Chạy bộ cho thấy vô vàn lợi ích dù bạn chỉ tập trong 30 phút hay 1 ngày. Tuy nhiên, nếu có thể duy trì chạy bộ trong vòng 1 tháng, chúng ta mới có thể nhận ra giá trị thực sự mà môn thể thao này mang lại.
#1. Chỉ trong vòng 2 tuần tập chạy trên máy treadmill, 12 đối tượng (4 nữ và 8 nam) đã giảm cơn thèm thuốc và sử dụng cần sa tới 50%! Đó chính là thành quả của công trình nghiên cứu đến từ Trung tâm Cai nghiện Vanderbilt (Mỹ).
Thậm chí, cũng theo nghiên cứu trên, việc chạy bộ khiến cho người ta có xu hướng thèm ăn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe như rau, củ, quả.
#2. Ông Sinan Aral, Giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts đã thực hiện một nghiên cứu “khủng” khi theo dõi và nghiên cứu thói quen chạy bộ của hơn 1 triệu người trong khoảng thời gian 5 năm.
“Việc biết thói quen chạy bộ của bạn bè khi họ chia sẻ trên mạng xã hội có thể giúp bạn chạy xa hơn và nhanh hơn”, ông Sinan khẳng định.
Trước nghiên cứu của ông Sinan, tờ New York Times từng cho biết, rất nhiều nghiên cứu đều chỉ ra rằng, việc khám phá thói quen tập luyện của người khác có thể giúp bản thân có động lực đẩy lùi các hiện tượng như béo phì hay lo lắng. Chính sự cải thiện về tâm trạng và vẻ bề ngoài của bạn sẽ giúp cho những người thân có thêm động lực trong việc chạy bộ, rèn luyện sức khỏe.
#3. Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học tại ĐH Cambridge, chạy bộ kích thích sự phát triển chất xám trong não bộ. Chỉ sau 1 tháng kiên trì chạy bộ, bạn sẽ thấy khả năng tiếp thu kiến thức và ghi nhớ tăng lên đáng kể do hàng nghìn tế bào não mới được sản sinh. Chưa dừng lại ở đó, chạy bộ còn giúp cơ thể tăng khả năng tuần hoàn máu, giảm stress do giải phóng được lượng hormones cortisol đáng kể.
Sự sáng tạo luôn là điều cần thiết với mọi người, từ sinh viên, công nhân viên chức hay doanh nhân. Chạy bộ có thể giúp tất cả chúng ta vươn tới mục tiêu đã đề ra trong cuộc sống với khả năng tiếp thu và sức sáng tạo không ngừng.
#4. Nhà khoa học Michael J. Sofis và các cộng sự tới từ trường ĐH Kansas (Mỹ) thực hiện công trình nghiên cứu với 16 đối tượng nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa thể thao và khả năng đưa ra quyết định.
Cụ thể, trong vòng 7 tuần, những người này được hướng dẫn thực hiện các bài tập thể dục, gồm cả chạy bộ, với cường độ cao thấp phụ thuộc khả năng từng người. Kết quả cho thấy, 13 người trong số đó có sự cải thiện rõ rệt trong việc đưa ra quyết định sáng suốt và thông thái hơn.
Hơn thế nữa, các nhà khoa học còn cho biết, việc duy trì thói quen chạy bộ sẽ giúp cho con người chú trọng nhiều hơn vào sức khỏe và hưởng thụ lâu dài, thay vì lựa chọn những thứ tạo nên cảm giác hưng phấn trong chốc lát.
#5. Nghe có vẻ hơi ngược, nhưng người bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) có thể cải thiện sức khỏe nhờ… chạy bộ.
Giáo sư Lucy V. Clark và đồng nghiệp đã tổ chức cuộc khảo sát với 211 bệnh nhân CFS từ 15/5/2012 đến 24/12/2014. Trong đó, 104 bệnh nhân được điều trị theo cách thông thường và 107 người còn lại được trải nghiệm lộ trình tập thể dục 6 cấp độ, kéo dài 12 tuần.
Cuộc nghiên cứu mang tới kết quả bất ngờ khi các bệnh nhân cảm thấy “ổn hơn rất nhiều” sau khi trải qua lộ trình 6 cấp độ trên. Thậm chí, các kết quả xét nghiệm về thể lực và trí lực của họ đều trội hơn đáng kể so với 104 bệnh nhân khác.
Một khảo sát khác cũng cho thấy kết quả tương tự khi các bệnh nhân CFS đều cho thấy dấu hiệu tích cực sau khi tập thể dục 3 buổi/tuần và kéo dài trong vòng 6 tuần. Thậm chí, chạy bộ còn giúp các bệnh nhân này duy trì được sự hưng phấn và năng động, từ đó hạn chế tối đa tần suất hứng chịu những cơn suy nhược.
#6. Các số liệu từ Cuộc khảo sát Sức khỏe của Scotland năm 2008 đã mang tới những kết quả thú vị về mối liên hệ giữa môi trường tập thể thao và sức khỏe con người.
Theo đó, 1890 người được khảo sát có quyền chọn lựa môi trường tập thể thao gồm rừng, công viên, bể bơi, phòng gym, đường phố và tại nhà. Kết quả cho thấy, hơn 50% nhóm người này lựa chọn môi trường thiên nhiên để tập luyện trong tháng cuối cùng của cuộc khảo sát.
“Rừng và công viên là những môi trường mang tới nhiều nguồn năng lương tích cực nhất cho những người chạy bộ nói riêng và tập thể thao nói chung. Chỉ cần tập ở những môi trường này 1 lần/tuần là đủ để nhận ra những lợi ích nó mang lại”, Giáo sư Richard Mitchell, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường, người đứng đầu cuộc khảo sát này khẳng định.
#7. Chạy bộ cũng là phương pháp hữu hiệu giúp bạn dễ ngủ, thậm chí ngủ ngon. Điều này đã được khẳng định bởi ông Nadeem Kalak và nhóm các khoa học tới từ Basel, Thụy Sỹ.
51 đối tượng ở độ tuổi từ 18 đến 30 (27 người là nữ giới) tham gia công trình nghiên cứu kéo dài 3 tuần này và được tự do lựa chọn 1 trong 2 nhóm: Nhóm chạy và Nhóm không chạy. Trong đó, các thành viên trong Nhóm chạy sẽ phải chạy bộ 30 phút mỗi buổi sáng.
Sau 3 tuần, sự tập trung và chất lượng giấc ngủ của các thành viên trong Nhóm chạy đều vượt trội hơn hẳn so với Nhóm không chạy. Trong khi đó, dù không phải tập thể thao, các thành viên nhóm không chạy lại có tần suất buồn ngủ, ngủ sai giấc trong ngày cao hơn.