Sáng nay (18/9/2021), tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) đã diễn ra lễ tang ông Hoàng Vĩnh Giang, một người có nhiều đóng góp cho thể thao Việt Nam. Ông về với đất mẹ tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Kỳ Sơn, Hòa Bình.
Ông Hoàng Vĩnh Giang (sinh năm 1946), mất tại Hà Nội lúc 13 giờ ngày 11/9/2021 do tuổi cao sức yếu. Sự ra đi có phần đột ngột của người đàn ông vừa tròn 75 tuổi này đã để lại tiếc thương lớn cho những người đã từng và đang làm việc trong ngành thể thao.
Nhiều người nhớ đến cái tên Hoàng Vĩnh Giang thông qua hình ảnh một cán bộ thể thao đĩnh đạc, từ tốn và có khả năng thuyết trình “tay bo” bằng tiếng Anh và vài ngôn ngữ khác trước các đồng nghiệp ngoại quốc ở những sự kiện thể thao.
Ông được phong danh hiệu Phó giáo sư, tiến sĩ, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, người đã từng giữ rất nhiều chức danh quan trọng như: nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng thể thao châu Á, nguyên Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, nguyên Giám đốc Sở Thể dục thể thao Hà Nội, nguyên Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam…
Ông từng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng… cùng vô vàn danh hiệu khác ở lĩnh vực thể thao mà ông đã cống hiến trọn đời.
Ông Hoàng Vĩnh Giang sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành đỗ đạt từ xưa. Ông là con trai cố giáo sư Hoàng Minh Giám, cháu ngoại của đại thần nhà Nguyễn Cao Xuân Dục. Với truyền thống gia đình như vậy, ông trở thành một người có học vấn cao, thông thạo vài ngoại ngữ, tuyệt chiêu giúp ông trở thành nhà ngoại giao số một của làng thể thao Việt Nam.
Thời còn học phổ thông, ông chơi giỏi nhiều môn thể thao như: bóng rổ, võ thuật, điền kinh… Nổi bật trong số này là khả năng nhảy cao cực tốt. Ông Trần Kháng Chiến, bạn học cũ của ông Giang kể lại: “Tôi và Hoàng Vĩnh Giang học lớp 1A, 2A tại trường Thiếu nhi Việt Nam từ năm 1953 đến 1957. Lên cấp ba lại học lớp 10G tại trường Hà Nội B năm học 1964-1965.
Khi học lớp 10G , Giang là vận động viên nhảy cao trẻ đầy triển vọng của Hà Nội. Tôi thì tham gia đội bơi Hà Nội . Chúng tôi đều yêu thể thao nên rất thân nhau.
Tôi và Giang được cử sang học ở Liên Xô. Khi gặp nhau, chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều vấn đề của cuộc sống.
Chúng tôi mỗi người có số phận riêng, công việc khác nhau. Tôi rất tự hào về những gì Hoàng Vĩnh Giang cống hiến cho thể dục thể thao đỉnh cao nước nhà”.
Ông Hoàng Vĩnh Giang từng nắm giữ kỷ lục quốc gia nhảy cao nam 1.96m trong nhiều năm và là một trong những VĐV điền kinh đầu tiên của Việt Nam áp dụng kỹ thuật nhảy cao mới thời đó, kiểu nhảy ưỡn lưng, thay vì “xông phi qua xà” như trước.
Không chỉ là một VĐV nhảy cao cừ khôi, ông còn là một võ sư Vịnh Xuân quyền nổi tiếng. Ông từng giữ chức vụ Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam trong nhiều năm. Ngành thể thao Việt Nam ghi nhận những đóng góp lớn của ông và ưu ái đặt biệt danh “kiến trúc sư trưởng thể thao Việt Nam”.
Trước khi tiễn biệt ông Hoàng Vĩnh Giang về với đất mẹ, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, đã tâm sự:
“Gần đây nhất, hai chú cháu nói chuyện rất lâu về các công việc của thể thao Việt Nam trong thời gian tới, chú còn đùa nhiều việc quá, không biết tao có sống mà làm tiếp được không, chú vừa nói vừa cười. Hôm ấy văn phòng Liên đoàn võ thuật có mấy người, vì giãn cách nên mọi người nấu ăn luôn tại chỗ, tôi nhìn ngon quá, chú bảo hôm nay ăn tươi. Không ngờ đó là lần cuối cùng gặp chú.
Tết vừa qua, chú gửi mừng tuổi cho bố tôi, nói đưa cho đại ca. Lúc nào gặp, câu đầu tiên hỏi đại ca tao khỏe không? Bố cháu gọi hỏi liên tục khi biết tin buồn về chú, từ bé cháu đã được nghe kể về nhà vô địch nhảy cao và những câu chuyện không bao giờ dứt với sự yêu quý, trân trọng của bố cháu với chú. Chú đi bình an và hạnh phúc ạ!”.