Có rất nhiều vấn đề cơ bản chúng ta cần giải quyết khi muốn nâng cao lực cờ của mình.
Webthethao xin được bắt đầu từ việc giải đáp các câu hỏi, qua đó giúp quý bạn đọc có được "tư duy hệ thống", hay nói cách khác là "tư duy cờ" ngay từ phương pháp học hỏi và tập luyện.
Câu hỏi 1: Có thể tự học cờ, nâng cao trình độ cờ, mà không cần phải qua "trường lớp" được không?
Câu trả lời là CÓ!
Như đã trao đổi ở phần trước của bài viết này, bạn cần nắm vững những nguyên lý về 3 giai đoạn (khai — trung — tàn cuộc) thông thường của 1 ván cờ, qua đó có kế hoạch để nâng cao trình độ cho mình thông qua "nâng chất" kỹ thuật chơi của cả 3 giai đoạn ấy.
Thông thường, người luyện cờ sẽ không tập luyện riêng lẻ theo một giai đoạn nào mà có thể vừa tập Khai cuộc, vừa luyện Trung cuộc, vừa học Tàn cuộc.
Phương tiện đầu tiên để học Khai cuộc là các cuốn sách viết theo từng chuyên đề (như Pháo đầu đối Bình phong mã cổ điển; Pháo đầu đối Bình phong mã hiện đại; Sĩ giác pháo; Tiên nhân chỉ lộ; Pháo đầu đối Phản cung mã; Phi tượng cuộc…), bạn có thể tìm mua tại các hầu hết các nhà sách lớn.
Để luyện tập Khai cuộc, bạn có thể bắt đầu từ 1 trong các thế trận phổ biến nhất, một cách chậm rãi từng thế biến để có thể ghi nhớ. Đừng ôm cuốn sách, bày bàn cờ theo nước đi rồi liên tục lật qua mà không để "đọng" lại gì trong trí nhớ. Hãy ghi nhớ một cách kỹ lưỡng những nước đi của cả đôi bên theo từng thế biến, và tốt nhất là bạn hãy vừa xem, vừa ghi lại ra một cuốn sổ, vở ghi chép nào đó.
Ví dụ, khi học thế trận Pháo đầu đối Bình phong mã hiện đại, hãy ghi nhớ tất cả theo hệ thống, từ "Pháo đầu quá hà xe đối Bình phong mã bình pháo đổi xe", tới "Pháo đầu quá hà xe đối Bình phong mã, tả mã bàn hà", hoặc theo các phân nhánh: "Ngũ lục pháo đối Bình phong mã", "Ngũ thất pháo đối Bình phong mã", "Ngũ bát pháo đối Bình phong mã" hay "Ngũ cửu pháo đối Bình phong mã"…
Bạn cần cố gắng ghi nhớ theo hệ thống và luôn tự đặt câu hỏi: "Nếu mình đi như thế này, mà họ đi như thế kia thì sẽ ra sao?", qua đó tìm hiểu diễn biến tiếp theo của ván cờ. Bạn chỉ có thể tạm cho là "hiểu" và "thuộc" sách nếu như thống nhất được quan điểm: Nếu chọn hướng đi nhất định nào đó, mà đánh giá được hình cờ sau Khai cuộc được cho là "Ưu thế", "Ngang thế" hay "Kém thế".
Nên nhớ: Đừng bao giờ chủ quan với nhận định của mình một khi lực cờ còn chưa thật tốt hoặc chưa đánh giá đúng khả năng của đối thủ. Ván cờ cũng giống như cuộc đời, chúng ta không thể đoán chắc quyết định nào đó là đúng hay sai, sẽ dẫn tới kết quả tốt hay xấu, nếu không có sự phân tích kỹ lưỡng, đa chiều!
Bạn cũng có thể tìm đọc một số sách về Trung cuộc của các danh thủ thế giới. Việc đọc sách sẽ có tác dụng giúp ghi nhớ tốt hơn, đặc biệt là các sách có bình luận chuyên môn sâu của các chuyên gia, HLV cờ Trung Quốc và Việt Nam. Khi ấy, bạn sẽ hiểu hơn ý tưởng chơi, đặc biệt trong phần Trung cuộc (vốn phức tạp nhất, vì đấy là khi binh lực của đôi bên đã triển khai đầy đủ, đan xen nhau, liên kết với nhau, cần sự phân tích vô cùng kỹ lưỡng và chặt chẽ trước khi đưa ra lựa chọn về hướng phát triển).
Đừng quên đọc sách dạy đánh cờ nếu muốn trở thành cao thủ
Một cách học khác là tìm cách tiếp cận các ván đấu của các cao thủ thế giới, Việt Nam thông qua các công cụ trên Internet. Diễn đàn www.thanglongkydao.com có lượng người hâm mộ cờ tham gia là một lựa chọn tốt; sau nữa là cũng thường xuyên cập nhật thông tin về các ván đấu, giải đấu. Bạn cũng có thể tìm xem các ván đấu trên Youtube, đặc biệt là trên kênh Youtube của diễn đàn Thăng Long Kỳ Đạo, bạn có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều ván cờ của các danh thủ được cập nhật thường xuyên, có kèm theo phần bình luận của các quản trị viên diễn đàn. Lời khuyên cho bạn là hãy đăng ký (Subscribe) để trở thành một thành viên của kênh Youtube, qua đó có thể nhận được thông báo về các Video mới nhất (bao gồm cả các trận đấu của các kỳ thủ Việt Nam và thế giới được tường thuật hay bình luận trực tiếp).
Khi theo dõi các ván đấu của các danh thủ, bạn hãy xem thật chậm, cố gắng thử đặt câu hỏi và tự trả lời "Vì sao trong hình cờ này, kỳ thủ ấy lại chọn cách đi như vậy?". Bạn thử đưa ra lựa chọn khác, theo ý mình, và cố gắng tìm hiểu cách đáp trả của phía bên kia. Tiếp theo, bạn hãy nghiên cứu tiếp theo "thực chiến" ván đấu để hiểu lý do kỳ thủ ấy lựa chọn phương án khác và tính hiệu quả của nó.
Cách học thứ 3 là hãy tìm tới một phần mềm (Software — viết tắt "SW") chơi cờ, cài vào máy tính hoặc điện thoại di động thông minh. Lưu ý là có rất nhiều loại SW cờ tướng trên thị trường như B-Chess, Xiangqi Master, Cyclone, Xie Xie… Bạn chỉ có thể tìm và download về những SW dạng miễn phí, không có bản quyền, tính năng và chất lượng tuy không đầy đủ, nhưng sức mạnh của chúng cũng đủ "chất" để đối chọi với các cao thủ cấp tỉnh, thành!
Luyện tập với SW có thể giúp bạn ghi nhớ và phát triển kỹ năng từ chơi Khai cuộc tới Trung cuộc. Riêng kỹ năng Tàn cuộc thì còn tùy vào chất lượng của "sách" (book) được cài trong SW tới đâu, có cập nhật đầy đủ hay không. Khi đã có SW, bạn có thể tập Khai cuộc bằng cách chơi với máy, đưa ra nước đi của mình và theo dõi cách đối phó của SW. Lưu ý là tuyệt đối không nên vội vàng kiểu chơi cho xong ván cờ với máy tính, rồi "thua sớm nghỉ sớm", thậm chí có thể dẫn tới tâm lý chán nản vì luôn dễ dàng rơi vào thế hạ phong và thua cuộc đi… đánh cờ với máy. Hãy rút ra bài học kinh nghiệm khi chơi với máy, và hãy coi SW như một "ông thầy" thay vì là một "đối thủ" quá đỗi khó chịu.
(Còn tiếp)