Năm nay, Hàng Châu tổ chức Á vận hội lần thứ 19 và Trung Quốc lại trở thành chủ nhà của ASIAD chỉ sau 12 năm (chính xác ASIAD 19 tổ chức năm 2022, nhưng lùi vì dịch COVID-19). Các kỳ Á vận hội tổ chức ở Trung Quốc ghi nhận khá nhiều kỷ lục điền kinh và nhiều thông số vẫn chưa bị phá.
Trên đường chạy 1500m nam tại Quảng Châu 2010, có 20 VĐV đăng ký. BTC chia thành hai đợt vòng loại, mỗi lượt 10 VĐV.
Việt Nam có sự góp mặt của Nguyễn Đình Cương, người trước đó cũng thi 800m nhưng phạm quy. Đến vòng loại 1500m nam, chàng trai Việt Nam về cuối (10) ở lượt chạy vòng loại thứ hai với thời gian 4:00.83, người duy nhất có thông số trên 4 phút.
Dĩ nhiên, Cương không thể giành quyền vào chung kết, phần thi chỉ có 12 VĐV, trong đó có tới 8 VĐV giành vé từ lượt chạy thứ nhất, lượt chạy hai có sự góp mặt của Đình Cương chỉ có 4 VĐV đi tiếp.
Ở phần thi chung kết, các VĐV Trung Đông chiếm ưu thế khi Mohammed Shaween (Saudi Arabia) vô địch với thông số 3:36.49, xác lập kỷ lục Đại hội mới. Năm đó, thông số này đã xô đổ kỷ lục cũ 3:38.06 do Daham Najim Bashir (Qatar) thiết lập tại Doha (Qatar) 10/12/2006.
Giành HCB là Sajjad Moradi (Iran, 3:37.09) còn Belal Mansoor Ali (Bahrain, 3:38.39) giành HCĐ.
Ở thời điểm đó, kỷ lục châu Á 3:29.14 do Rashid Ramzi (Bahrain) nắm giữ từ 14/7/2006, hiện vẫn chưa có người xô đổ.
Có một điểm khó tin là dù hiện nay có khá nhiều VĐV trẻ chạy 1500m rất tốt, nhưng vẫn chưa ai khuất phục được kỷ lục thế giới 3:26.00 do Hicham El-Guerrouj (Morocco) lập tại Rome (Italia) 14/7/1998, tồn tại đã 25 năm.
Kỷ lục quốc gia chạy 1500m nam của Việt Nam hiện cũng có tuổi đời khá lâu khi Dương Văn Thái (1992, Nam Định) xác lập thông số 3:53.32 tại SEA Games 2011 ở Indonesia.
Về phía nội dung nữ, chạy 1500m cũng được chú ý bởi thông số chuyên môn cao và có nhiều VĐV các quốc gia mạnh theo đuổi.
4:06:03 hiện là kỷ lục Á vận hội chạy 1500m nữ, do Sunita Rani (Ấn Độ) xác lập đã 21 năm, tại ASIAD Busan 2002 (Hàn Quốc).
Ở thời điểm đó, kỷ lục chạy 1500m nữ được thách thức bởi những thông số mà huyền thoại Qu Yunxia (Trung Quốc) nắm giữ. Nữ VĐV sở hữu cả 3 kỷ lục đáng chú ý nhất là kỷ lục Á vận hội 4:12.48 (xác lập tại Hiroshima, Nhật Bản 16/10/1994), kỷ lục châu Á và kỷ lục thế giới 3:50.46 (thiết lập ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 11/9/1993).
Tại Á vận hội 1994, Xu không có đối thủ nên cô chạy rất nhẹ nhàng vẫn giành được HCV. Bởi vậy, thông số kỷ lục 4:12.48 cách biệt tới hơn nửa phút so với kỷ lục thế giới cô xác lập gần một năm trước đó.
Hiện nay, kỷ lục thế chạy 1500m nữ đã được rút ngắn xuống còn 3:49.11 do Faith Kipyegon (Kenya) mới thiết lập 2/6/2023 tại Italia 3 tháng trước. Thật không thể tưởng tượng nổi một VĐV châu Á lại có thể giữ kỷ lục thế giới lâu tới 30 năm như chạy 1500m nữ.
Kỷ lục quốc gia chạy 1500m nữ hiện là 4:09.58 do Trương Thanh Hằng (1986, Ninh Bình) cũng lập tại mảnh đất lành Quảng Châu 23/11/2010.
Đây có thể sẽ là nội dung mà Nguyễn Thị Oanh, VĐV đang chạy cự ly này tốt nhất ở Đông Nam Á, sẽ tham dự ở ASIAD 19 ở Hàng Châu.
ASIAD 19 diễn ra từ 23/9 đến 8/10/2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đại hội thu hút số lượng kỷ lục lên đến hơn 12.000 VĐV.
Đại hội có 40 môn thể thao (61 phân môn), 481 nội dung. Trong đó điền kinh có 48 nội dung, thi đấu từ 29/9 đến 5/10/2023.
Việt Nam sẽ cử đội hình tham dự với 12 VĐV gồm: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hường, Bùi Thị Thu Thảo, Trần Thị Nhi Yến, Hoàng Thị Ánh Thục, Nguyễn Thị Ngọc (nữ) và Nguyễn Trung Cường, Lương Đức Phước (nam).