Tính đến 13/1/2020 này, Phạm Thị Hồng Lệ có đủ 7 năm tập luyện dưới sự dẫn dắt của thầy Huỳnh Minh Hiếu, người đã chắp cánh những bước đầu tiên cho cô gái bé nhỏ này đến với điền kinh đỉnh cao, thành công rực rỡ với cự ly 42,195km như hiện nay.
Nhiều người thường chỉ biết đến một Hồng Lệ trong màu áo đội tuyển quốc gia, ăn tập ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn (Hà Nội), và cả hình ảnh HLV Trần Văn Sỹ phải bế xuống từ bục nhận HCĐ marathon nữ SEA Games 30… mà ít người biết cái nôi đã đưa Hồng Lệ đến với thể thao đỉnh cao như thế nào.
Câu chuyện về việc chiêu mộ Hồng Lệ để chập chững từ một cô bé nhỏ thó nơi vùng quê Phù Cát (Bình Định) trở thành một trong những nữ VĐV marathon thành công nhất của Việt Nam thời điểm này… qua lời kể của “thầy ruột” Huỳnh Minh Hiếu rất thú vị.
HLV Huỳnh Minh Hiếu (phải) cùng học trò Phạm Thị Hồng Lệ tập luyện tại sân Quy Nhơn sau SEA Games 30
Huỳnh Minh Hiếu (34 tuổi) từng là Kiện tướng quốc gia, chân chạy có tiếng ở các cự ly 1500m, 5000m nam của tỉnh Bình Định (HCV 5.000m, HCĐ 1.500m giải trẻ quốc gia, HCV 500m và HCĐ 1.500m Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc)… trước khi rẽ sang nghiệp huấn luyện sau một chấn thương nặng năm 2006. Anh hiện là trợ lý HLV đội tuyển điền kinh Bình Định.
Kể về quá trình phát hiện, chiêu mộ và huấn luyện Phạm Thị Hồng Lệ, anh Huỳnh Minh Hiếu nói: “Lệ bắt đầu được để ý sau khi giành giải nhất giải chạy do một ngân hàng tổ chức, lúc đó Lệ học lớp 8. Sau đó một năm, Lệ tiếp tục đoạt giải nhất và tôi thấy cô bé đó rất đặc biệt. Hình ảnh một cô bé nhỏ xíu, đeo khăn quàng đỏ nhận giải nhìn rất thu hút.
Lúc đó tôi có hỏi thầy của mình thì thầy nói đã để ý em này từ hồi lớp 8 rồi, nhưng vì quá lùn nên không muốn tuyển. Nhưng sau lần thứ hai vô địch thì cả hai thầy trò quyết định tuyển Lệ.
Khi về quê Lệ để nói chuyện với gia đình thì gặp bố của Lệ đang ngồi uống rượu với một người hàng xóm. Lúc đó trên bàn nhậu chẳng có mồi gì ngoài mấy quả ớt non, ba Lệ có nói “Nếu thầy uống được 3 chén rượu này với ăn một quả ớt thì tôi cho thầy tuyển con bé”. Rất may là tôi làm được nên ba Lệ đồng ý.
Sân vận động Quy Nhơn là nơi Phạm Thị Hồng Lệ bắt đầu tập luyện, chắp cánh cho sự nghiệp marathon của mình
Sau đó, từ 13/1/2013 đến giải việt dã Tiền Phong, mới chỉ có 2 tháng, Lệ xếp nhất về thành tích trong đội, dù kết quả tổng cũng không phải là tốt, chỉ xếp thứ 14. Lệ tiến bộ nhanh lắm, chỉ sau khoảng 1 năm rưỡi tập thì đã có huy chương rồi, 2 HCĐ 5.000m và 10.000m Đại hội TDTT toàn quốc 2014, chỉ sau Phạm Thị Huệ, và còn hơn cả Nguyễn Thị Oanh, người lúc đó còn yếu vì bệnh viêm cầu thận.
Tôi nhớ khoảng tháng 5-6/2014, khi đó có một giải thuộc hệ thống trẻ của quốc gia thì Lệ vẫn còn chưa được ai biết đến, nhưng rồi Lệ đã giành HCV 5.000m. Sau đó, Lệ không thi thêm các giải trẻ này nữa.
Thầy Trần Văn Sỹ, người đang huấn luyện trên tuyển quốc gia bây giờ, đã nhận ra khả năng của Lệ từ sau giải Tiền Phong 2013. Lúc đó, mọi người nói với nhau, ấn tượng về Lệ rất rõ nét: một con bé thấp, đậm người, da đen… khiến nhiều người tưởng là VĐV người Indo”.
Khi nói về quyết định chuyển hướng từ các cự ly sở trường 5.000-10.000m sang marathon (42,195km) cho Hồng Lệ, trợ lý HLV Huỳnh Minh Hiếu kể tiếp:
“Tôi và thầy Sỹ đã có những cuộc trao đổi về trường hợp của Lệ. Thầy Sỹ thì ưng Lệ lắm vì thấy khả năng phù hợp với marathon của Lệ. Sau SEA Games 2017, khi Lệ đoạt HCĐ 10.000m, và ở giải VĐQG cũng có thành tích tương tự cự ly này, thầy Sỹ đã định hướng Lệ chuyển sang cự ly 42,195km. Bởi lúc đó, marathon nữ đang hổng, thành tích rất thấp. Nhất là khi Hoàng Thị Thanh nghỉ thì không có ai đạt được thông số dưới 2 giờ 50 phút.
Thầy trò Phạm Thị Hồng Lệ đã có 7 năm tập luyện cùng nhau tại quê nhà Bình Định
Sau đó thì thầy trò tôi bắt đầu tập luyện. Khi chạy dài thì cứ từ sân Quy Nhơn chạy ra bến xe, chạy về đường Nguyễn Tất Thành. Hôm nào chịu được thì chạy đến 40km, còn những hôm mệt quá thì giảm khối lượng. Chính vì Lệ mà lúc đó tôi mới nghiên cứu về marathon chứ trước đó chưa có chút kinh nghiệm nào. Tôi cũng phải tham khảo ý kiến ở chỗ bác Bùi Lương rồi HLV Phạm Thị Bình và cả anh Trần Văn Sỹ nữa… để có giáo án phù hợp với Lệ.
Thời điểm đó cả hai thầy trò vẫn chưa có kinh nghiệm gì về marathon, chỉ biết trò thì cố gắng còn thầy thì tiếp tục nghiên cứu sách vở. Sau đó thì cũng tìm ra giáo án phù hợp với Lệ được HLV Phạm Thị Bình xây dựng.
Chỉ sau 3 tháng tập luyện, Lệ đã vô địch HCMC Marathon 2018 hồi đầu năm, với thành tích còn hơn cả bé Hoa của Bình Phước, người trước đó còn vô địch marathon giải VĐQG. Tới TPM 2018 thì Lệ đoạt giải nhì, sau VĐV Thoa của Quân đội”.
Phạm Thị Hồng Lệ thi đấu tại SEA Games 30, gây được ấn tượng về nỗ lực hết mình khiến nhiều người rớt nước mắt
Khi nhắc đến khoảnh khắc xúc động về Hồng Lệ tại SEA Games 30 trên đất Philippines hôm 6/12/2019, anh Huỳnh Minh Hiếu trải lòng:
“Khi xem Lệ thi đấu ở nhà, tôi đã nhận thấy với tốc độ đó ở km21 rồi 30 thì Lệ có thể vào Top 2. Khi còn khoảng 4-5km thì tôi có hỏi HLV Mạnh Hiếu thì được anh cho biết là Lệ đang chạy thứ 4. Lúc đó, tôi nghĩ chắc con bé đuối sức do bám theo các VĐV dẫn đầu rồi. Về kinh nghiệm thi đấu quốc tế thì Lệ chưa có nhiều, nhưng tôi hiểu được cảm giác của con bé là đã thi đấu thì phải máu lửa, quyết tâm hết mình… nên có thể con bé đã cố gắng bung sức bám đối thủ từ sớm nên đuối ở chặng đường sau.
Trước khi đi thi đấu, Lệ có nói với tôi rằng mục tiêu chính của con là marathon chứ không phải 10.000m nên con muốn phấn đấu đổi màu huy chương. Khi xem tin webthethao đưa, nghe nói hai VĐV chủ nhà về nhất nhì còn Lệ về thứ 3 thì cũng khá bất ngờ.
Nhưng rồi khi xem những hình ảnh của Lệ, việc đầu tiên là tôi hỏi Trung Cường, người lúc đó ở gần Lệ nhất thì thấy tình hình khá căng. Thật sự là nghe thôi đã không cầm được nước mắt. Từ lúc nói chuyện với Lệ xong tầm 10 giờ sáng hôm đó, biết con bé đã ổn hơn rồi thì tôi tắt máy luôn, không dám lên mạng xem nữa. Vì sợ nhìn những hình ảnh đang lan truyền chóng mặt đó, lại xót xa cho con bé.
Những hình ảnh xúc động về Hồng Lệ khiến HLV Huỳnh Minh Hiếu không thể cầm được nước mắt
Nói về 1 HCB và 1 HCĐ của Lệ, đây là thành tích có quá tốt rồi. Bởi Lệ là VĐV điền kinh đầu tiên của Bình Định được tham dự SEA Games, lại đoạt HCĐ năm 2017, giờ lại có 2 huy chương ở SEA Games 30 thì Lệ đã đi vào lịch sử thể thao Bình Định.
Nhưng thật lòng mà nói thì cũng hơi buồn vì tôi biết Lệ đặt mục tiêu cao hơn cơ, là phải có HCV, chứ không phải HCĐ mà lại lê lết, ngất xỉu thế đâu. Nếu so thành tích đoạt HCV của VĐV Philippines thì 2 giờ 56 là thời gian mà bình thường Lệ tập luyện đã đạt được rồi. Nhưng không thể nói thế được vì thi đấu còn liên quan đến nhiều điều kiện khác, nên mọi so sánh đều rất khập khiễng. Chỉ biết, Lệ đã thi đấu vô cùng nỗ lực rồi và tôi rất tự hào về con...”.
Thầy trò HLV Huỳnh Minh Hiếu và Phạm Thị Hồng Lệ đã có 7 năm gắn bó trên sân tập và trải qua nhiều thăng trầm cùng nhau
VĐV Phạm Thị Hồng Lệ được đề cử cho hạng mục Hình ảnh thể thao ấn tượng của năm của giải thưởng Cúp Chiến thắng 2019 với khoảnh khắc gục xuống về đích, phải có người dìu mới bước lên bục nhận huy chương nội dung marathon nữ, với những giọt nước mắt chứa chan sau nỗ lực tột độ.
Bên cạnh đó là hai đề cử: Hình ảnh hậu vệ Văn Hậu tả xung hữu đột trong trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30 với mồ hôi mặn chát cùng bắp chân chân máu chảy và Hình ảnh đội tuyển bóng đá nữ trong giây phút giành HCV SEA Games 30, niềm vui vỡ òa của toàn đội, và một cầu thủ ăn mừng trên lưng bác sĩ.
Cúp Chiến thắng là giải thưởng uy tín thường niên, được ví như "giải Oscar của thể thao Việt Nam", với rất nhiều hạng mục trao thưởng. Năm nay Gala trao giải Cúp Chiến thắng 2019 sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 15/1/2020 tại sân khấu ngoài trời Đài truyền hình Việt Nam (43 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên các kênh ThethaoTV, BongdaTV của hệ thống truyền hình cáp Việt Nam.