Cờ Việt Nam: Từ thời vua Lê Hiến Tông đánh bại sứ Minh đến Kỳ Đài Đất Việt

thứ ba 27-11-2018 16:29:28 +07:00 0 bình luận
Bấy lâu, sự quan tâm, đầu tư dành cho cờ như một môn thể thao trí tuệ (Mind Sports) giàu tiềm năng chưa hề xứng đáng. Thậm chí còn có sự phân biệt, đối xử của các cơ quan quản lý hữu trách đối với 2 môn cờ phổ biến (cờ vua và cờ tướng), qua đó ảnh hưởng không ít tới sự phát triển chung.

Bấy lâu, sự quan tâm, đầu tư dành cho cờ như một môn thể thao trí tuệ (Mind Sports) giàu tiềm năng chưa hề xứng đáng. Thậm chí còn có sự phân biệt, đối xử của các cơ quan quản lý hữu trách đối với 2 môn cờ phổ biến (cờ vua và cờ tướng), qua đó ảnh hưởng không ít tới sự phát triển chung. Hội khỏe Phù Đổng, hay Đại hội Thể thao toàn quốc đang diễn ra tại Hà Nội là một ví dụ: có cờ vua mà không cờ tướng!

Tiềm năng của cờ Việt Nam là vô hạn

Không có cứ liệu chính xác nào về thời điểm môn cờ tướng xuất hiện tại Việt Nam. Theo nhiều truyền thuyết trong dân gian thì cờ tướng ở nước ta đã phát triển từ thời Lê (thế kỷ 15) với câu chuyện vua Lê Hiến Tông, nhờ sự "mách nước bí mật" của ông Vũ Huyên (còn được gọi là Trạng Cờ thời ấy) đã đánh bại sứ thần nhà Minh.

Cùng với thời gian, cờ tướng lưu truyền và phát triển trong nhân dân một cách gần như tự phát. Đặc biệt, tại rất nhiều lễ hội có tổ chức thi đấu cờ tướng với nhiều hình thức: cờ bàn, cờ bỏi (quân cờ làm bằng gỗ, gắn trên cọc), cờ người... Khu vực từ Miền Trung vào Nam còn phát triển thêm loại hình cờ người võ thuật cũng vô cùng độc đáo, cùng lúc giới thiệu cờ tướng kết hợp với quảng bá những "tuyệt chiêu" của võ cổ truyền dân tộc.

Cờ Việt Nam: Từ thời vua Lê Hiến Tông đánh bại sứ Minh đến Kỳ Đài Đất Việt - Ảnh 1.

Một bàn cờ người ngày xưa

Thời Pháp thuộc, các giải cờ tướng với quy mô khác nhau đã được tổ chức rất nhiều. Đặc biệt, có giải vô địch Hà Nội từ trước Cách mạng Tháng Tám; sau này có thêm giải vô địch Bắc Kỳ những năm 1960-70... Nhưng mãi tới năm 1992, giải vô địch toàn quốc lần đầu tiên mới được tổ chức, làm tiền đề để một số địa phương quan tâm, xây dựng đội tuyển và đầu tư cho môn thể thao trí tuệ giàu tính dân tộc này.

Cuối những năm 1970, môn cờ vua (còn gọi là "cờ quốc tế") mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam thông qua các cựu học sinh, sinh viên, người lao động tại Liên Xô và khu vực Đông Âu về nước. Người chơi cờ vua ban đầu chủ yếu vốn là các kỳ thủ cờ tướng. Cũng rất sớm, cờ vua được công nhận là môn thể thao trí tuệ (có lẽ do sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới từ trước đó), được tổ chức giải VĐQG đầu tiên từ năm 1980, rồi được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất (1985)... Nói cách khác, sự "phân biệt đối xử" cờ vua - cờ tướng đã xuất phát từ rất lâu và bắt nguồn từ chính tư duy của các cấp lãnh đạo ngành TDTT trước đây.

Nhưng dù là cờ vua hay cờ tướng thì chúng ta cũng đều có sự phát triển rất mạnh mẽ, xứng đáng được coi là một "cường quốc" của thể thao trí tuệ thế giới.

Ở môn cờ vua, nhờ sự đầu tư, quan tâm hơn nên các VĐV Việt Nam sớm tham dự các giải đấu quốc tế chính thức. Đặc biệt, ở các lứa tuổi trẻ, một số kỳ thủ của chúng ta đã thể hiện tại năng không thua kém gì so với những kỳ thủ đến từ các quốc gia phát triển nhất thế giới. Đào Thiên Hải vô địch U-16 nam thế giới năm 1993, Nguyễn Thị Dung vô địch U-12 nữ thế giới năm 1994, Nguyễn Ngọc Trường Sơn vô địch U-10 nam thế giới năm 2000, Lê Quang Liêm vô địch U-14 nam thế giới năm 2005, Trần Minh Thắng vô địch U-8 thế giới năm 2008, Nguyễn Anh Khôi vô địch U-10 nam thế giới năm 2012 và vô địch U-12 nam thế giới năm 2014... Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam từ lâu đã là "bá chủ", gần như gồm thâu mọi danh hiệu.

Cờ Việt Nam: Từ thời vua Lê Hiến Tông đánh bại sứ Minh đến Kỳ Đài Đất Việt - Ảnh 2.

Siêu đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm

Ở các giải không giới hạn độ tuổi, Hoàng Thanh Trang (sau này chuyển sang thi đấu cho ĐTQG Hungary) từng vô địch nữ châu Á năm 2000, sau đó tới Võ Thị Kim Phụng tái lập chiến tích vào năm 2017. Đặc biệt, ở Olympiad cờ vua - sự kiện cờ vua lớn nhất thế giới tổ chức định kỳ 2 năm/lần, các đội tuyển nam, nữ Việt Nam đều từng 2 lần lọt vào tốp 10 (cùng đạt tới hạng 7), xếp trên rất nhiều cường quốc hàng đầu thế giới. Mới đây nhất, tại Chess Olympiad 2018, đội tuyển nam của chúng ta xếp hạng 7/185, cá nhân Nguyễn Ngọc Trường Sơn giành HCV cá nhân bàn 2, trong khi đội nữ xếp hạng 15/151...

Ở môn cờ tướng, dù gặp nhiều thiệt thòi, nhưng vẫn có sự phát triển rất tốt. Đội tuyển Việt Nam nhiều lần xếp thứ nhì - ba tại các giải VĐ thế giới và châu Á (chủ yếu sau Trung Quốc). Trong những năm 1990, đại diện tiêu biểu nhất của cờ tướng VN tại đấu trường thế giới và châu Á là cố danh thủ Mai Thanh Minh (người được làng cờ mệnh danh là "Độc cô cửu kiếm"), kế đó là Trềnh A Sáng, Trương Á Minh... Nhưng phải tới năm 2005, chúng ta mới có huy chương cá nhân thế giới do công của cố danh thủ Nguyễn Vũ Quân.

Sau đó thêm Nguyễn Thành Bảo, Nguyễn Hoàng Lâm, Tôn Thất Nhật Tân... và đặc biệt là Lại Lý Huynh - kỳ thủ duy nhất của VN từng được mời thi đấu chuyên nghiệp tại Trung Quốc giành được danh hiệu Quốc tế đại sư (Kiện tướng quốc tế) hoặc Đặc cấp quốc tế đại sư (Đại kiện tướng). Một số thành tích đáng chú ý khác như Nguyễn Thành Bảo từng vô địch trẻ châu Á năm 1998, Nguyễn Hoàng Lâm và Ngô Lan Hương vô địch cá nhân châu Á năm 2011, Nguyễn Hoàng Yến vô địch Đại hội thể thao trí tuệ thế giới 2014 khi giải đấu diễn ra ngay tại Trung Quốc...

Cờ Việt Nam: Từ thời vua Lê Hiến Tông đánh bại sứ Minh đến Kỳ Đài Đất Việt - Ảnh 3.

Kỳ thủ cờ tướng Lại Lý Huynh (phải)

Làm gì để không uổng phí tiềm năng?

Có một điều bất cập: Dù tiềm năng và vị thế của cờ Việt Nam trên trường quốc tế không hề nhỏ, nhưng những động thái để khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển từ chính các giới chức hữu trách trong nước lại chưa hề tương xứng.

Môn cờ vua được quan tâm đầu tư hơn từ ngân sách nhà nước, đồng thời lại có sự ưu ái hơn trong khuôn khổ các sự kiện thể thao lớn, được đưa vào chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng (dành cho lứa tuổi học sinh) và Đại hội thể thao toàn quốc. Không những thế, khi Liên đoàn Cờ Việt Nam có tân chủ tịch là ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một người mê cờ vua từ thời trẻ, thì các nguồn lực hỗ trợ cho cờ vua càng tốt thêm. Tuy nhiên, để có được một Siêu đại kiện tướng (Điểm Elo cao trên 2.700) như Lê Quang Liêm thì bao năm qua chúng ta vẫn chưa có thêm người thứ hai.

Lê Quang Liêm trưởng thành, phần vì có "thiên tư về cờ", thầy tốt, nhưng điều quan trọng là nhận được sự đầu tư rất lớn từ gia đình. Trong khi ấy, một tài năng cùng lứa với Liêm là Nguyễn Ngọc Trường Sơn thì vẫn không thể vươn lên hàng Siêu ĐKT, thậm chí còn không trụ nổi trong tốp 100 thế giới, chính bởi gặp phải khó khăn nhiều hơn về điều kiện phát triển.

Môn cờ tướng còn khó khăn hơn nhiều. Phong trào tuy phát triển tốt (được đánh giá là môn có nhiều người chơi nhất!), nhưng từ cấp tỉnh/thành phố là chững lại. Các giải đấu quốc gia vẫn được tổ chức đều đặn, nhưng thiếu sức cạnh tranh và động lực từ giải thưởng dẫn tới nạn "mua - bán" điểm bấy lâu vẫn nhức nhối. Quá thiếu môi trường đào tạo chuyên nghiệp cho VĐV đỉnh cao.

Khó khăn càng tăng thêm khi môn cờ tướng không được đưa vào Hội khỏe Phù Đổng, dẫn tới ảnh hưởng xấu tới phát triển phong trào trong trường học; còn việc bị loại khỏi Đại hội Thể thao toàn quốc 2018 đã dẫn tới việc một loạt đội tuyển cấp tỉnh/thành (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội) gần như... rã đám (vì không còn được ngân sách đầu tư). Trong một thời gian dài, do thu nhập quá thấp, rất nhiều cao thủ hàng đầu của cờ tướng VN phải tham gia các sới cờ độ, đồng nghĩa với việc phải chơi "cờ chấp" với các kỳ thủ giang hồ, hoặc "cờ úp" (thể thức chơi cờ tướng đầy may rủi)... làm ảnh hưởng xấu tới phát triển kỳ nghệ.

Việc Liên đoàn Cờ tướng VN được thành lập thời gian qua là một tín hiệu đáng mừng, nhưng tìm hiểu mới hay cung cách hoạt động của Liên đoàn vẫn còn nhiều bất cập. Công tác truyền thông - một công tác rất bức thiết để nâng cao giá trị hình ảnh và thương mai của bộ môn này - chưa được lãnh đạo LĐ Cờ tướng VN coi trọng đúng mức; cách tổ chức, phân nhiệm đều còn chưa tốt...

Nâng chất hoạt động của Liên đoàn, đổi mới và tăng cường công tác truyền thông... là những vấn đề quan trọng nhất cần triển khai sớm trong thời gian tới. Một số Gameshow cờ tướng thời gian qua như Trạng Cờ Quý Tỵ (2013), Trạng Cờ Đất Việt (2015, 2016) hay Kỳ Đài Đất Việt (VTVCab đang thử nghiệm) đều rất có ý nghĩa trong việc nâng chất môn cờ tướng.

Cũng bởi lý do trên, Webthethao mong muốn được góp sức, chuyển tải nhiều hơn thông tin, hình ảnh về cờ tới đông đảo quý độc giả gần xa trong thời gian tới nhằm góp phần phát triển thể thao trí tuệ của chúng ta. Rất mong nhận được sự ủng hộ của bạn đọc và người hâm mộ cờ cả nước!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm