Điều này đã được các nhà khoa học chứng minh sau khi thực hiện công trình nghiên cứu với 64 VĐV rugby lứa tuổi U14 thi đấu ở các giải trẻ tại thành phố Carns, phía Bắc bang Queensland (Australia).
Theo kết quả ghi nhận được, không phải mặt sân, chấn thương của các cầu thủ lại đến nhiều từ… màu sắc của áo đấu. Những VĐV mặc áo tối màu thi đấu không tốt và có nguy cơ dính chấn thương cao hơn với trung bình 69,9 chấn thương / 1.000 giờ thi đấu. Trong khi đó, những VĐV mặc áo cam dính trung bình 59,9 chấn thương/ 1.000 giờ thi đấu. Ông Kenji Doma, Giáo viên thể chất của Trường ĐH James Cook còn nhấn mạnh nguy cơ sốc nhiệt do chính màu áo đấu của các VĐV nhí này.
“Rugby là môn thể thao có tính đối kháng và va chạm rất lớn, do vậy các cầu thủ cần phải biết cách tránh những pha lao vào của đối thủ để giảm thiểu tối đa rủi ro chấn thương. Ở hầu hết các môn thể thao, chúng ta đều thấy có những đội bóng mặc áo sáng màu, một số khác thì mặc áo tối màu. Đó là cách để phân biệt giữa các đội trong khi thi đấu. Tuy nhiên, những chiếc áo đấu tối màu có khả năng hấp thụ nhiệt tốt hơn. Điều này khiến cho các cầu thủ có nguy cơ bị sốc nhiệt cao hơn”, ông Kenji khẳng định.
Bên cạnh đó, những VĐV mặc áo tối màu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ về kỹ thuật, thể lực và khả năng đưa ra những quyết định cũng trở nên chậm chạp và suy yếu dần. Cũng theo ông Kenji, cuộc nghiên cứu này mang lại kết quả rất bất ngờ và có thể tạo nên ảnh hưởng sâu rộng tới các môn thể thao khác, không chỉ riêng rugby.
Trong khi đó, theo HLV kỳ cựu Liam Bartlett của đội North Queensland Cowboys, kết quả cuộc nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển và xây dựng đội bóng của các vị chiến lược gia.
“Hàng năm, mỗi đội bóng đều phải sử dụng rất nhiều loại áo đấu với nhiều màu sắc khác nhau. Kết quả cuộc nghiên cứu này giúp cho các đội bóng có thể cải thiện được phong độ thi đấu của mình cũng như nâng cao sự an toàn cho cầu thủ, đặc biệt ở những vùng khí hậu nhiệt đới”, ông Liam cho biết.
Tuy nhiên, theo HLV Alby Anderson, việc các đội bóng phản đối ý tưởng thay đổi màu áo đấu là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra và không dễ để thuyết phục.
“Đằng sau màu sắc của trang phục thi đấu là cả một di sản với lịch sử lâu đời của mỗi đội bóng”, ông Alby nhấn mạnh. “Hơn thế nữa, việc thay đổi trang phục thi đấu sẽ khiến các đội bóng chi ra một khoản không hề nhỏ.”
Bản thân ông Kenji cũng chia rằng, việc áp dụng kết quả nghiên cứu trên vào thực tiễn sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa để phân tích. Tính đến thời điểm hiện tại, nghiên cứu trên vẫn chưa thể chỉ ra chính xác loại chấn thương dựa trên từng màu sắc cụ thể.
Dù chưa biết việc này có thể ảnh hưởng tới việc lựa chọn áo đấu của các đội bóng chuyên nghiệp với độ tuổi trung bình lớn hơn hay không, các nhà nghiên cứu cho rằng, nên áp dụng ngay lập tức kết quả nghiên cứu này vào lứa VĐV ở độ tuổi từ 14 trở xuống nhằm giảm thiểu những nguy cơ chấn thương ở lứa tuổi này.