Công nghệ là thứ không thể thiếu trong bóng đá hiện đại. Các nền bóng đá hàng đầu thế giới đã áp dụng thành công và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Trong cuộc họp báo sau chiến thắng trước U19 Bahrain tại tứ kết U19 châu Á 2016, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn có bật mí bí quyết giúp U19 Việt Nam giành vé dự U20 World Cup 2017 rằng: “Trong bóng đá hiện đại, thông tin là điều quan trọng nhất.
“Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ tất cả những thông tin có thể tìm được về U19 Bahrain. Họ thường gặp vấn đề thể lực và mắc lỗi trong khoảng thời gian 15 đến 20 phút cuối trận, và điều đó đã thực sự diễn ra trong trận đấu này”.
Thực tế cho thấy, phân tích của HLV Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn chính xác. Tại vòng bảng, U19 Bahrain ghi 7 bàn, nhưng chỉ có 1 bàn đến sau phút thứ 75. Đó là pha lập công ấn định chiến thắng 3-2 trước U19 Saudi Arabia trong ngày ra quân. Ngược lại, đội chủ nhà của vòng chung kết U19 châu Á 2016 lại phải nhận đến 4/6 bàn thua trong 15 phút cuối trận.
Đến trận tứ kết gặp U19 Việt Nam, U19 Bahrain vẫn chưa thể cải thiện được điểm yếu thể lực giảm sút vào cuối trận. Quyết định tăng cường hàng tiền đạo, tung Đức Chinh vào đá cặp với Trần Thành ở phút 57 cho thấy HLV Hoàng Anh Tuấn tự tin như thế nào sau khi nghiên cứu kỹ đối thủ.
Video bàn thắng lịch sử của Trần Thành vào lưới U19 Bahrain
Nói đến đây lại phải nhắc đến câu chuyện áp dụng công nghệ vào bóng đá Việt Nam. Đầu năm nay, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã duyệt chi gần 500 triệu đồng để mua phần mềm InStat thống kê, phân tích dữ liệu tập luyện và thi đấu của các ĐTQG.
Hiệu quả đến ngay tức thì khi HLV Nguyễn Hữu Thắng sử dụng thống kê của InStat để bắt bài đối thủ trong trận giao hữu với Syria, cùng 2 lượt trận cuối vòng loại World Cup 2018 gặp Đài Loan và Iraq.
Chia sẻ sau chiến thắng 2-0 trước Syria tại sân Mỹ Đình vào cuối tháng 5, HLV Nguyễn Hữu Thắng cho biết: “Nhờ những thống kê từ Instat, tôi đã biết được cầu thủ nào có sức uy hiếp cao nhất bên phía đội bạn. Như những băng hình họ cung cấp, tôi biết được rằng cần phải để các học trò chơi bóng với cự ly gần hơn để có thể bọc lót cho nhau. Các bạn cũng có thể thấy Ngọc Thịnh đã hoàn thành tốt việc bọc lót như thế nào khi đá cặp cùng Ngọc Hải”.
“Việc tìm hiểu thông tin trước trận đấu cũng cho tôi biết cầu thủ Alaa Al Shbbli của đội bạn rất nguy hiểm với những pha xuống biên nhờ độ nhanh và khéo của anh ấy. Đó cũng là lý do tôi không đưa Văn Thanh vào sân thi đấu. Tôi cần một cầu thủ có sức khỏe tốt hơn, chơi bóng rát hơn để khắc chế những điều đó”.
Chính HLV Hoàng Anh Tuấn cũng đánh giá cao việc VFF mua phần mềm InStat cho ĐTQG nhằm nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của các cầu thủ trong quá trình tập luyện và thi đấu. Nên nhớ rằng ông Tuấn từng có thời gian tu nghiệp tại Đức, quốc gia có nền bóng đá phát triển và luôn đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào bóng đá.
Chính vì thế, không có gì bất ngờ khi HLV Hoàng Anh Tuấn rất xem trọng việc tìm hiểu và phân tích thông tin của đội nhà lẫn đối thủ trước mỗi trận đấu nhằm đưa ra đấu pháp hợp lý nhất.
Thực tế cho thấy, những thành công của bóng đá Đức ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG trong những năm gần đây in đậm dấu ấn của công nghệ. World Cup 2014 là một ví dụ, đội tuyển Đức vô địch World Cup sau 24 năm chờ đợi với sự giúp sức lớn của Match Insights, phần mềm phân tích thông số kỹ thuật của các tuyển thủ Đức và đối thủ của họ.
Các thông số này sẽ được mô phỏng bằng video, hình ảnh và đồ họa trên điện thoại, laptop và máy tính bảng để các HLV có thể dễ dàng nắm bắt mọi thông tin liên quan đến hiệu suất thi đấu của cầu thủ nhằm đưa ra những điều chỉnh hợp lý trong việc tập luyện, thi đấu.
Thông thường, Match Insights sẽ cung cấp các chỉ số cơ bản của cầu thủ như số lần chạm bóng, thời gian kiểm soát bóng, quãng đường di chuyển, tốc độ di chuyển, ...
Chính nhờ những thông số này mà đội tuyển Đức có thu hoạch lớn tại World Cup 2015, giảm thời gian kiểm soát bóng trung bình của các cầu thủ từ 3,4 giây trong năm 2010 xuống 1,1 giây trong năm 2014. Kết quả là đội bóng của Joachim Loew có thể tạo ra các đường chuyền liên tục làm rối loạn hệ thống phòng ngự của đối thủ.
Sau Match Insights, SAP tiếp tục cung cấp cho đội tuyển Đức 2 phần mềm khác là Challenger Insights và Penalty Insights Function.
Trong đó, Challenger Insights sẽ cho HLV Joachim Loew biết xu hướng tấn công, phòng thủ, xây dựng đội hình, ... của đối thủ, còn Penalty Insights Function sẽ phân tích toàn bộ những cú sút phạt đền của các cầu thủ tham dự EURO 2016, từ xu hướng sút phạt, lực sút, tỷ lệ sút thành công, ... Chiến thắng của Đức trước Italia tại tứ kết EURO 2016 sau loạt sút luân lưu cân não được xem như hiệu quả của việc áp dụng phần mềm Penalty Insights Function.