Chiến thắng gây tranh cãi của cô gái “giống đàn ông” ở giải điền kinh Kim cương

Thanh Mai
thứ năm 9-9-2021 9:43:08 +07:00 0 bình luận
Francine Niyonsaba giành chiến thắng ở đường chạy 5000m nữ, nội dung chung kết đầu tiên của Diamond League Final 2021, nhưng lại làm dấy lên những tranh cãi về giới tính.

Diamond League Final 2021, giải điền kinh cuối cùng trong chuỗi sự kiện điền kinh Kim cương danh giá năm nay, vừa khai mạc đêm qua tại Zurich (Thụy Sĩ). Trong ngày thi đấu đầu tiên của sự kiện 2 ngày này, các nội dung được tổ chức ở một sân đấu “tạm” có kích thước 560m/vòng, thay vì 400m/vòng trong các sân vận động quen thuộc.

5000m nữ là nội dung chung kết đầu tiên xác định được các thứ hạng của ngày thi đấu 8/9/2021 và nhà vô địch là Francine Niyonsaba của Burundi. Cô gái 28 tuổi đánh bại cả á quân Olympic Tokyo vừa qua để giành chiếc cúp đá quý và phần thưởng 30.000 USD.

Francine Niyonsaba giành chiến thắng ở nội dung 5000m nữ Diamond League Final 2021

5 ngày sau khi giành chiến thắng ở cùng cự ly này tại chặng đua Brussels (Bỉ) với thành tích 14 phút 25 giây 34 (14:25.34), Niyonsaba lại lên ngôi một lần nữa với thông số 14:28.98. Cô đánh bại Hellen Obiri (Kenya), người hai lần vô địch thế giới và vừa giành HCB Olympic Tokyo hồi tháng 8 vừa qua, cách biệt gần 1 giây (14:29.68).

Cuộc đua này có sử dụng người dẫn tốc (pacer) và các VĐV cán mốc 1000m chỉ sau 2:49.49. HCB thế giới Margaret Chelimo Kipkemboi (Kenya) dẫn đầu ở 2000m đầu tiên (5:46.08), trước khi Obiri vươn lên dẫn trước ở mốc 3000m với thời gian 5:46.08. Khi cuộc đua đến vạch 4000m thì Ejgayehu Taye (Ethiopia) lại dẫn đầu với thời gian 11:44.00. Tuy nhiên, 1000m còn lại là cuộc chơi của Niyonsaba và cô đã cán đích đầu tiên một cách ấn tượng.

Francine Niyonsaba gây tranh cãi không chỉ ở ngoại hình mà còn có lượng nội tiết tố nam giới quá cao trong cơ thể

“Tôi rất vui vì đây giống như giải đấu chỉ giành cho những nhà vô địch. Họ đã luôn cố gắng dìm tôi xuống. Nhưng tôi đã ở đây và đó là cách tôi thể hiện bản thân mình” - Niyonsaba nói. Cô chính là một trong 3 VĐV đã giành huy chương (HCB) nội dung 800m nữ ở Olympic Rio 2016, nhưng bị cấm thi đấu ở các giải sau đó, đặc biệt là Olympic Tokyo vừa qua vì có lượng hoóc-môn nam giới trong cơ thể quá cao.

Niyonsaba cũng nằm trong diện VĐV có hội chứng DSD, những người có ngoại hình như đàn ông và thậm chí còn mang nhiễm sắc thể XY của nam giới, dẫn đến việc lượng testosterone cao vượt trội so với nữ giới bình thường.

Francine Niyonsaba tự tin cho biết mình có mặt tại Thụy Sĩ lần này để thể hiện khả năng, xua tan tranh cãi về vấn đề giới tính

Cô gái này bị cấm thi đấu nội dung 800m, nhưng vẫn được tham dự các cự ly dài hơn. Niyonsaba xếp thứ 5 nội dung 10.000m nữ và không vượt qua vòng loại 5000m nữ ở Olympic Tokyo vừa qua. Nhưng trong hai giải đấu gần đây nhất của hệ thống Diamond League, cô đều giành chiến thắng và đã tạo ra những làm sóng tranh cãi mới.

“Hội chứng DSD lại không được quan tâm nữa hay sao? Cả Mboma và Niyonsaba đang dần thống trị các nội dung họ tham dự. Ngoại hình có thể bỏ qua, nhưng việc mang cả nhiễm sắc thể nam giới và lượng hoóc-môn cao vượt ngưỡng trong cơ thể như vậy, liệu xếp họ thi đấu với nữ giới có công bằng chăng?” - một trong những bình luận gây chú ý về chủ đề này.

Francine Niyonsaba hiện là một trong những nữ VĐV có hội chứng DSD gây chú ý trong làng điền kinh thế giới

Trước đó, Christine Mboma của Namibia là một trong những VĐV gây chú ý nhất ở Olympic Tokyo khi cô bị cấm tham dự các nội dung dài từ 400m trở lên do mắc hội chứng DSD. Cô tham dự nội dung 200m và giành HCB, trở thành VĐV chạy 200m nhanh nhất thế giới lứa tuổi dưới 20. Cô gái 18 tuổi này cũng giành chức vô địch 200m nữ dễ dàng tại giải vô địch thế giới trẻ ở Kenya tháng trước.

Việc các VĐV được xác định là nữ nhưng mang hội chứng DSD có sự khác biệt về nội tiết tố vượt trội như nam giới, thi đấu ở nội dung điền kinh “thuần nữ” vẫn đang gây tranh cãi mạnh mẽ trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm