Vào một ngày Hè 1973, cánh cửa của một câu lạc bộ cờ vua tại Budapest đột nhiên hé mở, đón một ông bố dắt theo cô con gái nhỏ tiến vào.
Bên trong CLB lúc này đầy khói xì gà và những người đàn ông đứng tuổi hàng ngày đến đây chơi cờ.
Tất cả đều không thể tin vào tai mình, khi nghe László Polgár thách họ đấu với cô con gái 4 tuổi Susan Polgár.
Và rồi László Polgár lấy chiếc gối mà ông xách từ nhà theo đặt lên một chiếc ghế để cô con gái có thể với tới bàn cờ.
Sau đó, tất cả đều mắt tròn, mắt dẹt chứng kiến cô bé Susan thắng hết người này đến người kia. Rồi họ tự hỏi: Cô bé này từ đâu ra thế?
Nữ ĐKT cờ vua đầu tiên trong lịch sử
Một tối thứ Năm của hơn 30 năm sau, Susan Polgár - lúc này đã là ĐKT cờ vua nữ đầu tiên trên thế giới - bước vào câu lạc bộ cờ vua New York Chess và thông báo với mọi người: "Đêm nay tôi sẽ tặng cho các bạn một món quà đặc biệt. Đêm nay, tất cả sẽ đấu cờ với tôi."
Mỉm cười tự tin, Susan Polgár đấu với cùng lúc 20 người. Thể thức thi đấu là cờ chớp. Nhưng dù thời gian rất hạn chế, Susan vẫn có thể vừa đánh bại đối thủ, lại còn đưa ra những lời khuyên.
Tài năng xuất chúng của Susan nhanh chóng thu hút sự chú ý ngay từ lúc cô còn niên thiếu, khi gia nhập câu lạc bộ cờ vua New York Chess lúc 16 tuổi.
Chẳng bao lâu, cô chị cả nhà Polgár đã xuất hiện trên trang bìa báo New York Times. Lúc 21 tuổi, Susan thậm chí trở thành tay cờ nữ đầu tiên đạt danh hiệu ĐKT thế giới.
Vậy mà trong nhà, Susan chưa phải lợi hại nhất. Susan có thể xuất sắc hơn cô em kế Sophia, nhưng hoàn toàn lu mờ trước hào quang của cô út Judit.
Ngay từ năm 9 tuổi, Judit bé nhỏ đã dám bịt mắt đại chiến cùng lúc với 5 tay cờ người lớn. Đến năm 2002, lúc đang xếp trong Top 8 tay cờ mạnh nhất thế giới cả nam lẫn nữ, Judit đánh bại ĐKVĐTG - huyền thoại cờ vua Gary Kasparov.
Đó là một đòn giáng trả thích đáng cho nhận xét đầy miệt thị nữ giới của Vua cờ: "Phụ nữ, vì bản chất của họ nên không thể trở thành những tay cờ ngoại hạng: Họ không phải là những chiến binh vĩ đại."
Xét trên diện rộng, Kasparov chưa hẳn sai: Trong 950 ĐKT thế giới, chỉ có 11 là nữ. Nhưng nếu xét riêng gia đình Polgár, Vua cờ đúng sai quá sai.
Thiên tài chưa hẳn do bẩm sinh
47 năm trước ngày Judit thắng Gary Kasparov, ông László Polgár đã nhờ được cô giáo dạy ngoại ngữ Klara hợp tác sinh con để thử nghiệm công trình 3 bước đào tạo thiên tài.
Ý tưởng này hình thành sau khi László nghiên cứu về cuộc sống và thành tựu của hơn 400 nhân tài thời đó. Ông nhận ra họ đều có điểm chung: Đặc biệt chú ý và kiên trì vào một mục tiêu từ rất sớm.
László không tin tài năng bẩm sinh đã có. Và ông cho rằng hệ thống giáo dục phổ thông chỉ đủ sức tạo ra những bộ óc tầm thường.
Ông tin rằng bằng nỗ lực rèn luyện trong môi trường phù hợp, bất cứ ai đều có thể trở thành thiên tài.
Sở dĩ ông chọn cờ vua làm thử nghiệm một phần do Susan mê cờ từ bé. Mặt khác vào lúc đó, tỷ lệ nữ trong làng ĐKT cờ vua thế giới chỉ chiếm 1%.
Do vậy, László đã biến ngôi nhà của ông thành một vương quốc cờ thật sự: Chỗ nào cũng nhìn thấy sách cờ và hình ảnh của các ĐKT.
3 bước đào tạo thiên tài
Trong cuốn sách Peek xuất bản năm 2017 nhằm hướng dẫn mọi người đều có thể làm được chuyện phi thường, tác giả Anders Ericsson mô phỏng lại hành trình của chị em nhà Polgár qua 3 bước.
- Sự tò mò: Ở giai đoạn đầu của sự phát triển, đứa trẻ được thúc đẩy bởi sự tò mò. Đứa trẻ muốn tìm hiểu mọi thứ. Chính ở giai đoạn đầu này, vợ chồng Polgárs đã nỗ lực phối hợp để ảnh hưởng đến con cái của họ.
Susan xác nhận: "Đúng là cha tôi có thể hướng chúng tôi tới bất cứ lĩnh vực nào, nhưng chính tôi đã chọn cờ vua khi mới 4 tuổi… Tôi thích những quân cờ vua; chúng là đồ chơi cho tôi. Sau này chính logic đó đã cuốn hút tôi”.
Ở giai đoạn này, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Thông qua việc dành tình yêu thương, thời gian, quan tâm và khuyến khích cho con, họ tập trung vào mối quan tâm của trẻ.
Khi thời gian trôi qua, phụ huynh giới thiệu những lợi ích của tính tự giác, sự cống hiến và trách nhiệm trong khi vẫn duy trì đề cao tầm quan trọng của trò chơi. Đi kèm đó là những lời khen ngợi và tưởng thưởng.
Khi đứa trẻ bắt đầu hình thành mối liên hệ sâu sắc hơn với trò chơi, đấy là lúc chuyển sang giai đoạn hai.
- Trở nên nghiêm túc: Đây là lúc đứa trẻ cần có giáo viên hoặc HLV và bắt đầu tập luyện có chủ ý. Người hướng dẫn không nhất thiết phải là dân chuyên nghiệp. Họ chỉ cần hiểu rõ trò chơi.
Bằng chứng là László Polgár đâu phải kỳ thủ giỏi. Các cô con gái của ông đều nhanh chóng giỏi hơn ông rất nhiều. Nhưng như Judit đã nói trong một cuộc phỏng vấn, ông ấy là người "có tầm nhìn xa và tạo động lực tuyệt vời".
Những thuộc tính này ở giáo viên rất quan trọng đối với học sinh nhỏ tuổi. Giáo viên phải có khả năng tích cực huấn luyện và khuyến khích học sinh để phát triển kỹ năng và trình độ cao hơn.
Tuy nhiên, cuối cùng thì động lực của đứa trẻ phải được khơi dậy từ bên trong. Nghiên cứu về hiệu suất của con người đã chỉ ra rằng động lực bên ngoài hiếm khi tồn tại lâu dài. Vì vậy để đi trên con đường dài đến chuyên môn sáng tạo, chúng ta phải tự động viên mình.
Chúng ta đều biết rằng bất kỳ hình thức luyện tập mở rộng nào cũng làm thay đổi hệ thống thần kinh của não bộ, dẫn đến tăng khả năng về các kỹ năng được thực hành.
Vậy liệu có điều gì ảnh hưởng đến động lực và sự thích thú hay không. Hiện tại, vẫn chưa có đáp án rõ ràng. Những gì chúng ta biết mới chỉ là các chuyên gia đạt được niềm vui lớn từ công việc của họ chủ yếu do họ thích làm điều đó.
- Xem như bổn phận: Nhìn chung, trong những năm đầu thời thiếu niên, những thiên tài tương lai quyết định dốc toàn lực vào đam mê. Họ quyết định có ý thức rằng muốn cống hiến cuộc đời mình để trở thành người giỏi nhất.
Họ xem đó như bổn phận nên mọi hoạt động không liên quan khác đều bị loại bỏ. Các thần đồng tìm kiếm những trường học và gia sư tốt nhất, và nếu cần thiết, thậm chí rời đến quốc gia khác để tiếp cận đỉnh cao.
Trong giai đoạn này, tiền có lợi ích rất lớn. Việc đào tạo có thể tốn kém với chi phí lên đến hàng chục nghìn đô la mỗi năm. Tạp chí Money từng ước tính cần tới 30.000 đô la mỗi năm để một đứa trẻ tiếp cận khóa đào tạo quần vợt ưu tú.
Tuy nhiên, việc tạo ra một thiên tài không phải lúc nào cũng cần quá nhiều tiền. Những bậc cha mẹ có ít tiền như nhà Polgár vẫn có thể tạo nên sự khác biệt. Trên thực tế, nhiều tiền mà không có sự hỗ trợ thường sẽ khiến đứa trẻ không đi đến đâu.
Một khía cạnh quan trọng khác của sự phát triển chuyên môn ở trẻ em là khai thác động lực phát triển trong cơ thể.
Nếu ngay từ trẻ mà các kỹ năng đặc biệt không phát triển được thì về sau hiếm có khả năng làm được điều đó.
Ví dụ, để các vũ công ba lê thực hiện được những bước đi đặc biệt, họ phải làm như vậy khi còn nhỏ.
Xương trưởng thành và các khớp cứng lại theo tuổi tác khiến việc phát triển các kỹ năng múa ba lê cần thiết trở nên bất khả thi. Vai, hông, đầu gối... phải được "nhào nặn" từ sớm.
Động lực phát triển của não cũng phải được khai thác sớm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số khu vực của não phát triển ở các nghệ sĩ hơn là những người không phải là nghệ sĩ.
Các nhạc sĩ cũng có những vùng não mở rộng không thấy ở những người không phải là nhạc sĩ. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhạc sĩ bắt đầu đam mê từ thời thơ ấu.
Nghiên cứu có vẻ kết luận: Nếu bạn muốn con mình vượt trội, hãy bắt đầu sớm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thành công của nhà Polgár còn ở chỗ các cô bé muốn chơi cờ. Họ không bị lôi kéo đến bàn cờ và nghe quát tháo lúc chơi cờ.
László cùng Klara đã tạo ra một bầu không khí vui tươi và thú vị xung quanh trò chơi. Nhờ cờ vua, gia đình họ càng thêm đoàn kết.
Nói cách khác, 3 bước đào tạo thiên tài như nhà Polgár có thể áp dụng cho mọi gia đình, nhưng cũng chưa hẳn thích hợp với mọi gia đình.
Bởi lẽ, tất cả phụ thuộc vào bậc cha mẹ muốn con cái trở thành như thế nào? Chúng ta muốn con cái phát triển theo ý mình, hay để chúng phát triển theo mặc định?