Webthethao: Cúp Chiến thắng là nơi ghi dấu ấn với những thành tích vang dội của các VĐV, HLV. Năm 2017, Lê Thanh Tùng được vinh danh ở hạng mục Nam VĐV của năm. Đó là quá trình mà Tùng thường xuyên tập luyện đến đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Vậy, Tùng nghĩ gì về giải thưởng Cúp Chiến thắng?
Lê Thanh Tùng: Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn đối với những VĐV như chúng tôi. Từ nhỏ, các VĐV TDDC tập rất khổ. Ở độ tuổi này, các bạn đang chơi đùa thì chúng tôi phải khóc với những bài ép dẻo, tập thể lực rất nặng. Chúng tôi phải trải qua quá trình tập luyện gian khổ đó trong thời gian dài mới có thể đạt được thành tích cao. Và Cúp Chiến thắng mang đến sự khích lệ lớn về tinh thần. Mỗi VĐV đều cố gắng hết mình để cuối năm nhận giải thưởng cao quý này.
Bóng đá khá là “hot”, TDDC cũng như nhiều môn ít được phổ biến. Theo anh, việc giành được Cúp Chiến thắng 2017 có ý nghĩa gì với môn này?
- Quá trình tập luyện môn TDDC rất gian khổ. Ép dẻo là bài tập cơ bản từ nhỏ khi chúng tôi chưa dẻo nên phải ép nhiều. Điều này khiến cơ thể mệt mỏi. Tuy nhiên, sau một vài năm, chúng tôi đã quen và chịu được gian khổ, không hề có tư tưởng bỏ cuộc. Trong thâm tâm luôn nghĩ, đây là nghề thì phải cố gắng hết mình.
Tập luyện thi đấu rồi mang vinh quang về cho thể thao nước nhà. Chúng tôi cũng mong muốn có sự ghi nhận. Giải thưởng Cúp Chiến thắng mang lại ý nghĩa lớn với cá nhân tôi cũng như môn TDDC.
Với bản thân Tùng, Anh đánh giá như thế nào về năm 2019, về tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020?
- Từ tháng 1-6, tôi bị chấn thương, mất đến 6 tháng điều trị hồi phục. Khi quay lại thi đấu thì hai giải đầu không có thành tích tốt. Tham gia giải VĐTG tháng 10 ở Đức, khá may mắn, tôi nhảy hai động tác thành công để có tấm vé dự Olympic.
Thật vui và hạnh phúc vì 4 năm trước, do trẻ thiếu kinh nghiệm tôi hụt tấm é đến Olympic và bốn năm sau, sau những cố gắng và may mắn, mỉm cười đến với tôi.
Còn ở SEA Games vừa rồi, tôi thật tiếc khi thi đấu không thành công, một phần là do thiếu may mắn. Tuy vậy, thất bại là động lực lớn để tôi cố gắng trong năm 2020 mà đích ngắm là đấu trường Olympic Tokyo 2020.
Nhìn lại cách đây hai năm, Tùng được xướng tên là Nam VĐV của năm, cảm xúc của Tùng như thế nào ở thời điểm đó?
- Lúc đầu, tôi có tên trong hạng mục đã thấy sướng, vui rồi. Các VĐV ai cũng xứng đáng được vinh danh. Trong đêm chính thức công bố, đọc tên tôi, tôi đứng hình 5-10 giây vì không tin vào những gì đang xảy ra. Tôi khá run vì sung sướng nhưng đây là thành quả cho sự nỗ lực của bản thân trong năm 2017.
Sau giải thưởng này, cuộc sống, cộng việc của Tùng có gì thay đổi không?
- Đứng trên khán đài, tôi là VĐV số 1 của năm. Sau khi đi xuống thì tôi là VĐV bình thường. Qua ngày hôm sau tập luyện, nỗ lực hơn. Sau năm 2017, tôi đạt được khá nhiều thành tích tốt hơn.
Thanh Tùng có buồn không không được lọt vào các đề cử hạng mục Nam VĐV của năm Cúp Chiến thắng 2019?
- Tôi khá buồn nhưng đây là sự công bằng. Năm 2019 thành tích của tôi không được tốt ngoài tấm vé Olympic. Tôi sẽ cố gắng để trong năm 2020 có tên trong danh sách Nam VĐV của năm.
Ở Top 3 Nam VĐV của năm Cúp Chiến thắng 2019, những ngôi sao bóng đá như Quang Hải, Hùng Dũng góp phần tạo thành công cho bóng đá Việt Nam nhưng không thể lọt vào Top 3 song vẫn còn Đoàn Văn Hậu. Bóng đá là môn thể thao Vua, Tùng có nghĩ, bóng đá phần nào được ưu ái, thiên vị?
- Mỗi năm, các VĐV cố gắng hết sức cống hiến cho TTVN. Tôi quan tâm hạng mục do bình chọn, còn bóng đá là môn thể thao Vua, không để ý lắm. Tôi chỉ quan tâm là làm sao thi đấu và đạt thành tích tốt nhất. Ba hạng mục rút gọn hợp lý vì ai cũng xứng đáng. Vinh quang sẽ chờ đón một trong ba VĐV này vào ngày 15/1 tới.
Cảm ơn Tùng về cuộc trao đổi này!
Danh sách Top 3 Cúp Chiến thắng 2019
Nam Vận động viên của năm:
- Nguyễn Huy Hoàng (Bơi, giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục Đại hội, đạt 1 chuẩn A Olympic tại SEA Games 30)
- Đoàn Văn Hậu (Bóng đá, HCV SEA Games, vô địch V.League 2019)
- Nguyễn Hoàng Phi Vũ (Bắn cung, 1 HCV giải vô địch châu Á, 1 suất Olympic, 1 HCV SEA Games 30)
Nữ Vận động viên của năm:
- Vương Thị Huyền (Cử tạ, 2 HCV, 1 HCB Cúp Thế giới, 3 HCV giải vô địch châu Á, 1 HCV SEA Games)
- Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi, 6 HCV, 2 HCB SEA Games 30)
- Nguyễn Thị Oanh (Điền kinh, 3 HCV, 1 kỷ lục SEA Games)
Vận động viên trẻ của năm:
- Trần Nhật Hoàng (Điền kinh, 19 tuổi, 3 HCV SEA Games)
- Trần Hưng Nguyên (Bơi, 16 tuổi, 2 HCV, phá 1 kỷ lục SEA Games)
- Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Bắn cung, 18 tuổi, giành 1 HCĐ và suất Olympic tại giải vô địch châu Á, 1 HCV SEA Games 30)
Vận động viên người khuyết tật xuất sắc của năm:
- Cao Ngọc Hùng (Điền kinh, hạng thương tật F57, hạng 4 nội dung ném lao giải Điền kinh NKT thế giới, giành xuất chính thức tham dự Paralympic Tokyo 2020)
- Lê Văn Công (Cử tạ, hạng cân nam 49kg, hạng 4 giải Cử tạ Thế giới)
- Võ Thanh Tùng (Bơi, hạng thương tật S5, HCB nội dung 50m ngửa tại giải Bơi IPC World Series)
Huấn luyện viên của năm:
- Mai Đức Chung (Bóng đá, dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ đoạt HCV SEA Games 30 và vô địch Đông Nam Á)
- Trần Văn Sỹ (Điền kinh, dẫn dắt các học trò giành 5 HCV tại SEA Games 30)
- Lưu Văn Thắng (Cử tạ, dẫn dắt các học trò giành 5 HCV Cúp thế giới, 3 HCV giải vô địch châu Á và 4 HCV SEA Games 30)
HLV người nước ngoài của năm:
- HLV Park Hang Seo (HLV người Hàn Quốc, Bóng đá, dẫn dắt đội tuyển U.22 giành tấm HCV SEA Games lịch sử)
- HLV Hoàng Quốc Huy (HLV người Trung Quốc, Bơi, dẫn dắt học trò đoạt 5 HCV, phá 3 kỷ lục, đạt 1 chuẩn A Olympic tại SEA Games 30)
- HLV Kim Su Bin (HLV người Hàn Quốc, Bắn cung, dẫn dắt học trò giành 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ giải vô địch châu Á kèm 2 suất Olympic, 3 HCV SEA Games)
Đội tuyển của năm:
- Đội tuyển Bóng đá nam U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30
- Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 30 và vô địch Đông Nam Á
- Đội tuyển Bóng rổ nam 5x5 lần đầu giành HCĐ SEA Games
Đồng đội của năm:
- Đội hình tiếp sức hỗn hợp nam nữ 4 x400m môn Điền kinh giành HCV SEA Games
- Đồng đội tiếp sức 4x400m nam môn Điền kinh giành HCV SEA Games
- Đồng đội cung 1 dây môn Bắn cung giành HCV SEA Games
Hình ảnh thể thao ấn tượng của năm:
- Hình ảnh VĐV Phạm Thị Hồng Lệ gục xuống về đích, phải có người dìu mới bước lên bục nhận huy chương nội dung marathon nữ, với những giọt nước mắt chứa chan sau nỗ lực tột độ.
- Hình ảnh hậu vệ Văn Hậu tả xung hữu đột trong trận chung kết bóng đá nam SEA Games với mồ hôi mặn chát cùng bắp chân chân máu chảy.
- Hình ảnh đội tuyển nữ trong giây phút giành HCV SEA Games, niềm vui vỡ òa của toàn đội, và một cầu thủ ăn mừng trên lưng bác sĩ.