Chung kết Wimbledon 2019: Roger Federer khiến công nghệ phải “chào thua” bởi bộ não thiên tài

Q.T.
chủ nhật 14-7-2019 8:00:00 +07:00 0 bình luận
"Tàu tốc hành" Roger Federer từng khiến cho mọi kết quả của công nghệ đỉnh cao trở thành vô nghĩa.

Quay ngược thời gian trở về thời điểm tháng 2/2019, không lâu sau khi Novak Djokovic lên ngôi tại Australian Open 2019. Một nhóm các nhà khoa học của Trường ĐH Công nghệ Queensland (QUT) đã nghiên cứu ra một thuật toán có thể đọc được suy nghĩ của các tay vợt, cụ thể là dự đoán cú đánh tiếp theo của các tay vợt trong một trận đấu cụ thể.

Với tên gọi Semi Supervised Generative Adversarial Network (Tạm dịch: Mạng lưới bán giám sát đối kháng - SSGAN), thuật toán này được xây dựng với mục đích giúp cho các tay vợt có thể nghiên cứu được lối chơi của đối thủ trước mỗi trận đấu. Thậm chí, SSGAN còn được sử dụng trong các trò chơi thực tế ảo (VR Games), mang tới cho người chơi cơ hội được thi đấu với các tay vợt thần tượng.

Chung kết Wimbledon 2019: Roger Federer khiến công nghệ phải “chào thua” bởi bộ não thiên tài
Phán đoán cú đánh của Federer chưa bao giờ là dễ dàng, thạm chí với công nghệ hiện đại.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu Mắt diều hâu (Hawk-Eye) của Australian Open 2012 để kiểm nghiệm khả năng dự đoán chính xác của SSGAN. Cụ thể, các nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 3.400 cú đánh của Novak Djokovic, gần 3.500 cú đánh của Nadal và khoảng 1.900 cú đánh của Roger Federer. 

“Sau khi phân tích khoảng 1.000 cú đánh, thuật toán này có thể dự đoán gần chính xác nhất phong cách chơi của một tay vợt cụ thể”, ông Simon Denman, nhà khoa học của QUT khẳng định.

Là một dạng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), SSGAN có thể bắt chước hoạt động não bộ của các tay vợt hàng đầu, qua đó đưa ra dự đoán về cú đánh tiếp theo của họ. Tuy nhiên, chính ông Denman cũng phải thừa nhận rằng, có 1 tay vợt khiến cho các kết quả của SSGAN trở nên vô nghĩa.

“Trong quá trình phân tích độ chính xác trong việc dự đoán cú đánh của Djokovic, Nadal và Federer, SSGAN đưa ra những kết quả ít chính xác nhất ở trường hợp của Federer bởi anh ấy tỏ ra quá linh hoạt trong các pha bóng.”, ông Denman chia sẻ. “Thực sự rất khó để đoán được anh ấy sẽ làm gì trong pha bóng tiếp theo. Đó là một tay vợt có thể làm những thứ điên rồ nhất mà công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng không thể lường trước được.”

Chung kết Wimbledon 2019: Roger Federer khiến công nghệ phải “chào thua” bởi bộ não thiên tài
Roger Federer - Bộ não thiên tài thách thức mọi công nghệ

Ngoài việc có thể dự đoán khoảng 1.000 cú đánh chỉ trong 30 giây, Hệ thống thuật toán SSGAN còn được tạo ra với 2 dạng thức trí nhớ: trí nhớ tình tiết (Episodic memory) và trí nhớ ngữ nghĩa (Semantic memory). 

Trí nhớ tình tiết liên quan tới các ký ức cá nhân về những kinh nghiệm bạn đã trải qua vào những thời điểm xác định. Trong khi đó, trí nhớ ngữ nghĩa là trí nhớ từ ngữ, biểu tượng, ý nghĩa của các khái niệm… sẽ tồn tại vĩnh viễn trong đầu chúng ta. Khi ta đã nhận thức được chúng và hiểu rõ ý nghĩa của chúng ta sẽ mãi mãi không quên.

“Hai dạng thức trí nhớ này có thể hoạt động đồng thời và giúp cho thuật toán có thể dự đoán chính xác hoạt động sắp xảy ra, dựa trên những hoạt động đã xảy ra ngay trước đó”, ông Denman khẳng định.

Theo kế hoạch, thuật toán SSGAN sẽ được áp dụng vào thực tế trong khoảng 10 năm tới đây. Điều này đồng nghĩa với việc, các tay vợt cũng phải cải thiện hơn nữa về kỹ chiến thuật nếu như không muốn bị đối thủ "bắt bài". Còn riêng với nhà khoa học Simon Denman, có lẽ nhiệm vụ tiên quyết để có thể nâng cấp hơn nữa sản phẩm trí tuệ nhân tạo này chính là việc... đọc được suy nghĩ của Roger Federer, một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của làng quần vợt thế giới và là người sẽ bước vào trận chung kết Wimbledon 2019 với Novak Djokovic vào lúc 20h00 hôm nay (14/7).

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm