Sáng nay (27/10), các nội dung thi đấu cuối cùng của giải VĐQG điền kinh 2017 đã diễn ra với 1 KLQG mới được thiết lập. Bùi Thị Xuân (Quân đội) giành HCV môn ném lao với thành tích 53.09m, vượt qua kỷ lục cũ của chính mình lập được tại SEA Games 29 (52.50m).
Hai tấm HCV của Bùi Thị Xuân và Đỗ Quốc Luật ở nội dung 10.000m đã giúp đoàn Quân đội xếp vị trí nhất toàn đoàn trong bảng tổng sắp huy chương.
Ở nội dung 200m nữ, do một số VĐV bỏ thi đấu nên chỉ còn 6 VĐV thi đấu VCK. Lê Tú Chinh đã dễ dàng đoạt tấm HCV thứ 4 (100m, 4x100m, 4x200m, 200m) với thời gian 23.36 giây. Thành tích của Tú Chinh vẫn còn kém kỷ lục của người đàn chị Vũ Thị Hương 0.09 giây. Hoàng Thị Ngọc (Quảng Bình) đoạt HCĐ, phá vỡ thế độc tôn của đoàn Tp.HCM ở nội dung này. "Nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á" năm thứ 2 liên tiếp giành tới 4 HCV, trở thành VĐV giành nhiều HCV nhất giải.
Như vậy, riêng một mình Tú Chinh đã “gánh” tới 80% số lượng HCV (4/5) cho đoàn Tp.HCM. Tấm HCV còn lại thuộc về VĐV Phan Thanh Bình ở môn ném đĩa nam.
Ở nội dung 200m nam, Thanh Hóa thiếu vắng Lê Trọng Hinh nhưng vẫn bảo vệ được tấm HCV do Lương Văn Thao (Thanh Hóa) vượt qua Nguyễn Văn Châu (Bình Dương), Bùi Bá Hạnh (Quân đội).
Ở một số nội dung khác, Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) giành thêm HCV 1500m, Dương Văn Thái (Nam Định) cũng dễ dàng giành chiến thắng trên đường đua 1500m nam. Nguyễn Văn Huệ (Hải Dương) đoạt HCV nhảy sào với thành tích 4.75m.
Kết thúc giải VĐQG điền kinh 2017, 3 vị trí cao nhất bảng tổng sắp thuộc về đoàn Quân đội, Hà Nội và chủ nhà Tp.HCM. Có tới 12/51 đoàn trắng tay, không giành được tấm huy chương nào. Thành tích khá nghèo nàn của của các VĐV tại giải VĐQG 2017 tỉ luận thuận với số lượng khán giả đến sân Thống Nhất xem điền kinh.
Đây là điều được dự báo trước khi giải VĐQG diễn ra ngay sau hai giải quốc tế lớn SEA Games 29 và giải thể thao châu Á trong nhà AIMAG 5 khi thành tích chuyên môn không được coi trọng bằng số lượng huy chương mà VĐV đạt được. Bên cạnh đó, trình độ chênh lệch giữa số ít VĐV ĐTQG và các VĐV còn lại, hoặc một số VĐV đỉnh cao từng tham gia SEA Games phải "cày" huy chương ở những môn không phải sở trường (như Bùi Thị Thu Thảo chạy 4x100m tiếp sức nữ) khiến giải thiếu đi tính hấp dẫn và đột biến.