Xu thế mới: “Đỉnh cao hóa” chất lượng các giải cờ hội làng
Đấy là một thực tế tại rất nhiều giải cờ trong khuôn khổ lễ hội ở nhiều địa phương trên toàn quốc, đặc biệt ở khu vực phía Bắc trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các giải truyền thống như Văn Miếu (mùng 2-4 Tết), chùa Vua (6-9 Tết) ở Hà Nội vẫn thu hút đông đảo các kỳ thủ tham gia với mục đích vừa đấu cờ, vừa tranh thủ du xuân, đấy là bởi bản sắc rất riêng của các địa danh này. Chơi cờ ở một không gian văn hóa như Văn Miếu đem lại cảm giác thư thái tuyệt đối. Còn thi đấu tại chùa Vua, nơi thờ thần Đế Thích, lại mang ý nghĩa vô cùng linh thiêng (như thể một dịp giỗ “ông tổ cờ”) đối với anh em làng cờ. Cũng có nghĩa, đấu cờ ở những nơi như vậy xem như một dịp khởi động đầu năm, giải thưởng như thế nào vốn không quan trọng!
Nhưng sau đó mới tới “vụ” của nhiều kỳ thủ, từ phong trào tới dân chuyên nghiệp, ở rất nhiều các giải “làng xã”. Lý do xuất phát từ việc, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều BTC hội cờ ở các địa phương mong muốn giải đấu của mình được nhiều người biết đến, đã chủ động huy động nguồn tài trợ, tăng tiền thưởng, qua đó thu hút được kỳ thủ thập phương tới giao lưu, thi đấu. Có thể kể tên một loạt các giải đấu mà không chỉ tiền thưởng khá cao (lên tới hàng chục triệu đồng) mà các kỳ thủ còn được chào đón, chiêu đãi như thượng khách của làng: An Trụ (Bắc Ninh), Đền Sái (Đông Anh, HN), Ninh Hiệp (Gia Lâm, HN), An Phú (Hà Nội)...
Kỳ thủ nổi tiếng Lại Lý Huynh (phải, áo trắng) tại hội cờ làng An Trụ
Giải đấu ở làng An Trụ (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) có sự khác biệt riêng, không phải chỉ bởi đúng dịp giỗ Tổ (10/3) mà trong những năm gần đây còn luôn nhận được sự tài trợ của những doanh nhân mộ cờ. Mức thưởng “cứng” cho ngôi vô địch hạng mục cờ tiêu chuẩn là 20 triệu đồng, ngoài ra còn vô số giải thưởng phụ, giải thưởng cho nội dung cờ chớp (5 triệu cho nhà vô địch), giải khai hội... rồi có cả giải thưởng riêng cho các kỳ thủ trong làng (để tránh thiệt thòi khi có quá nhiều kỳ thủ mạnh các nơi đến thi đấu). Không những thế, BTC còn mời các kỳ thủ ăn, ở trong 2 ngày thi đấu. Một vài kỳ thủ nổi tiếng từ miền Trung hoặc miền Nam cũng được hỗ trợ ra tham gia giải. Thế là một giải cờ hội làng bỗng nhiên biến thành những ngày hội cờ tưng bừng với chất lượng rất cao (giới chuyên môn cho rằng không thua kém cả những giải đấu cấp quốc gia).
Trong 2 năm liên tiếp (2017, 2018), Đặc cấp quốc tế đại sư (Đại kiện tướng quốc tế) Lại Lý Huynh (thuộc đơn vị Bình Dương) - kỳ thủ số 1 Việt Nam đương đại, 4 lần VĐQG, người duy nhất từng thi đấu chuyên nghiệp tại Trung Quốc - giành chức vô địch tại An Trụ. Không chỉ có Huynh, giải đấu năm ngoái còn có cả các “đại cao thủ” khác như Tôn Thất Nhật Tân (Đà Nẵng), Nguyễn Minh Nhật Quang (TPHCM), Lại Việt Trường, Phạm Quốc Hương, Vũ Hữu Cường (Hà Nội)... Năm nay cũng vậy, sẽ thêm một cuộc đấu cực kỳ chất lượng với các cao thủ hàng đầu miền Bắc, cộng thêm các Quốc tế đại sư Tôn Thất Nhật Tân và Trần Văn Ninh (Đà Nẵng), đặc biệt là 4 nhà vô địch quốc gia: Đặc cấp đại sư Trềnh A Sáng (TPHCM, giữ kỷ lục 7 lần VĐQG), Quốc tế đại sư Võ Minh Nhất (VĐQG 2010), KTQG Đặng Hữu Trang (VĐQG 2017) và Lại Lý Huynh (4 lần VĐQG). Tổng số lần vô địch quốc gia của 4 kỳ thủ này là... 13 kỳ, thật hiếm có giải “hội làng” nào CHẤT được như vậy!
Đằng sau niềm vui là khoảnh lặng
Người dân An Trụ sẽ lại rất vui, và tự hào khi giải đấu của họ thu hút nhiều kỳ thủ mạnh cấp quốc gia như vậy. Sức hấp dẫn sẽ không chỉ nằm ở giải đấu chính thức mà cả những cuộc giao lưu bên lề. Công tác truyền thông cho giải đấu cũng được quan tâm, với sự hỗ trợ của Thăng Long Kỳ Đạo - diễn đàn cờ lớn nhất Việt Nam. Và tất nhiên, thông qua đó, người hâm mộ cờ tướng cả nước sẽ được theo dõi các ván đấu hấp dẫn, gay cấn, với chất lượng cao thông qua diễn đàn, kênh Youtube, trực tiếp trên Facebook... Còn với các kỳ thủ, thì bên cạnh cơ hội đoạt giải thưởng cao, còn là dịp tốt để thi đấu cọ xát, giao lưu kỳ nghệ. Quá nhiều cái được từ một giải đấu phong trào như vậy.
Niềm vui dành cho những trái tim yêu cờ tướng
Nhưng đằng sau sự vươn lên của các giải phong trào với vô số các sân chơi được hình thành gần như tự phát trong thời gian qua là một khoảnh lặng: Rõ ràng, với riêng giới cờ tướng đỉnh cao của Việt Nam, thì đang thiếu, rất thiếu những sân chơi lớn, chất lượng. Ngay đến giải cờ tướng vô địch quốc gia (A1) mới đây, tổ chức tại Phú Quốc, cũng tồn tại quá nhiều chuyện “lùm xùm”, từ công tác tổ chức tới chuyên môn. Việc định hướng phát triển cho cờ tướng, đặc biệt ở mảng đỉnh cao còn nhiều bất cập, mặc dù Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam đã được thành lập từ cách đây gần 1 năm (tháng 5/2018).
Phong trào cờ tướng tại Việt Nam vô cùng phát triển, lượng người chơi rất đông, nhưng vẫn còn đó rất nhiều mối băn khoăn để cờ tướng đỉnh cao có điều kiện thăng hoa, đặc biệt là sự thiếu thôn môi trường thi đấu và điều kiện đảm bảo về cuộc sống cho các kỳ thủ. Nào phải tự nhiên các giải phong trào có sức hút với họ đến thế!