Lặng thầm trong ngày Thể thao Việt Nam (27/3) nhưng khi nhắc đến giải thưởng “Thành tựu trọn đời” ở gala Cúp chiến thắng, miền ký ức đẹp lại ùa về với họ.
>>> Những cái nhất của Gala Cúp Chiến thắng 2017
>>> Hậu trường Cúp Chiến thắng 2017: Nhà báo Phan Đăng bị "Nữ hoàng Kata" đá xoáy
Không ngừng nghỉ ngày Thể thao Việt Nam
27/3! Ngày Thể thao Việt Nam, ngày hội được xem là “Tết” của ngành thể thao nước nhà. Họ đều bước qua tuổi 70 song ở cái tuổi lên chức ông, chức bà họ vẫn lặng thầm cống hiến cho thể thao nước nhà.
Nữ xạ thủ Đặng Thị Đông, người từng giành hai huy chương vàng môn bắn súng SEA Games 1989, kỳ đại hội thể thao đầu tiên mà Việt Nam hội nhập trở lại quốc tế, vẫn bình lặng bao năm nay.
Bà chọn cho mình cách sống khép mình, vui thú điền viên với con cháu. Bởi với tâm nguyện của nữ xạ thủ nhận giải thưởng “Thành tựu trọn đời” Cúp chiến thắng năm 2015 này, nghiệp thể thao đã gắn chặt bao nhiêu năm nay và giờ là lúc, bà “trả nợ” cho con cháu.
Ấy vậy, với hai “ông già gân” Hoàng Vĩnh Giang (giải Thành tựu trọn đời Cúp chiến thắng 2017 và Bùi Lương (giải thành tựu trọn đời Cúp chiến thắng 2016), những bước chân của hai ông vẫn không mệt mỏi. Đã 72 mùa xuân song ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á vẫn xách ba lô lên và đi.
Nhà quản lý thể thao nhận giải “Thành tựu trọn đời” 2017 đang xa nhà ở ngày Thể thao Việt Nam năm nay để tham dự Đại hội TDTT võ thuật tại một miền quê trên đất nước.
Ông tâm niệm: “Ngày Thể thao Việt Nam với tôi năm nào cũng như năm nào. Đã hơn 40 lần trải qua ngày đặc biệt, thiêng liêng này, tôi vẫn vậy, vẫn xa nhà trên mọi nẻo đường. Ấy thế, nhưng vui lắm vì mình còn sức khỏe để cống hiến cho thể thao nước nhà”.
Ở tuổi 72, Sir Alex Ferguson đã giải nghệ để làm chức trách của một người chồng, người cha và người ông trong gia đình. Tuy nhiên, với “ông già gân” Bùi Lương, ông chỉ vừa mới trở về Bình Phước từ giải Việt dã báo Tiền Phong tại Đắk Lắk đúng dịp ngày Thể thao Việt Nam năm nay.
Người đàn ông 81 tuổi, từng nhận giải thưởng “Thành tựu trọn đời” 2016 vẫn miệt mài trên cung đường chạy. Ông vừa dẫn dắt Bình Phước giành giải nhất toàn đoàn ở giải Việt dã báo Tiền Phong 2018. Tuy vậy, huyền thoại Bùi Lương vẫn trăn trở: “Năm nay Bình Phước chảy máu tài năng nhiều quá. Dù đoạt nhất toàn đoàn nhưng những cự ly trọng điểm lại không đạt được như kỳ vọng”.
Đó là “món quà” nhân ngày Thể thao Việt Nam thiếu trọn vẹn. Song, HLV Bùi Lương lại rất trân trọng cái ngày hết đỗi thiêng liêng này. Ông vẫn còn nhớ như in “Tết” của ngành thể thao cách đây gần nửa thế kỷ. “Ở giải chạy được tổ chức tại Hòa Bình trước năm 1972, tôi chạy bên này sông nhưng những mảnh bom đạn từ bên kia sông văng sang tận đây, phủ đầu người, bị thương nhưng vẫn về đến đích. Khoảnh khắc đó vẫn khắc sâu trong tâm khảm và theo tôi đến ngày hôm nay”, ông trút bầu tâm sự.
Xứng danh với Thành tựu trọn đời
Khi nhắc lại kỷ niệm nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời, “ông già gân” Bùi Lương bồi hồi: “Bản thôi tôi cũng như gia đình, bạn bè cũng không bao giờ nghĩ được nhận giải thưởng danh dự như vậy. Trong thâm tâm, tôi chỉ nghĩ mình sẽ thi đấu, tập luyện, huấn luyện với bầu nhiệt huyết trong người. Không ngờ lại được ngành thể thao, giới truyền thông và người hâm mộ ghi nhận. Thật sự rất xúc động. Vừa xúc động nhưng cũng thấy cần phải làm tốt hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu Thành tựu trọn đời”.
Tại buổi lễ cách đây hai năm, HLV điền kinh gạo cội này vẫn khắc sâu bài thơ do chính ông sáng tác. Đó cũng là cách để ông tự nhắn nhủ mình, rằng: “Một thời lững lẫy đường đua/Tuổi già sức yếu vẫn chưa muốn về/ Trọn đời sống với đam mê/ Duyên thể thao hết mới về cõi tiên”.
Ông bảo: “Khi làm việc mà không mơ màng đến danh vọng nhưng mình được nhân dân theo dõi, động viên thì mình càng phải nỗ lực hơn nữa. Mình chưa phải là xế chiều đâu mà sự ghi nhận từ giải thưởng Thành tựu trọn đời giúp mình có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho thể thao”.
Cũng gân guốt như “đàn anh”, ông Hoàng Vĩnh Giang vẫn theo đuổi đam mê cháy bỏng từ nhỏ của mình. “Thật vinh dự khi được nhận giải thưởng danh giá này. Nó thiêng liêng lắm. Giải thưởng Thành tựu trọn đời này là động lực tạo sự phấn khởi để cống hiến hết chặng đường còn lại, đến hơi thở cuối cùng cho ngành thể thao”, ông Giang bày tỏ.
Với xạ thủ Đặng Thị Đông, dù đã giải nghệ khá lâu nhưng khi sống lại những thước phim hào hùng ngày nào qua “Thành tựu trọn đời”, bà không kìm nén xúc cảm: “Cả một ký ức và niềm tự hào của một thời oai hùng và gian khó dường như sống lại vẹn nguyên. Đó là sự tôn vinh dành cho các thế hệ tuyển thủ Việt Nam đã luôn đam mê, phấn đấu hết mình cho thể thao”.
Lời hứa ở Gala Cúp Chiến thắng 2016
HLV Bùi Lương kể rằng, ở dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa rồi, ông bảo với bà xã là cũng đã 81 tuổi rồi, làm nốt Bình Phước hết năm 2018 thì về nghỉ. Bà xã bảo anh đang làm việc tốt thì vẫn làm chứ sao lại nghỉ, anh làm thì huấn luyện cho VĐV có thành tích chứ cho mình đâu. VĐV có thành tích sẽ đóng góp cho địa phương, quốc gia. Anh nói trên gala Cúp chiến thắng là “duyên thể thao hết mới về cõi tiên”, sao giờ lại về sớm thế. Thế là “ông già gân” lại muôn nẻo đường xa với mảnh đất Bình Phước xa xôi.