Giải chạy địa hình vượt núi Vietnam Mountain Marathon (VMM) 2016 chứng kiến sự thành công cả về lượng và chất, đặc biệt là các VĐV Việt Nam có sự tiến bộ rõ rệt.
Gần 1700 VĐV từ 46 quốc gia tham gia chạy vượt núi ở Sa Pa, số lượng gần gấp đôi so với năm ngoái đủ để nói lên sức hấp dẫn của giải chạy.
8 lí do để bạn tập chạy địa hình ngay lập tức
Cự ly 10km: VĐV người dân tộc Sùng A Tỏa vô địch 3 năm liên tiếp
VMM là giải chạy dành cho những người thích chinh phục thử thách, yêu thiên nhiên hay chỉ đơn giản là thích du lịch, khám phá ở một vùng đất mới. Chính vì thế, cự ly chạy 10km hấp dẫn đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Hơn 400 VĐV tham gia chạy 10km xung quanh thị trấn Sa Pa vào sáng Chủ nhật (25/9) đã tạo nên bầu không khí vô cùng náo nhiệt.
Danh hiệu quán quân nam năm nay một lần nữa thuộc về VĐV người địa phương. Sùng A Tỏa đã giành cú “hat-trick”, vô địch năm thứ 3 liên tiếp.
Bí quyết thành công của chàng trai sống ở bản Ý Lình Hồ này là... không tập luyện gì cả. Hàng ngày, Sùng A Tỏa vẫn đi bộ hơn chục cây số với công việc làm “porter” mang vác đồ, hướng dẫn khách du lịch.
Trao đổi với PV Webthethao, chàng trai người H'Mông thật thà: “Em chỉ đăng ký 10km thay vì các cự ly dài vì các cự ly khác ít tiền thưởng hơn. Có thể năm sau em sẽ ‘giải nghệ’ vì đạt 3 giải rồi”. Đáng chú ý, Sùng A Tỏa còn trong nhóm hỗ trợ các VĐV thi đấu 100km đến tận 11 giờ đêm hôm trước.
Hai vị trí kế tiếp đều là...những người anh em của Sùng A Tỏa là Sùng A Giồng và Thào A Chu. Trái ngược với nội dung nam, những người bước lên bục chiến thắng ở nội dung nữ đều là các VĐV người nước ngoài.
Do mang tính chất vui vẻ nên khá nhiều VĐV tham gia là những người mới làm quen chạy bộ. Hai bạn Lê Bảo Chân Thiện, Mỹ Dung chia sẻ với PV Webthethao: “Đây là lần đầu tiên em và bạn tham gia chạy giải VMM do nhóm bạn bè đi trước rồi giới thiệu. Bọn em thấy rất vui”.
Cự ly 21km: Công chúa Thái Lan và Kathy Uyên nổi bật
Ở cự ly 21km, Oeyvind Teigend, nhà vô địch nam gây ấn tượng khi về đích với thành tích 2 giờ 02 phút 53 giây, nhanh hơn 3 phút so với người về nhất năm ngoái. Đáng chú ý, trong số những người tham gia hoàn thành 21km có công chúa Thái Lan Bajrakitiyabha Mahidol và ngôi sao phim “Để mai tính” Kathy Uyên, đại sứ tổ chức Operation Smile.
Cự ly marathon 42km: Bước tiến vượt bậc của VĐV Việt Nam
Cự ly 42km là cự ly hấp dẫn của VMM mùa giải bởi nó không dễ và nhanh kết thúc như 21km nhưng cũng không quá khó phải chạy từ đêm hay tờ mờ sáng như các cự ly dài hơn. Chính vì thế số lượng VĐV Việt Nam tham dự với lực lượng đông nhất, hơn 130 người.
Nếu như năm ngoái, chủ nhà không có một người nào bước lên bục chiến thắng thì tại giải lần này, các VĐV Việt Nam thi đấu cự ly marathon đã mở những “phát pháo” đầu tiên cho một mùa giải bội thu danh hiệu. Ở giải nam, anh Nguyễn Đức Quang đã giành vị trí thứ 2 với thành tích 5 giờ 03 phút 41 giây.
Thành tích này thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của anh bởi ở mùa giải năm 2015, VĐV sinh năm 1988 chỉ xếp hạng 8 với thời gian 6 giờ 22 phút. Không những Quang mà VĐV Phạm Hà Lâm, người xếp hạng thứ 12 cũng có thành tích tốt hơn cả nhà vô địch 42km nam năm ngoái với thời gian 5 giờ 39 phút 08 giây.
Ở giải nữ, VĐV Nguyễn Thị Đường cũng là một hiện tượng khi cô giành giải nhì trong lần đầu tham gia giải VMM với thời gian 6 giờ 24 phút 57 giây. Cô gái nhỏ nhắn này cũng chính là nhà vô địch ở giải chạy địa hình 15 giờ hồi tháng 7 tại Hà Nội với thành tích hơn 70km.
“Khi qua CP5 (khoảng 21km - PV) em thấy mọi người bảo mình đang vị trí thứ 3, sau hai bạn người nước ngoài. Em cứ động viên mình phải cố lên, nhắm tới bạn Nhì mà đuổi, không đuợc nghỉ và rồi trước CP6 khoảng 1km em đã đuổi kịp”, nữ VĐV ở Hà Nội chia sẻ. Cô cùng VĐV Sophie Clarke, một cô gái người Anh cũng rất yêu thể thao đang sống và làm việc tại Việt Nam dắt tay nhau về đích.
Hầu hết các VĐV nói trên đều dành nhiều thời gian tập luyện nghiêm túc nên kết quả trên rất xứng đáng. Tất nhiên, điều kiện thời tiết thuận lợi trong ngày thi đấu (không mưa, đường khô ráo, trời nhiều mây) cũng là một yếu tố góp phần giúp cho thành tích các VĐV cải thiện hơn so với năm ngoái.
Anh Nguyễn Đức Khánh, TKTS Webthethao.vn cũng tham gia tranh tài cùng nhiều VĐV Việt Nam khác. Trước đó chỉ 2 tuần, anh còn thi đấu ở giải ba môn phối hợp Challenge Vietnam tại Nha Trang.
“Tôi lên đây vừa thi đấu vừa đại diện Webthethao đồng hành cùng các VĐV Việt Nam. Cơ hội để chạy trail không nhiều. Một năm ở Việt Nam chỉ có khoảng 2-3 giải trail, trong đó VMM là giải có quy mô lớn nhất. Hơn nữa, cung đường núi ở Sapa tuyệt đẹp. Đến các VĐV nước ngoài còn mê mẩn, đi hàng nghìn km để tới tham dự thì sao chúng ta lại bỏ qua được?”, anh Khánh chia sẻ.
Cũng như các PV Webthethao khác, anh Khánh là người rất đam mê thể thao. Anh đã từng nhiều lần tham dự các giải đòi hỏi sức bền khác như Ironman 70.3 hay marathon nhưng chưa cuộc thi nào mang lại cảm giác kiệt sức như VMM. "Có lúc tôi nghĩ, sao phải hành xác đến vậy, chơi lần đầu cũng là lần cuối thôi. Nhưng sau 1 ngày, cơn đau cơ bắp dịu bớt thì bắt đầu suy nghĩ lại, hồi tưởng lại những lúc băng rừng vượt núi trong suốt gần 9 giờ đồng hồ và quyết định năm sau sẽ tăng lên một cự ly dài hơn”
Cự ly 70km: Đại sứ Anh tại Việt Nam trong Top 4
Mặc dù thời tiết năm nay thuận lợi nhưng thành tích của nhóm VĐV tốp đầu 70km lại thấp hơn so với năm ngoái ít nhất 30 phút. Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever thi đấu cự ly này và giành hạng 4 với thời gian 10 giờ 38 phút 39 giây.
Clip Đại sứ Anh Giles Lever nói tiếng Việt như... người Việt:
Việt Nam tuy không có đại diện trong Top 3 nam, nữ nhưng cũng có 2 người nằm trong Top 10 chung cuộc: VĐV Nguyễn Trung Kiên với thời gian 11 giờ 03 phút (kém nhà VĐ nữ Sayaka Matsumoto 12 phút) và Nguyễn Thanh Lâm với thời gian 11 giờ 30 phút.
Cự ly 100km: Người Việt tạo đột phá ở cự ly siêu khó
Ở cự ly mới nhưng cũng khắc nghiệt đối với người Việt Nam, chủ nhà bất ngờ khiến các VĐV quốc tế phải chú ý với 2 nhà Á quân Cao Ngọc Hà (nam, 15 giờ 36 phút) và Nguyễn Linh Chi (19 giờ 28 phút).
Nếu như Linh Chi là nhân vật quen thuộc của VMM (thi đấu cự ly 70km năm ngoái) thì Ngọc Hà mới lần đầu tiên thi đấu tại giải lần này. Ngoài ra, VĐV hạng 4 nam 100km Trần Duy Quang cũng gây ấn tượng bởi thời gian của anh (16 giờ 09 phút) tiệm cận Top 3 và cách biệt hẳn nhóm phía sau với hơn 18 giờ.
Thời gian qui định giữa các điểm kiểm tra (Check point) khá khắt khe nên sau hơn 30km đầu tiên đã có khoảng 30 VĐV bị loại khỏi cuộc chơi. Đến những giờ phút cuối cùng, chỉ có 34 VĐV hoàn thành quãng đường 100km. Gần 2/3 VĐV còn lại vì nhiều lý do khác nhau phải bỏ cuộc, không thể tiếp tục.
Clip VĐV Phạm Thúc Trương Lương, người duy nhất hoàn thành 4 cự ly 21km, 42km, 70km và 100km trong 4 mùa giải Vietnam Mountain Marathon được vinh danh:
Vietnam Mountain Marathon kết thúc để lại nhiều dư âm tốt đẹp cho cả các VĐV nước ngoài cũng như Việt Nam. Giải chạy trail lớn nhất Việt Nam một lần nữa thể hiện sức hấp dẫn của mình bởi sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức dẫu rằng còn một số điểm còn có thể làm tốt hơn.
Các VĐV thông qua quá trình tham gia chạy của mình đã đóng góp 20 USD mỗi người vào quỹ của các tổ chức phi lợi nhuận. Topas Travel, đơn vị tổ chức VMM, sẽ dành một nửa để tặng tổ chức Operation Smile (269 triệu đồng) và một nửa để xây kí túc xá học sinh bán trú vùng cao.
Số VĐV ở từng cự ly tại giải VMM 2016 đều tăng gần gấp đôi chứng tỏ sự phát triển bùng nổ của phong trào chạy bộ nói chung và chạy địa hình nói riêng ở Việt Nam.
.
Với đà tăng trưởng ấn tượng như vậy, Sa Pa hứa hẹn trở thành điểm du lịch thể thao rất hấp dẫn các du khách quốc tế nhờ những giải đấu như VMM bên cạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá.