Trong mùa Hè giải Ngoại hạng đã ném số tiền kỷ lục 1.175 tỷ bảng vào thị trường chuyển nhượng và cũng đón về số lượng kỷ lục các cầu thủ chơi bóng tại Tây Ban Nha. Premier League đang cố gắng dùng tiền để “hút máu” La Liga nhưng họ cũng chỉ bòn rút được những cầu thủ hạng 2 ở giải đấu này.
Shkodran Mustafi tới Arsenal là thương vụ cuối cùng giữa La Liga và Premier League trong kỳ CN Hè. Hậu vệ người Đức chính là cầu thủ thứ 17 rời xứ bò tót đầy nắng gió để đến nước Anh ẩm ướt. Chưa bao giờ “giao thương” giữa Anh và TBN lại nhộn nhịp đến vậy. Ở mùa hè này, Pháp – đối tác quen thuộc của NHA – chỉ bán sang 12 cầu thủ. Con số “nhập khẩu” của Đức là 11 và của Ý là 3.
Đáng chú ý là hè 2014 với sự xuất hiện của Di Maria, Sanchez, Fabregas, Diego Costa, Filipe Luís và Herrera. Chừng này đã tiêu tốn của NHA 193 triệu bảng.
Hè 2013 Oezil ngốn của Arsenal 42,4 triệu bảng. Man City mua Negredo (20) và Tottenham mua Soldado (26).
Trụ được hơn một năm ở La Liga, cầu thủ không cần phải thẩm định giá trị nữa. Triết lý của người Anh là thà mua đắt còn hơn mất thời gian kiểm chứng. Như hiện tại ai cũng muốn Griezmann hay Alvaro Morata nhưng chẳng đội bóng nào của Premier League chịu bỏ ra 20 triệu bảng cho họ cách đây 2 năm.
Người Anh rất chú trọng cho hệ thống tìm kiếm và phát hiện tài năng nhưng chẳng mấy khi sử dụng những thông tin thu thập. Bởi vì họ có tiền.
Ví dụ nếu để ý và muốn tìm hiểu khi Seydou Keita tại Lens thì hãy để Sevilla làm công việc đó. Sau đó người Anh sẽ gặp chủ tịch của Seivlla để bàn chuyện mua Keita.
Đối với người Anh, tiền bạc chẳng là gì so với thời gian nên sự kiên nhẫn mới là thứ rất xa xỉ. Tiềm lực tài chính vô song giúp xứ sương mù làm bóng đá theo cách này. Ngay cả đội bóng ở Championship cũng có thể trả lương thưởng lẫn phí chuyển nhượng cho một cầu thủ cao hơn cả một đội ở La Liga.
Tuy nhiên thực tế La Liga chỉ “nhả” ra những ngôi sao hạng 2 của mình. Lucas Pérez tới Arsenal với giá 17 triệu bảng. Anh ghi17 bàn tại La Liga mùa trước, nhưng cũng chỉ đứng tận thứ 10 trong danh sách ghi bàn ở giải đấu cao nhất xứ bò tót.
Vậy mà “Pháo thủ” cũng phải đề nghị quá nhiều: Champions League, cơ hội cạnh tranh cho các danh hiệu, gấp 3 lương hiện tại...
Man City cũng vội vã chiêu mộ Nolito – người chỉ có 12 bàn mùa trước và đã 29 tuổi. Bên cạnh đó là rất nhiều cái tên đáng chú ý như Bravo, Negredo, Bailly, Mustafi hay Manquillo.
Chỉ có chút thay đổi so với các mùa trước là bây giờ ngay cả các CLB nhỏ của Anh cũng có thể chiêu mộ ngôi sao từ Tây Ban Nha. Borja Bastón – 24 tuổi và ghi 18 bàn tại La Liga mùa trước - tốn của Swansea 15 triệu bảng. West Bromwich đề nghị hơn 15 triệu bảng cho một tiền vệ của Malaga và Sunderland trả 7,5 triệu bảng cho Iborra nhưng bị Sevilla từ chối.
Trước đây chỉ có Big Four mới tranh giành nhau Juan Mata, David Silva hay Xabi Alonso. Nhưng nhờ tiền bản quyền truyền hình 2,5 tỷ bảng cho mùa giải này, Crystal Palace, Hull City hay Watford cũng có thể "chịu chơi".
Tuy nhiên La Liga gần như chẳng suy suyển gì trước nỗ lực lôi kéo các siêu sao trong vô vọng từ nước Anh, đặc biệt là thành Manchester nơi có Man City và Man Utd.
Real Madrid vẫn còn Ronaldo, Bale trong khi Barca giữ được Neymar, Messi hay Suarez. Griezmann và Koke cũng không chịu rời Atletico. Đó là những cái tên ở đẳng cấp khác, thuộc về một thế giới hoàn toàn khác mà Premier League không (hay vẫn chưa) thể với tới.
"Lạm phát" là từ miêu tả chính xác nhất về TTCN trong những năm qua. Xét ở 5 giải đấu hàng đầu là TBN, Anh, Ý, Đức, Pháp, mùa hè này họ đã tiêu 2,72 tỷ bảng, tăng 28% so với của mùa 2015-16 (2,13 tỷ bảng) và tăng 53,7% so với mùa trước nữa (1,77).