Nguyễn Thị Oanh đang có mặt tại Bangkok (Thái Lan) để tham dự Giải Điền kinh Vô địch châu Á 2023 lần thứ 25. Cô được giao nhiệm vụ tranh tài ở hai nội dung “tủ” là: chạy 1500m và 3000m chướng ngại vật.
Từ giải châu Á hướng đến sân chơi thế giới
Nguyễn Thị Oanh có thể thi đấu tốt ở tất cả những nội dung mà cô tham dự. Từ chạy 1500m, 3000m chướng ngại vật, 5000m, 10.000m rồi 21km, cả marathon (42,195km) và thậm chí là cả chạy tiếp sức. Oanh đều đã có danh hiệu ở những cự ly mà mình tham dự, từ cấp độ quốc gia, khu vực Đông Nam Á đến cấp độ châu lục…
Năm 2023, Oanh đặc biệt được chú ý hơn sau kỳ tích giành 4 HCV cá nhân ở cả 4 nội dung mà mình tham dự ở SEA Games 32 trên đất Campuchia (5/2023). Trong đó, cú đúp HCV ở hai cự ly sở trường 1500m và 3000m chướng ngại vật chỉ cách nhau 20 phút chính là chất xúc tác để tạo nên câu chuyện kỳ tích của cô gái Bắc Giang trong năm qua.
Nguyễn Thị Oanh trở thành cái tên sáng giá, là lựa chọn hàng đầu cho những giải đấu còn lại của năm 2023 và kỳ vọng đặt ở cô là không hề nhỏ.
Trong ngày 12/7/2023, Oanh ra quân ở nội dung chạy 1500m nữ giải điền kinh châu Á tại Thái Lan. Trước cuộc đua, giới chuyên môn đã nhận định rằng sẽ không có một màn trình diễn vượt trội và độc hành như thường thấy ở sân chơi SEA Games tại Đông Nam Á. Bởi đây là đấu trường châu Á, nơi có những đối thủ vượt trội về trình độ.
Và thực tế đã chứng minh điều đó. Oanh chỉ về đích thứ năm với thành tích 4 phút 18 giây 84 (4:18.84), kém nhà vô địch Nozomi Tanaka (Nhật Bản) tới 12 giây (4:06.75). Những bước chạy của Tanaka là minh chứng cho việc cô là “độc cô cầu bại” ở đường chạy 1500m nữ toàn châu Á. Một hình ảnh của sự vượt trội… giống như Oanh đã tạo ra được ở sân chơi Đông Nam Á vài kỳ SEA Games vừa qua.
4:18.84 là coi là thành tích “chưa vượt qua chính mình” của Oanh. Tại SEA Games 32 ở Campuchia tháng 5/2023, Oanh giành HCV với thông số 4:16.85. Còn ở SEA Games 31 trên sân Mỹ Đình (5/2022), Oanh cũng giành HCV với thành tích 4:14.98.
Thành tích cá nhân tốt nhất của Oanh ở nội dung 1500m nữ là 4:13.88, lập tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2020 trên sân Mỹ Đình. 4:18.84 cũng là thông số còn cách rất xa chuẩn Olympic Paris 2024 là 4:02.50.
1500m cũng là nội dung mà Oanh được chọn tham dự tại giải điền kinh thế giới tổ chức ở Budapest (Hungary) từ 19-27/8/2023. Oanh sẽ tham dự giải với suất đặc cách dành cho quốc gia không có VĐV đạt chuẩn dự giải thế giới.
Rõ ràng, đây là một sân chơi quá tầm và cơ hội để tạo ra bất ngờ đối với Oanh là gần như không có. Và đấu trường vừa sức nhất và nữ tuyển thủ sinh năm 1995 hướng tới chính là ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào cuối tháng 9/2023.
Cơ hội đổi màu huy chương ở ASIAD 19?
Sau cuộc đua 1500m nữ giải châu Á ngày 12/7/2023 tại Thái Lan, Oanh đã chia sẻ thẳng thắn rằng: “Bản thân tôi cần phải nỗ lực nhiều nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ rằng mình cần phải có sự chuẩn bị tốt hơn nữa, tập trung chuyên môn tốt nhất cho những giải đấu như thế này”.
Trước mặt, Oanh sẽ thi đấu thêm nội dung 3000m chướng ngại vật vào 14/7/2023. Đây đều là những nội dung mà Oanh đã từng thi đấu ở kỳ Á vận hội gần đây nhất.
Tại ASIAD 2018 trên đất Indonesia, Oanh đã từng xếp thứ 4 nội dung 1500m nữ. 5 năm trước, Oanh đạt thông số 4:15.49 khá tốt. Ở tuổi 23, cô thi đấu đầy tự tin bên cạnh những đối thủ mạnh. Ngày đó, Bahrain nhập tịch hai nữ VĐV gốc Ethiopia là Kalkidan Gezahegne (HCV, 4:07.88) và Tigist Gashaw (HCB, 4:09.12). Còn lại, người giành HCĐ là P. U. Chitra (Ấn Độ) có thông số 4:12.56, hơn Oanh gần 3 giây.
Đến nội dung 3000m chướng ngại vật, Oanh đã làm tốt hơn thế khi hoàn thành đường đua với thành tích 9:43.83, một kỷ lục quốc gia và thông số cá nhân tốt nhất. Cho đến tận bây giờ, Oanh vẫn đang cố gắng một lần nữa chạy 3000m chướng ngại vật dưới 10 phút.
Năm đó, Oanh lại về sau một VĐV Bahrain nhập tịch gốc Kenya là Winfred Yavi (HCV, 9:36.52) và Sudha Singh (Ấn Độ, HCB, 9:40.03). Khoảng cách với nhà vô địch rơi vào khoảng 7 giây.
Hiện tại, sau 5 năm, mọi chuyện đã đổi khác. Không biết những đối thủ còn có còn trở lại thi đấu, hay những đối thủ mạnh nào khác sẽ góp mặt. Nhưng có thể thấy rõ tuổi tác cũng không còn ủng hộ Oanh nữa. Kỳ ASIAD 19 tới, Oanh đã 28 tuổi, giai đoạn không còn sung mãn như cách đây 5 năm.
Oanh vẫn vô đối ở hai đường chạy 1500m và 3000m chướng ngại vật trong nước và Đông Nam Á, nhưng khi đến với đấu trường cấp châu lục, điều này không còn là “hiển nhiên” nữa.
Sẽ là rất áp lực và bất công cho Oanh khi bắt cô phải đổi màu huy chương (HCĐ 3000m chướng ngại vật) hay lọt vào nhóm giành huy chương (từ hạng 4 15000m) ở ASIAD 19 sắp tới. Trong bối cảnh đấu trường châu Á đầy rẫy những đối thủ cực mạnh đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và cả những VĐV nhập tich… điều Nguyễn Thị Oanh làm tốt nhất lúc này là vượt qua chính mình, cải thiện thành tích cá nhân và hướng đến một kỷ lục Đông Nam Á hay quốc gia là mục tiêu thực tế nhất.