Năm 2017, cô gái 17 tuổi Nguyễn Thị Ngoan ghi dấu mốc lịch sử cho Karate Việt Nam khi giành chức vô địch K-1 Thế giới - giải đấu nằm trong hệ thống chính thức của Liên đoàn Karate Thế giới.
Hai năm liên tiếp đều bước lên bục nhận huy chương ở giải đấu quan trọng này, Ngoan trở thành niềm hi vọng số 1 cho Karate Việt Nam, gieo hi vọng ở hai đấu trường quan trọng là ASIAD và Olympic.
Thế nhưng, việc phải liên tục xuất ngoại thi đấu một mình, cùng áp lực tập luyện và thành tích không được như ý ở ASIAD 18 khiến Ngoan rơi vào tình trạng bất ổn tâm lý, phải nhập viện để điều trị. Tới trước SEA Games 2019 tại Philippines, cái tên Nguyễn Thị Ngoan thậm chí không nằm trong danh sách đội tuyển quốc gia.
Lí giải cho sự vắng mặt của Nguyễn Thị Ngoan, trưởng bộ môn Karate (Tổng cục TDTTVN) ông Vũ Sơn Hà cho biết nữ võ sĩ sinh năm 1998 gặp phải các vấn đề tâm lý khiến cô không thể ở lại đội tuyển.
“Từ đầu 2019, Ngoan đã biểu hiện các vấn đề về tâm lý. Ban đầu chỉ là một số chuyện cá nhân hay việc vài giải đấu không đạt huy chương như mong muốn. Nhưng càng về sau, trong quá trình tập luyện em được phát hiện càng bị stress, trầm cảm, cần phải tĩnh dưỡng và điều trị.” – ông Vũ Sơn Hà cho biết.
Mãi tới cuối năm 2020, nữ võ sĩ sinh năm 1998 mới xuất hiện trở lại ở giải quốc gia. Hình ảnh một Nguyễn Thị Ngoan vui vẻ với đồng đội, máu lửa trên sàn đấu mới chính thức trở lại, đánh dấu màn "tái xuất" ngoạn mục.
“Tôi đã nghĩ về kỷ niệm thời học sinh, cùng bạn bè phụ giúp cha mẹ. Hay cả những ký ức thời còn giành huy chương điền kinh khi còn đi học cũng giúp tôi lấy lại niềm vui, cảm giác nhẹ nhác hơn trước.” – Ngoan chia sẻ về thời kì cô nhập viện.
Liên tiếp từ SEA Games 31, SEA Games 32, Nguyễn Thị Ngoan luôn góp mặt trong danh sách nhận huy chương. Cô cũng là thành viên nòng cốt trong hai lần tuyển Kumite nữ đồng đội lên ngôi ở hai kì đại hội thể thao khu vực.
Tới ASIAD 19, Nguyễn Thị Ngoan cùng Hoàng Thị Mỹ Tâm trở thành hai hi vọng hàng đầu của Kumite Việt Nam trong mục tiêu giành huy chương vàng ASIAD.
Trọng trách đặt lên vai Ngoan càng lớn hơn khi người đồng đội Mỹ Tâm của cô dừng bước từ những trận đấu đầu tiên. Không những thế, theo cách sắp xếp của ban tổ chức, Ngoan phải thi đấu liên tiếp 3 trận đầu tiên chỉ trong hơn hai giờ đồng hồ.
Dễ dàng vượt qua trận đấu đầu tiên với tỉ số 5-1 trước đại diện Macao Trung Quốc, các trận tiếp theo của nữ võ sĩ sinh năm 1998 được dự báo vô cùng khó khăn khi chờ cô là các đại diện của Iran (tứ kết), Philippines và Kazakhstan ở nhánh còn lại.
Trong 3 phút ở trận tứ kết, Ngoan và Golshadnezhad Atousa giành nhau từng điểm yuko với các kĩ thuật đấm. Hòa điểm 2-2 sau thời gian thi đấu chính thức. Cả hai phải nhờ tới quyết định của trọng tài chính và Nguyễn Thị Ngoan đã giành vé vào bán kết nhờ điểm ưu thế (hantei).
Nguyễn Thị Ngoan tiếp tục thi đấu trận bán kết với Kanay Assel (Kazakhstan). Các điểm yuko liên tiếp được ghi bởi cả hai võ sĩ, chung cuộc đại diện Việt Nam giành chiến thắng 7-5 với 1 điểm ippon, tiến vào trận chung kết gặp Gong Li (Trung Quốc).
Dù không thể có được vị trí cao nhất sau khi để thua đối thủ Trung Quốc, Nguyễn Thị Ngoan đã thể hiện được bản lĩnh của một nhà cựu vô địch thế giới. Tấm huy chương bạc nội dung Kumite (đối kháng) ở hạng cân 61kg, một lần nữa ghi dấu hành trình trở lại của nữ võ sĩ sinh năm 1998.
Thành tích này của Ngoan đã giúp cô vượt qua nỗi ám ảnh vị trí thứ 4 tại kì đại hội 5 năm trước. Thời điểm đó, Ngoan để thua cả trận bán kết và tranh huy chương đồng. Tấm huy chương bạc của Ngoan cũng đưa Karate trở thành đội tuyển võ thuật có thành tích tốt nhất tại ASIAD 19 của thể thao Việt Nam.
Dẫn đầu thành tích cá nhân ở đội tuyển Karate Việt Nam, Nguyễn Thị Ngoan đứng trước cơ hội giành thêm một danh hiệu khi cô lọt vào danh sách đề cử VĐV nữ của năm Cúp Chiến thắng 2023.
DANH SÁCH ĐỀ CỬ NỮ VĐV CỦA NĂM CÚP CHIẾN THẮNG 2023 (thứ tự đặt theo mã số bình chọn, hoàn toàn ngẫu nhiên):
1. Nguyễn Thị Oanh - Mã số Bình chọn: 21 (điền kinh, Bắc Giang) giành 01 HCV giải vô địch châu Á trong nhà, 4 HCV SEA Games 32.
2. Trần Thị Thanh Thúy - Mã số Bình chọn: 22 (bóng chuyền,Long An) vô địch giải CLB nữ châu Á, vô địch AVC Cup, hạng 4 giải vô địch châu Á, hạng 4 Asian Games, HCB SEA Games 32.
3. Nguyễn Thị Huyền - Mã số Bình chọn: 23 (điền kinh, Nam Định), giành 01 HCV nội dung tiếp sức 4x400m nữ giải vô địch châu Á, 03 HCV (1 cá nhân, 2 tiếp sức) SEA Games 32.
4. Nguyễn Thị Thật - Mã số Bình chọn: 24 (xe đạp, An Giang) giành 01 HCV giải vô địch châu Á, 01 HCV SEA Games 32, đoạt suất chính thức dự Olympic 2024.
5. Trần Thị Ngọc Yến - Mã số Bình chọn: 25 (cầu mây, Đồng Tháp) giành 01 HCV giải vô địch thế giới, 02 HCV giải vô địch châu Á, 01 HCV và 01 HCB Asian Games 19, 01 HCV SEA Games 32.
6. Dương Thúy Vi - Mã số Bình chọn: 26 (wushu, Hà Nội) giành 01 HCV SEA Games 32, 01 HCĐ Asian Games 19.
7. Nguyễn Thị Ngoan - Mã số Bình chọn: 27 (karatedo, Quân đội) giành HCB Asian Games 19, 01 HCV giải vô địch châu Á, 01 HCV SEA Games 32.
8. Nguyễn Thùy Linh - Mã số Bình chọn: 28 (cầu lông, Đồng Nai) vô địch giải quốc tế Vietnam Open, vô địch giải quốc tế Ciputra Hà Nội, lọt vào tứ kết 3 giải quốc tế, lọt vào Top 20 bảng xếp hạng đơn nữ thế giới.
Người hâm mộ đã có thể bình chọn cho các hạng mục đề cử tại trang web chính thức của sự kiện: http://cupchienthang.vn/