Phá vỡ mọi kỷ lục, Nike ZoomX Vaporfly có thể "trắng án" sau vụ điều tra của IAAF

Q.T.
thứ sáu 25-10-2019 0:59:00 +07:00 0 bình luận
Diễn biến thực tế đang cho thấy, rất khó để quy kết "siêu phẩm" Nike ZoomX Vaporfly vi phạm luật thi đấu của IAAF.

Quay ngược thời gian về năm 2017, Nike đã cho ra mắt lần đầu tiên siêu phẩm Vaporfly 4% với mục đích giúp các runner vượt qua giới hạn bản thân, cải thiện tốc độ, từ đó nâng cao thành tích khi tham gia các giải chạy, thậm chí phá vỡ những kỷ lục thế giới. Bất chấp mức giá không hề “mềm” ở thời điểm đó (517 USD/đôi, tương đương 12 triệu đồng), Nike Vaporfly 4% vẫn luôn “cháy hàng” mỗi lần mở bán. 

Phá vỡ mọi kỷ lục, Nike ZoomX Vaporfly có thể trắng án sau vụ điều tra của IAAF
Cận cảnh Vaporfly 4% phiên bản năm 2017.

Thực tế cho thấy, Vaporfly 4% thực sự là một đôi giày đáng giá từng xu với 5 kỷ lục marathon thế giới bị phá bởi các nam runner và 1 kỷ lục marathon bị xô đổ bởi một nữ runner tuổi 16. Đương nhiên, tất cả những VĐV này trở thành kỷ lục gia khi mang đôi giày Nike Vaporfly 4% cực phẩm.

Có thể nói, Vaporfly 4% đã mở ra kỷ nguyên mới về thiết kế giày chạy bộ nói riêng và giày thể thao nói chung với đĩa đệm bằng sợi carbon (carbon-fiber plate) cùng phần đế giữa ZoomX cực dày nhưng lại siêu nhẹ, đàn hồi hơn bất cứ công nghệ đế nào trước đây của Nike. 

Phần đế giữa ZoomX được tạo nên từ 2 lớp foam khác nhau: phần trên tiếp xúc với lòng bàn chân, phần dưới tiếp giáp với đế cao su. Ấn tượng hơn, ZoomX giúp cho trọng lượng đôi Vaporfly 4% chỉ có 192,8 gram, giúp runner có cảm giác như đang lướt trên các cung đường.  

Tuy nhiên, “điều kỳ diệu” của Vaporfly 4% nằm ở chính đĩa đệm bằng sợi carbon. Với thiết kế giống dạng lò xò, phần đĩa đệm này làm tăng thêm khả năng bật nẩy, hoàn trả năng lượng cho đế giày. Rất nhiều runner chia sẻ rằng, khi chạy với đôi Vaporfly 4%, họ có cảm giác như đang nhảy trên tấm trampoline. Thậm chí, sau khi trải nghiệm Vaporfly 4% lần đầu tiên, marathoner Galen Rupp còn phải thốt lên rằng: “Tôi có cảm giác như mình đang chạy đổ đèo vậy”.

Lý giải cho tên gọi, đôi Vaporfly 4% có thể cải thiện hiệu năng chạy bộ tới 4% so với đội giày chạy nhanh nhất trước đó của cả Nike và Adidas. Trong khi đó, con số này ở phiên bản mới nhất của Vaporfly, Vaporfly NEXT% là 5% và đây cũng chính là đôi giày VĐV Eliud Kipchoge sử dụng để trở thành người đầu tiên trên thế giới chạy marathon dưới 2 giờ tại Ineos 1:59 Challenge.

Phá vỡ mọi kỷ lục, Nike ZoomX Vaporfly có thể trắng án sau vụ điều tra của IAAF
Vaporfly NEXT% giúp Eliud Kipchoge chạy marathon dưới 2 giờ tại Ineos 1:59 Challenge

Tuy nhiên, mới đây, một nhóm 20 VĐV chạy bộ với “đầu tàu” là nhà cựu vô địch Marathon người Ý Gianni Demadonna đã viết thư gửi Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF), phàn nàn những công nghệ của các đôi giày Nike, đặc biệt là dòng Vaporfly, tạo ra lợi thế không công bằng giữa các vận động viên theo điều 143 luật thi đấu của IAAF.

Phần lớn những tranh cãi nhắm tới phần đế giữa của Vaporfly với đĩa đệm bằng sợi carbon. Nhóm VĐV trên cho rằng, thiết kế giống dạng lò xò của đĩa đệm này chính là một cách “doping kỹ thuật” và khiến cho cuộc chơi trở nên bất công.

IAAF sau đó đã phải lên tiếng thừa nhận sự tồn tại của vấn đề và ra tuyên bố thành lập một nhóm công tác đặc biệt để làm rõ. Theo kế hoạch, câu trả lời cuối cùng sẽ được cơ quan này đưa ra vào ngày 28/10.

Trong bài phỏng vấn gần đây trên Tạp chí Washington Post, HLV kỳ cựu và cực kỳ nổi tiếng của làng điển kinh thế giới, ông Steve Magness cho biết, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, lớp mút xốp foam làm tăng hiệu năng chạy bộ lớn hơn những gì mà đĩa đệm bằng sợi carbon có thể làm được. Điều này một phần xuất phát từ việc chưa có một quy chuẩn chung nào về cách vận hành, chức năng hoạt động của đĩa đệm trong một đôi giày.

Trong bài phân tích mới đây trên Tạp chí Y học Thể thao Anh, hai nhà khoa học Geoffrey T Burns và Nicholas Tam đã đưa ra một số đề xuất về những điều luật liên quan tới điều chỉnh độ dày đế giữa của một đôi giày chạy.

“Nếu như độ dày đế giữa của một đôi giày được coi là hợp lệ ở mức 31mm và mọi sự cải tiến không làm độ dày đó tăng lên, thì chúng vẫn được sử dụng trong các cuộc thi một cách bình thường”, bài phân tích ghi rõ. “Điều này từng được áp dụng ở những cuộc thi nhảy cao và nhảy xa, cho thấy sự minh bạch về tiêu chuẩn trong việc tiếp cận những sự cải tiến mới về giày thể thao”.

Bản thân phía Nike cũng đã lên tiếng trước tâm bão, nhưng vẫn bỏ ngỏ lời giải đáp cho câu hỏi “Liệu mút xốp foam là yếu tố chính giúp các runner có được lợi thế hay không?”. Hơn thế nữa, Nike cũng không phải là công ty duy nhất sản xuất giày với bộ đệm bằng sợi carbon. 

Do vậy, việc các VĐV muốn “kết tội” Nike trong trường hợp này là không hề đơn giản, thậm chí Nike có thể… “trắng án” trong vụ tranh cãi này.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm