Nữ VĐV marathon suýt bỏ cuộc vì “đau bụng kinh nguyệt” ở Olympic Tokyo

Tú Hân
thứ sáu 13-8-2021 15:25:38 +07:00 0 bình luận
Một chủ đề tế nhị nhưng hữu ích là nữ VĐV marathon thi đấu trong “ngày đèn đỏ” thì sẽ thế nào và đó là trường hợp của một tuyển thủ Israel ở Olympic Tokyo vừa qua.

Ngày 7/8/2021, nội dung marathon nữ Olympic Tokyo được tổ chức tại thành phố Sapporo (Nhật Bản). 88 nữ VĐV đã tranh tài, 73 người hoàn thành và 15 tuyển thủ bỏ cuộc.

Ở nội dung này, hai nữ VĐV Kenya đã thống trị đường đua với hai tấm HCV và HCB. Peres Jepchirchir về nhất với thành tích 2:27:20 còn Brigid Kosgei cán đích thứ hai sau đó 16 giây (2:27:36). Về thứ ba và giành HCĐ là một gương mặt hoàn toàn mới đến từ Mỹ: Molly Seidel (2:27:46).

Nhìn tổng quan, cuộc thi không có gì đáng bàn bởi trên hết nó diễn ra thành công. Nhưng tìm hiểu kỹ hơn một chút thì sẽ có những câu chuyện rất thú vị và bổ ích, nhất là đối với những VĐV chạy phong trào.

Lonah Chemtai Salpeter (áo trắng bên trái) nằm trong nhóm dẫn đầu nội dung marathon nữ Olympic Tokyo hôm 7/8/2021

Trong số 73 VĐV về đích, có một người đã trải nghiệm sự việc “đau thương nhưng khó nói”, đó là tuyển thủ Lonah Chemtai Salpeter của Israel. Salpeter đã chạy một cách bình thường ở khoảng 38km đầu tiên và luôn trong nhóm dẫn đầu, cho đến khi không thể tiếp tục chạy lúc cách đích khoảng 4km. Cô phải dừng lại bên đường vì đau thắt bụng và suýt chút nữa đã bỏ cuộc.

Sau khi nỗ lực cắn răng chịu đau, Salpeter cũng về đích với thời gian 2:48:31, kém người về đầu hơn 21 phút. Nữ VĐV 32 tuổi kể lại chuyện của mình sau cuộc đua rằng cô bị những cơn đau bụng kinh nguyệt hành hạ và suýt chút nữa đã không thể hoàn thành cuộc đua.

“Tôi biết chuyện này rất tế nhị nhưng là điều có ích cho những người khác nên sẽ không ngại chia sẻ. Những VĐV chạy marathon như chúng tôi gặp nhiều bất tiện như vậy mỗi lần một tháng. Mặc dù biết đó là ngày không nên vận động mạnh, nhưng Olympic là một sự kiện lớn mà cả cuộc đời VĐV nào cũng mong được tham dự nên tôi phải cố gắng thôi”.

Lonah Chemtai Salpeter suýt bỏ cuộc vì đau bụng kinh nguyệt, tụt lại phía sau và chỉ về đích thứ 66

Salpeter là người gốc Kenya và mới bắt đầu nhập tịch thi đấu cho Israel từ năm 2016. Tại Olympic Rio cách đây 5 năm ở Brazil, cô cũng đã gặp một sự cố được coi là hy hữu trong làng marathon nữ. Ngày đó, Salpeter tham dự nội dung này khi mới sinh con trai và vẫn đang trong giai đoạn cho con bú. Tuy nhiên, việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ thể và cô đã phải bỏ cuộc ở kỳ Olympic đó.

Thực tế, Salpeter là một trong những đối thủ tiềm năng cho việc giành huy chương marathon nữ tại Olympic Tokyo lần này. Cô đã chuyển đến Nhật Bản sống từ 3 tháng trước cuộc đua để làm quen khí hậu. Cô cũng từng đăng quang tại giải Tokyo Marathon 2020 với thời gian 2:17:45, thông số là kỷ lục quốc gia Israel hiện nay.

“Tôi không hề tiếc vì toàn gặp phải những chuyện này tại Olympic. Nhưng tôi nghĩ mình vẫn còn cơ hội để chinh phục những giải thưởng khác, nhất là ở giải vô địch thế giới vào năm sau. Và biết đâu đấy, vẫn có cơ hội cho tôi ở Paris 2024 thì sao!” - Lonah Chemtai Salpeter chia sẻ.

Một cuộc khảo sát năm 2015 cho biết 30% trong số hơn 1000 chân chạy nữ được hỏi đã thừa nhận rằng những “ngày đèn đỏ” khiến hiệu quả tập luyện và thi đấu của họ giảm hẳn. Mặc dù các nhà khoa học chưa khẳng định việc tập luyện nặng trong những ngày kinh nguyệt sẽ làm hại đến chị em, nhưng các nghiên cứu khoa học chỉ rằng trong thời điểm này cơ bắp khó đạt mức hấp thụ oxy tốt nhất, dẫn đến mệt mỏi trong tập luyện.

Uta Pippig (Đức) giành chiến thắng tại Boston Marathon 1996 dù bị chảy máu do đang ở kỳ kinh nguyệt

Chính vì vậy, những người có kinh nghiệm thường khuyên chị em không nên vận động mạnh trong những ngày này, nhưng cũng không nên không hoạt động gì. Đi bộ, tập yoga hay những môn thể thao nhẹ nhàng hơn sẽ giúp cánh chị em vượt qua “ngày nhạy cảm”.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm