Heptathlon là một trong những nội dung khắc nghiệt nhất của môn điền kinh, thường chỉ dành cho VĐV nữ (nam cũng 7 môn phối hợp, nhưng không phổ biến và được thi đấu tại các giải lớn, nam VĐV có decathlon - 10 môn phối hợp). Trong đó, các VĐV phải thi đấu 7 phân nhánh (thực tế là 7 nội dung đơn lẻ). Và ở Á vận hội, kỷ lục này đã tồn tại tới gần… 30 năm.
Ở 4 kỳ trước, webthethao.vn đã lần lượt giới thiệu kỷ lục Á vận hội (ASIAD) nội dung chạy 100m, 200m, 400m và 800m. Đây là những nội dung chạy rất hấp dẫn, được nhiều người quan tâm. Và 2 trong số 4 nội dung trên nằm trong nhánh thi đấu của 7 môn phối hợp.
Heptathlon gồm những phần thi nào?
Thông thường, nội dung 7 môn phối hợp sẽ thi đấu trong hai ngày. Các VĐV sẽ phải thi: chạy 100m rào, nhảy cao, đẩy tạ, chạy 200m, nhảy xa, ném lao và chạy 800m.
Ở mỗi phần thi, các VĐV sẽ được tính điểm căn cứ vào thành tích. Các nội dung chạy sẽ căn cứ vào thời gian (tính theo, phút, giây) để có số điểm tương ứng theo quy định. Các phần thi ném, đẩy, nhảy tính điểm theo khung thành tích tính bằng mét.
Sau 2 ngày thi đấu, điểm của 7 phần thi sẽ được cộng lại và căn cứ từ trên xuống dưới để trao huy chương.
Kỷ lục 7 môn phối hợp ASIAD tồn tại gần 3 thập kỷ
Đây là một trong những kỷ lục điền kinh lâu đời nhất của Á vận hội. Kỷ lục hiện là 6360 điểm do Ghada Shouaa (Syria) xác lập 10-11/10/1994 tại ASIAD 1994 ở Hiroshima (Nhật Bản). Đây cũng là kỷ lục châu Á.
29 năm trước, Ghada Shouaa đã thi đấu cực kỳ xuất sắc và bỏ xa hai VĐV giành HCB và HCĐ là Zhang Xiaohui (Trung Quốc, 5800 điểm) và Ma Chun-ping (Đài Bắc Trung Hoa, 5786 điểm).
Ở các phần thi của mình, Shouaa đạt thông số như sau: 14.55 (100m rào), 1.81m (nhảy cao), 14.33m (đẩy tạ), 24.67 (200m), 6.24m (nhảy xa), 51.92m (ném lao) và 2:13.59 (800m).
Sau gần 30 năm, vẫn chưa có VĐV nào tiến gần đến điểm số này và nó giống như một “bức tường” khó đập vỡ. Ở kỳ Á vận hội gần đây nhất là ASIAD 18 ở Indonesia năm 2018, VĐV giành HCV Swapna Barman của Ấn Độ cũng chỉ đạt 6026 điểm, vẫn còn kém kỷ lục ASIAD tới 334 điểm.
Kỷ lục thế giới và kỷ lục quốc gia Việt Nam
Kỷ lục thế giới nội dung 7 môn phối hợp thậm chí còn tồn tại lâu hơn nữa. 7291 điểm là kỷ lục thế giới do Jackie Joyner-Kersee (Mỹ) thiết lập trong hai ngày 23–24/9/1988 tại Seoul (Hàn Quốc), tồn tại đã… 35 năm.
Huyền thoại Jackie Joyner-Kersee sinh năm 1962, tức năm nay đã 61 tuổi. Bà vẫn chờ đợi kỷ lục thế giới của mình bị xô đổ, nhưng xem ra rất khó.
Năm đó, lúc đang 26 tuổi, Jackie Joyner-Kersee đã thi đấu bùng nổ, đạt những điểm số mà các nam VĐV cũng phải dè chừng.
Các thông số của VĐV này lần lượt là 12.69 (100m rào), 1.86m (nhảy cao), 15.80m (đẩy tạ), 22.56 (200m), 7.27m (nhảy xa), 45.66m (ném lao) và 2:08.51 (800m).
Kỷ lục quốc gia Việt Nam hiện nay đang là 5440 điểm do quán quân SEA Games 31-32 Nguyễn Linh Na (1997) của đoàn Quân Đội lập 15/12/2022 tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 ở Hà Nội.
Có thể thấy khoảng cách còn rất xa giữa kỷ lục quốc gia Việt Nam với kỷ lục châu Á + kỷ lục ASIAD và thế giới.
ASIAD 19 diễn ra từ 23/9 đến 8/10/2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đại hội thu hút số lượng kỷ lục lên đến hơn 12.000 VĐV.
Đại hội có 40 môn thể thao (61 phân môn), 481 nội dung. Trong đó điền kinh có 48 nội dung, thi đấu từ 29/9 đến 5/10/2023.
Việt Nam sẽ cử đội hình tham dự với hơn một chục VĐV, trong đó có một số cái tên nổi bật như Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Bùi Thị Thu Thảo…