Điền kinh ASIAD 19 chỉ có 48 nội dung, tương đương 48 bộ huy chương. Trong khi đó, có tới hầu hết các đoàn của châu lục sẽ tham dự. Nhưng nhìn vào chỉ tiêu huy chương của Ấn Độ thì có thể thấy quốc gia này tự tin vào trình độ của họ ra sao.
Bên cạnh những quốc gia mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản… nhưng số lượng HCV để chia đều cho những quốc gia có thế mạnh riêng ở từng nội dung, thì việc đặt mục tiêu giành (chỉ) 5 HCV của Ấn Độ là hết sức táo bạo.
Theo thống kê, Ấn Độ đã giành 672 huy chương các loại ở tất cả các môn thể thao từng tham dự Á vận hội (trung bình trên dưới 40 môn mỗi kỳ). Nhưng riêng trong số này, điền kinh đã chiếm tới… 254 tấm. Năm nay, Ấn Độ cử 65 VĐV tranh tài ở môn điền kinh, là một trong những quốc gia có đông VĐV tham dự môn điền kinh nhất.
Cùng tìm hiểu xem điền kinh Ấn Độ đặt niềm tin vào những tuyển thủ nào của mình tại ASIAD 19.
Jeswin Aldrin (và Murali Sreeshankar): nhảy xa nam
Trên thực tế thì ở 5 nội dung được kỳ vọng có HCV, nhảy xa nam đã có 2 VĐV. Cả Jeswin Aldrin và Murali Sreeshankar đều đã chinh phục mốc 8m4 đầu năm nay. Đó đều là những thông số hàng đầu thế giới của mùa giải mà chưa có VĐV châu Á nào chạm tới.
Đây được coi là cơ hội để cặp VĐV trên “chuộc lỗi” khi không thi đấu tại giải thế giới ở Budapest (Hungary) tháng 8 vừa qua. Murali Sreeshankar, người giành HCB Đại hội Khối thể thao thịnh vượng chung 2022, đặt tham vọng giành HCV ASIAD 18. Thậm chí, giới chuyên môn đánh giá có thể sẽ là cú đúp huy chương cao nhất cho cặp VĐV Ấn Độ.
Tajinderpal Singh Toor: đẩy tạ nam
Toor hiện là người giữ kỷ lục châu Á lẫn kỷ lục ASIAD ở nội dung đẩy tạ nam. Tại giải điền kinh vô địch quốc gia Ấn Độ tháng 6/2023 vừa qua, Toor đã xác lập kỷ lục châu Á 21.77m, xa hơn tới một mét so với kỷ lục cũ của Abdelrahman Mahmoud (Bahrain).
Tại Á vận hội 2018 ở Jakarta (Indonesia), Tajinderpal Singh Toor của Ấn Độ đã thiết lập kỷ lục mới 20.75m, xô đổ kỷ lục cũ 20.57m do Abdulmajeed Alhabashi (Saudi Arabia) nắm giữ từ năm 2010.
Jyothi Yarraji: chạy 100m rào nữ
Jyothi Yarraji đang là một trong những nữ VĐV chạy tốc độ nổi bật nhất tại Ấn Độ hiện nay. Cô mới phá kỷ lục quốc gia 100m rào nữ đầu năm 2022 và sau đó tiếp tục tự phá kỷ lục của chính mình một vài lần nữa.
12 giây 78 (12.78) hiện là thông số chạy 100m rào nữ nhanh thứ hai tại châu Á trong năm 2023, chỉ kém 0,02 giây so với Yanni Wu của Trung Quốc.
Yarraji mới giành HCV tại giải vô địch châu Á 2023 ở Thái Lan hồi tháng 7. Chưa hết, ở nội dung chạy 200m nữ, cô gái 24 tuổi này cũng sở hữu thành tích 23.13, thông số nhanh thứ ba tại châu Á trong năm 2023.
Swapna Barman: 7 môn phối hợp nữ
Swapna Barman hiện là đương kim vô địch Heptathlon của ASIAD 2018 Asian Games. Cũng hiện là nữ VĐV 7 môn phối hợp có thành tích tốt thứ hai châu Á trong năm 2023 với 5840 điểm, chỉ sau Ekaterina Voronina (Uzbekistan).
Tại giải vô địch châu Á 2023 ở Bangkok vừa qua, mặc dù dính chấn thương cột sống, nhưng cô vẫn giành được HCB. Và mục tiêu bảo vệ HCV tại Hàng Châu lần này là điều không cần tranh luận.
Neeraj Chopra: ném lao nam
Neeraj Chopra hiện là ngôi sao điền kinh sáng giá nhất của Ấn Độ. Anh giành HCV Olympic lịch sử tại Tokyo 2020 (Nhật Bản) và mới đây nhất là chức vô địch thế giới tại Budapest (Hungary).
Chopra cũng đến Hàng Châu để bảo vệ HCV Á vận hội của mình. Ở Indonesia 5 năm trước, Chopra giành HCV với thành tích 88.06m. Thông số 88.77m ở giải thế giới gần đây thậm chí còn tốt hơn nhiều so với nửa thập kỷ trước. Đối thủ đáng gờm nhất của Chopra sẽ là Arshad Nadeem của Pakistan.
ASIAD 19 diễn ra từ 23/9 đến 8/10/2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đại hội thu hút số lượng kỷ lục lên đến hơn 12.000 VĐV.
Đại hội có 40 môn thể thao (61 phân môn), 481 nội dung. Trong đó điền kinh có 48 nội dung, thi đấu từ 29/9 đến 5/10/2023.
Việt Nam sẽ cử đội hình tham dự với 12 VĐV gồm: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hường, Bùi Thị Thu Thảo, Trần Thị Nhi Yến, Hoàng Thị Ánh Thục, Nguyễn Thị Ngọc (nữ) và Nguyễn Trung Cường, Lương Đức Phước (nam).