nghệ phát triển, tôi vẫn tiếp tục theo dõi từng lượng calo, thậm chí cả tỷ lệ mỡ trong cơ thể mình”, cô Hayley nhớ lại. “Càng dùng các thiết bị công nghệ này, tôi càng trở nên khắt khe hơn với bản thân. Danh sách những món ăn có lợi và gây hại cho sức khỏe trên ứng dụng của tôi ngày càng dài theo thời gian. Bạn biết không? Tôi nhất quyết không ăn một món nào đó nếu như nó không nằm trong danh sách trên ứng dụng của tôi”
Các thiết bị công nghệ dần trở thành một trong những vật bất ly thân đối với những người tập luyện thể thao nói chung và các VĐV chuyên nghiệp nói riêng. Theo thông báo mới nhất của hãng thống kê hàng đầu thế giới Statista, số lượng các thiết bị đeo thông minh (wearable devices) được sử dụng trên toàn thế giới có thể cán mốc 74 triệu trong năm 2019 và thậm chí sẽ là 1 tỷ trong năm 2022. Trong đó, số lượng các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe chiếm số lượng đáng kể.
Theo tư vấn của Giáo sư Carolyn, chúng ta nên tạm dừng sử dụng các thiết bị theo dõi sức khỏe nếu cảm thấy lo lắng và căng thẳng bởi những thông tin mà nó mang lại. Tuy nhiên, bà Carolyn cũng khuyến khích người dùng không nên phụ thuộc vào các thiết bị theo dõi sức khỏe trong tương lai.