“Truyền thông chỉ là những con vẹt” là những gì mà người đại diện Mino Raiola nói về những tin đồn mà báo chí Italia và Anh đưa ra xoay quanh thương vụ Paul Pogba.
Hầu hết, họ đều tung tin Man Utd gần như chắc chắn có ngôi sao người Pháp khi đôi bên đã đạt thỏa thuận, thậm chí còn nêu chi tiết giá trị bản hợp đồng là 110 triệu euro, con số này có thể tăng lên 125 triệu euro. Theo Raiola, đó hoàn toàn là những thông tin bịa đặt. Vậy sự thật đằng sau những tin đồn trên TTCN là gì?
Báo chí không đơn giản là "thổi phổng" tin đồn
Nhu cầu đọc tin chuyển nhượng của độc giả bắt đầu từ trang báo giấy The Sun với ấn phẩm đầu tiên ra đời năm 1969. Người cải biên lại nó chính là ông trùm truyền thông Mỹ – Úc, Rupert Murdoch.
Ông đã mua lại The Sun vào năm 1969 và chuyển tờ báo này từ dạng báo khổ rộng chính thống sang dạng tạp chí đóng quyển.
Tuy nhiên, một số hạn chế về việc in ấn đã khiến cho báo đến sạp muộn hơn rất nhiều sau khi trận đấu kết thúc, trong khi độc giả cần thông tin nhanh chóng. Vì vậy, Murdoch đã tìm ra giải pháp, thay thế những tin tường thuật trận đấu bằng những câu chuyện chuyển nhượng giật gân.
Cách làm đó đã giúp ông thành công khi biến The Sun trở thành tờ báo lá cải đình đám tại Anh. Bắt đầu từ đây, độc giả quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chuyển nhượng.
Tiết lộ trên Four Four Two, các phóng viên theo dạng tin tạm gọi là "lá cải" cho biết, 50% thông tin họ đưa ra là tin đồn, phần còn lại là do yêu cầu từ phía cầu thủ, CLB và người đại diện.
Điển hình là vụ chuyển nhượng Gareth Bale năm 2013. Trong khi một loạt tờ báo Tây Ban Nha khẳng định, cầu thủ xứ Wales sẽ đến Bernabeu với mức giá kỷ lục thì báo Anh lại đưa tin “Bale đang hạnh phúc tại Tottenham”, “Bale rời Premier League là bịa đặt”... Nhưng sau tất cả, Bale đã chuyển sang khoác áo Real Madrid với mức giá kỷ lục 100 triệu euro.
Không dừng lại ở đó, một số phóng viên còn gọi điện trực tiếp cho vợ, người thân, bạn tình của cầu thủ để khai thác thông tin.
Đôi khi, ở đâu đó họ “đánh hơi” thấy các nhân viên của một CLB bất kỳ bàn tán về việc mua sắm hay đào thải cầu thủ là ngay lập tức loạt tin đồn sẽ xuất hiện tràn lan trên các mặt báo.
Một phóng viên chuyên "trồng cải" chia sẻ trên Four Four Two: “Bóng đá là một ngôi làng. Tôi có một danh sách 15-20 người đại diện, và tôi có thể gọi điện trong mọi trường hợp. Nếu bạn làm việc với một người đại diện, họ sẽ cung cấp cho bạn một cái gì đó để trao đổi. Ví như có một người đại diện gọi cho tôi sáng nay và nói ‘tôi thích thủ môn này nhưng tôi muốn ông viết nó thành một câu chuyện lớn, có sự cạnh tranh với nhiều câu lạc bộ sừng sỏ’”. Mọi thứ được thỏa thuận như một điều kiện có lợi cho cả 2 phía.
Mọi thông tin đến từ người đại điện là chính xác?
Người đại diện chính là người tung tin thất thiệt nhiều nhất, nhằm mang lợi ích cho thân chủ của mình. Nếu cầu thủ của họ chuyển CLB, họ sẽ được nhận tiền hoa hồng chuyển nhượng; nếu cầu thủ của họ được gia hạn hợp đồng, họ sẽ được hưởng hoa hồng hợp đồng; nếu cầu thủ của họ tiếp tục ở lại một đội dài lâu, anh ta sẽ trả phí đại diện đều đặn.
Tất cả đều là lý do để thao túng các phóng viên “khát tin”. Thế nên, việc có hai tờ báo đưa ra những con số khác nhau là chuyện bình thường.
Một ví dụ điển hình đó chính là Mino Raiola. Ông ta tiết lộ riêng với báo chí “thương vụ Paul Pogba đang dần hoàn tất” một đằng, trong khi lại công khai quan điểm cá nhân trên trang Twitter rằng “chưa có thỏa thuận nào đưa ra” một nẻo.
Điều đó khiến CĐV quay cuồng với loạt thông tin không thể phân định đâu là xác thực. Các phóng viên uy tín cũng bị một phen bẽ mặt vì thương vụ này hóa ra vẫn chưa có hồi kết.
Trong khi đó, Raiola đã thành công khi ghi dấu ấn trong mắt truyền thông rằng mình là một tay môi giới cực kỳ khôn khéo và không phải dạng vừa.
Tin đồn chuyển nhượng là "con dao 2 lưỡi" với cầu thủ
Cầu thủ có thể là nạn nhân của những tin đồn chuyển nhượng hoặc cũng có thể “lên hương” nhờ sự tung hô từ báo chí. Một buổi sáng ngủ dậy, sẽ có vài cầu thủ thảng thốt khi hay tin CLB chủ quản sắp bán mình cho một đội bóng khác .
Điển hình là vụ Olivier Giroud của Arsenal. Tiền đạo người Pháp vô cùng ngạc nhiên khi biết đội bóng có ý định đẩy anh sang Napoli kèm theo một khoản tiền lớn để đổi lấy Gonzalo Higuain.
Trong khi trước đó, chủ sân Emirates chưa hề nói chuyện với Giround về vấn đề này. Người đại diện của ngôi sao người Pháp đã phải lên tiếng xác nhận “đó hoàn toàn là thông tin bịa đặt” để bảo vệ thân chủ mình.
Cũng có trường hợp, cầu thủ tự tạo ra tin đồn để đánh bóng tên tuổi của mình. Đáng chú ý là vụ Ronaldinho từng “lừa” cả đội Barcelona khi tuyên bố chuyển sang Real Madrid năm 2006.
Vài ngày trước trận EL Clasico, ngôi sao người Brazil đã gọi điện cho từng người một trong đội bóng và nói sẽ rời CLB để chuyển sang Real Madrid. Đồng thời, yêu cầu không ai được tiết lộ thông tin này. Ngày hôm sau không hiểu chuyện gì xảy ra, các cầu thủ Barca đều lặng lẽ đến ôm Ronaldinho trên sân tập.
Đến ngày diễn ra trận cầu "kinh điển", cầu thủ người Brazil đã nói với các đồng đội trong phòng thay đồ: “Các chàng trai, hôm nay chúng ta sẽ thi đấu một trận rất quan trọng. Real Madrid rất mạnh, nhưng trong vài ngày qua, tôi đã nhận ra rằng chúng ta là một gia đình. Tôi đã gọi điện cho từng người trong số các bạn vào nửa đêm để nói về việc tôi chuyển sang Real Madrid vào tháng Sáu và không một ai đã để lộ bí mật của tôi. Tôi sẽ ở lại Barca thêm nhiều năm nữa."
Sau đó, Ronaldinho đã tiết lộ “cú lừa” ngoạn mục của mình với báo chí và nghiễm nhiên đó là chủ đề được hàng triệu độc giả tìm đọc.
Một cầu thủ Premier League chia sẻ: “Có một lần, đồng đội của tôi ngỏ ý muốn rời đi. Anh ấy đã chọn một ngày nghỉ để nói chuyện với tôi và sau đó anh ấy đã đánh tiếng với một nhà báo ở địa phương rằng anh ấy muốn ra đi. Tôi chắc chắn lúc đó, có một nhiếp ảnh gia đã nấp sau bụi cây để chụp hình.
Vài ngày sau, một loạt tờ báo đưa tin, đồng đội của tôi muốn rời CLB vì mâu thuẫn với đội bóng. Tôi đã rất bất ngờ, trong khi anh ấy đầy rạng rỡ trong phòng thay đồ nói 'Đó là việc mà tôi đã lên kế hoạch trước' ”.
TTCN quả đúng là một thế giới đầy nhiễu loạn mà ở đó, mọi thứ không phải lúc nào cũng đúng sự thật. Cầu thủ, người đại diện, và CLB, báo chí đều làm việc để phục vụ cho những mục đích riêng của họ.