Còn đó một chữ THƯƠNG cho cờ tướng Việt Nam

thứ ba 4-12-2018 9:25:59 +07:00 0 bình luận
Trong khi các kỳ thủ cờ tướng mạnh nhất của chúng ta "đến hẹn lại lên" tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM để thi đấu giải đấu thủ mạnh toàn quốc (từ 2-9/12) thì tại Trung Quốc, giới mộ cờ của họ đang được thưởng thức Bích Quế Viên Bôi

Trong khi các kỳ thủ cờ tướng mạnh nhất của chúng ta "đến hẹn lại lên" tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM để thi đấu giải đấu thủ mạnh toàn quốc (từ 2-9/12) thì tại Trung Quốc, giới mộ cờ của họ đang được thưởng thức Bích Quế Viên Bôi - giải đấu dành cho các bậc "kỳ vương" (những người từng vô địch Trung Quốc) với giải thưởng "mơ ước" với mọi kỳ thủ VN…

Quá nhiều thiệt thòi, liệu có thể bù đắp?

Trước thềm giải đấu thủ mạnh toàn quốc, Ban chấp hành của Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam (mới tách ra từ Liên đoàn Cờ Việt Nam) đã tổ chức kỳ họp thứ 2, qua đó xác định được rất nhiều vấn đề bức thiết nhằm tạo điều kiện phát triển cho cờ tướng nước nhà có bước phát triển tốt hơn.

Giới mộ điệu cờ cả nước đều đã rõ về tiềm năng vô tận của thề thao trí tuệ nói chung, cờ tướng nói riêng tại Việt Nam. Nhưng không ít người tường tận rằng tiềm năng ấy bao lâu nay bị gò bó bởi hàng loạt những vướng mắc từ "cơ chế" tới điều kiện thực tế.

Cùng thời điểm này, các VĐV đỉnh cao của cờ vua đang thi đấu giải Đại hội thể thao toàn quốc tại Hà Nội - cũng là một giải đấu cấp quốc gia thôi, nhưng đấy lại thật sự là một niềm mơ ước của các VĐV cờ tướng đỉnh cao. Không có trong chương trình của Đại hội, đồng nghĩa với việc nhiều tỉnh, thành đã "nản chí", không còn muốn dành ngân sách đầu tư cho cờ tướng ở cấp đội tuyển nữa. Hà Nội - cái nôi của làng cờ miền Bắc và cả nước - là một minh chứng.

Còn đó một chữ THƯƠNG cho cờ tướng Việt Nam - Ảnh 1.

Ban chấp hành của Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam (tác giả đứng hàng dưới, thứ 2 từ trái qua)

Rất nhiều tuyển thủ hoặc các tài năng xuất sắc của cờ tướng Thủ đô đã phải đầu quân cho một số tỉnh, thành khác (như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu hay thâm chí là… Thừa Thiên Huế) thi đấu tại các giải quốc gia chỉ vì không có "đất dụng võ". Liên đoàn Cờ tướng VN xác định: Cần cả một kế hoạch bài bản và dài hơi với hy vọng thay đổi nhận thức về Cờ tướng, để môn thể thao trí tuệ này cũng sẽ có cơ hội được đối xử công bằng…

Ở cấp độ thấp hơn, Ban chấp hành của LĐ Cờ tướng VN (mới được thành lập hồi tháng 5 vừa qua và tới tháng 10 mới hoàn chỉnh về thủ tục hoạt động) cũng đã lên kế hoạch để vận động, đưa cờ tướng vào chương trình của Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc cấp khu vực cũng như các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (chưa nói tới cấp toàn quốc) do Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như ngành Giáo dục các địa phương tổ chức.

Được vậy, thì cơ hội để phát triển cờ tướng trong trường học  mới khả quan, cũng như tạo động lực to lớn đến phát triển cờ tướng trong giới trẻ nói chung. Thêm một thiệt thòi mà các giới chức hữu trách  với cờ tướng Việt Nam vốn chẳng hề muốn đề cập khi cứ phải so sánh với… "bên cờ vua"!

Đổi mới để tự cứu mình

Tại Trung Quốc, các VĐV đỉnh cao của họ có môi trường thi đấu chuyên nghiệp quanh năm với hàng loạt giải đấu lớn, trong đó có giải đồng đội VĐQG cũng tương tự như bên bóng đá (với những VĐV chuyên nghiệp, "ngoại binh", quy chế chuyển nhượng…), các CLB có sự tài trợ của các doanh nghiệp lớn, được tổ chức cực kỳ quy củ (qua đó tạo hiệu ứng truyền thông tốt).

Không những thế, họ có những giải cờ với giải thưởng cực lớn. Trận cờ "siêu cúp" giữa 2 nhà VĐQG gần nhất là Vương Thiên Nhất và Từ Siêu trị giá tới 3,5 tỷ đồng VN (người thua cũng được nhận 1 tỷ đồng). Còn tại giải Bích Quế Viên Bôi (lần thứ 7) đang diễn ra ở Quảng Châu, người vô địch cũng sẽ nhận được tới 2,5 tỷ đồng (chỉ cần góp mặt tham dự là có tối thiểu hơn 100 triệu đồng).

Còn đó một chữ THƯƠNG cho cờ tướng Việt Nam - Ảnh 2.

Giải Bích Quế Viên Bôi có giá trị tiền thưởng rất lớn

Gần như tỉnh, thành lớn nào cũng có Kỳ viện - trường cờ được tổ chức quy mô, vừa là nơi đào tạo trẻ bài bản, vừa để các VĐV đỉnh cao tập trung nghiên cứu. Cờ tướng cũng từ lâu đã được Trung Quốc đưa và trường học, tạo cơ hội gìn giữ và phát triển môn thể thao trí tuệ "quốc hồn, quốc túy". Nào phải tự nhiên mà vòng loại giải quốc gia ở 1 tỉnh của Trung Quốc cũng có thể thu hút tới hàng chục nghìn VĐV phong trào tham dự?

Còn ở Việt Nam, thực tế là đa số các VĐV cờ tướng đỉnh cao còn không thể sống với đồng lương ít ỏi. Họ đành tự tìm thêm cơ hội: hoặc đánh cờ độ, dạy cờ phong trào, thậm chí kiếm việc khác để có thêm thu nhập. Họ cũng không có những giải đấu lớn để có thể thường xuyên sống trong môi trường thi đấu chuyên nghiệp…

Chính vì nhiều địa phương không còn sự đầu tư cho cờ tướng nên tại giải đấu thủ mạnh toàn quốc 2018, thật xót xa khi chỉ có vỏn vẹn… 7 VĐV thi đấu ở giải cá nhân nữ, và 5 trong số cùng mang 1 màu áo: TPHCM (2 VĐV còn lại đến từ Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Nội).

Còn đó một chữ THƯƠNG cho cờ tướng Việt Nam - Ảnh 3.

Giải cờ tướng đấu thủ mạnh toàn quốc 2018 chỉ có 7 VĐV nữ

So sánh là khập khiễng, nhưng qua đó ít nhiều có thể thấy khoảng cách rất xa về điều kiện giữa cờ tướng VN với Trung Quốc. Dù tại các giải cờ tướng thế giới và châu Á, bấy lâu có một giải thưởng mang tên "Phi Hoa - Việt duệ" (giải dành riêng cho các kỳ thủ không phải gốc Trung Quốc và Việt Nam), cho thấy vị thế của cờ tướng VN không hề nhỏ.

Muốn thay đổi những thực tế đáng buồn bấy lâu, LĐCTVN cũng như các giới chức hữu trách cần tiến hành một cách đồng bộ, rất nhiều việc trong thời gian tới nhằm nâng tầm cờ tướng Việt, đồng thời tạo nên những hướng đi và cơ hội mới cho sự phát triển.

Để từng bước thay đổi nhận thức về cờ tướng (trong các cấp lãnh đạo, các ban ngành cũng như toàn xã hội), công tác truyền thông cho cờ tướng phải được quan tâm hơn, thậm chí xem như một "mũi nhọn" cần sự đầu tư nghiêm túc. Thực trạng "áo gấm đi đêm" bấy lâu nay thật sự đáng tiếc, và LĐCTVN cần quyết tâm đổi mới cách làm, cầu thị hơn với giới truyền thông, đồng thời cũng cố gắng thay đổi hình ảnh môn "thể thao trí tuệ" này với những dự án quảng bá theo đúng nghĩa.

Việc đẩy mạnh công tác truyền thông cũng đồng thời với tạo thêm cơ hội cho công tác vận động tài trợ, tạo nguồn tài chính của Liên đoàn nói riêng, cờ tướng VN nói chung. Bởi vậy, việc lên kế hoạch tổ chức một số giải đấu, sân chơi uy tín trên cơ sở cố gắng huy động các nguồn lực từ xã hội là vô cùng cần thiết. Giải cờ tướng trẻ châu Á mở rộng 2018 sắp diễn ra tại Quảng Ninh vào trung tuần tháng này là một ví dụ…

Chữ THƯƠNG với cờ tướng Việt vẫn còn đó. Nhưng đã đến lúc cần sự quyết liệt đổi mới để tự cứu mình, thay vì mãi chỉ biết khóc thương!


Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm