Thay vì cho mượn cầu thủ, nhiều CLB đang bán những cầu thủ trẻ tiềm năng kèm theo điều khoản mua lại (Buy-back option) như hình thức cho mượn có lãi lớn hơn.
Alen Halilovic vừa rời Barcelona để gia nhập Hamburg với mức giá 5 triệu euro. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao đội bóng xứ Catalan lại chấp nhận bán đi một trong những cầu thủ trẻ tiềm năng bậc nhất với mức giá “bèo bọt” như vậy?
Trên thực tế, Barcelona vẫn đang thu lời từ thương vụ này khi họ chỉ mất 2,2 triệu euro để chiêu mộ Halilovic từ Dinamo Zagreb vào năm 2014. Và đừng quên rằng tài năng trẻ người Croatia đã thi đấu rất tốt khi được cho mượn tại Sporting Gijon trong mùa giải năm ngoái.
Với 3 bàn thắng và 5 đường kiến tạo sau 36 lần ra sân tại La Liga, Alen Halilovic đã góp công không nhỏ giúp Gijon trụ hạng thành công ở mùa giải năm ngoái. Nhưng rõ ràng là cầu thủ 20 tuổi người Croatia vẫn chưa đủ sức để chen chân vào đội hình gồm toàn các siêu sao của Barcelona.
Chính vì thế, HLV Luis Enrique cũng chỉ còn cách để Halilovic tiếp tục “đi du học” nhằm tích lũy kinh nghiệm. Nhưng khác với thương vụ cho mượn tại Sporting Gijon, lần này Barcelona quyết định bán tài năng trẻ của họ cho Hamburg với mức giá 5 triệu euro, kèm theo một điều khoản đặc biệt.
Đó là Barcelona sẽ được ưu tiên mua lại Alen Halilovic trong 2 năm tiếp theo với mức giá 10 triệu euro. Chi tiết này cho thấy Barcelona vẫn rất xem trọng tài năng của Halilovic. Và họ bán cầu thủ Croatia cho Hamburg với mục đích không gì khác là tạo cơ hội cho Alen Halilovic được ra sân nhiều hơn, giảm quỹ lương của đội bóng, đồng thời thu về 5 triệu euro cho ngân sách của đội bóng
Dĩ nhiên, Barcelona sẽ phải bỏ ra một khoản tiền gấp đôi để mua lại cầu thủ của họ. Nhưng nếu Halilovic có thể trưởng thành trong khoảng thời gian khoác áo Hamburg thì Barcelona có mất 10 triệu euro cũng xứng đáng. Đó là chưa kể khi tài năng trẻ người Croatia tỏa sáng thì giá trị của anh sẽ còn lớn hơn nhiều mức phí mà đội bóng xứ Catalan được ưu tiên.
Ở chiều ngược lại khi Halilovic không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ phát triển tài năng đi xa hơn, Barcelona hoàn toàn có thể ngoảnh mặt từ chối mua lại mà vẫn thu lời gần 3 triệu euro từ thương vụ này.
Nói tóm lại, việc “thòng” điều khoản ưu tiên mua lại vào hợp đồng bán Alen Halilovic cho Hamburg là một hành động khôn ngoan. Và thực tế thì xu hướng "bán kiểu ỡm ờ" này cũng đang trở nên phổ biến trên thị trường chuyển nhượng trong những năm gần đây.
Không nói đâu xa, đại kình địch của Barcelona là Real Madrid vừa kích hoạt điều khoản mua lại tiền đạo Alvaro Morata từ Juventus với giá 30 triệu euro, mức phí lớn hơn 10 triệu euro so với số tiền mà đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha thu về sau khi bán Morata vào năm 2014.
Nhưng xét trên nhiều phương diện thì đây vẫn là một thương vụ thành công của Real khi họ sẽ có thêm một sự bổ sung chất lượng cho hàng công của đội bóng trong mùa giải sau, hoặc cũng có thể bán lại Alvaro Morata cho một đội bóng khác ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè để thu lời.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các đội bóng cũng sẽ kích hoạt điều khoản mua lại cầu thủ cũ của họ, ngay cả khi những ngôi sao này đang thi đấu rất thành công ở đội bóng mới. Chính Real Madrid cũng từng từ chối mua lại Mesut Oezil từ Arsenal với giá 50 triệu euro (cao hơn 3 triệu euro so mới số tiền Arsenal đã bỏ ra), dù tiền vệ người Đức đã thi đấu rất hay kể từ khi chuyển sang Premier League vào năm 2013.
Tương tự là trường hợp của Cesc Fabregas vào năm 2014. Lần này, Arsenal là đội bóng sắm vai "kẻ phụ bạc" khi từ chối mua lại Fabregas từ Barcelona với mức giá 36 triệu euro, hơn 3 triệu euro với mức phí chuyển nhượng ban đầu. Không còn cách nào khác, ngôi sao Tây Ban Nha buộc phải gia nhập Chelsea và phản bội lời thề sẽ không thi đấu cho đội bóng nào khác ở Premier League, ngoài Arsenal.
Một thương vụ đáng chú ý khác là trường hợp Chelsea "thòng" điều khoản cho phép họ mua lại Romelu Lukaku từ Everton sau khi đẩy tiền đạo người Bỉ rời sân Stamford Bridge vào năm 2014 với mức giá 33 triệu euro. Nhưng rốt cuộc thì HLV Jose Mourinho đã không kích hoạt điều khoản này mua lại để bây giờ Chelsea sẽ phải cạnh tranh với hàng loạt đội bóng lớn để có chữ ký của Lukaku với mức phí lớn hơn rất nhiều mức giá ưu đãi ban đầu.
Nói như vậy để thấy rằng, điều khoản mua lại trong hợp đồng bán cầu thủ chỉ có thể mang lại lợi ích lớn nhất cho đội bóng nào có tầm nhìn xa và biết cách tận dụng lợi thế này. Thậm chí, một số đội bóng còn phải nếm trái đắng bởi chính cầu thủ cũ của họ. Tiêu biểu là trường hợp Alvaro Morata ghi bàn giúp Juventus loại Real Madrid tại bán kết Champions League mùa giải 2014/15.
Một số lưu ý về điều khoản mua lại cầu thủ
- Điều khoản mua lại cầu thủ được sử dụng trong những thương vụ mà cầu thủ được bán có tiềm năng để phát triển, thường là các cầu thủ trẻ
- Đội bóng bán cầu thủ sẽ không thể kích hoạt điều khoản mua lại trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 2 mùa giải
- Mức phí mua lại cầu thủ thường sẽ cao hơn mức phí chuyển nhượng ban đầu và thay đổi qua từng mùa giải dựa trên nhiều yếu tố như số bàn thắng, số trận thi đấu hay số lần khoác áo ĐTQG, ... trong khoảng thời gian trên
- Các đội bóng bán cầu thủ có thể hưởng một khoản tiền hoa hồng khi đội bóng mua cầu thủ bán lại anh ta cho một đội bóng khác
- Điều khoản mua lại có thể được loại bỏ trước thời hạn quy định nếu nhận sự đồng ý của hai đội bóng và đội bóng mua cầu thủ sẽ phải trả một khoản phí cho đội bóng bán cầu thủ
- Đội bóng mua buộc phải bán lại cầu thủ cho đội bóng bán nếu nhận được yêu cầu từ đối phương. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa một hợp đồng bán đứt và một hợp đồng có điều khoản mua lại