Tranh cãi “chia hai thế giới” về việc mặc áo dài chạy marathon

Tú Hân
thứ hai 28-12-2020 17:01:21 +07:00 0 bình luận
Làng chạy phong trào Việt Nam “dậy sóng” với chủ đề: Nên hay không việc mặc áo dài khi chạy marathon?

Sau khi kết thúc giải chạy marathon tại Huế ngày 27/12/2020, làng chạy phong trào diễn ra tranh cãi khá căng thẳng về ý kiến của một nhân vật “ngoại đạo làng chạy” nhận xét về việc mặc áo dài ngũ thân chạy marathon tại Huế.

Tài khoản Facebook Anh Son Tran Duc có tới hơn 26.000 người theo dõi, và là một người nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chuyên viết blog về nhiều vấn đề trong xã hội, đưa ra ý kiến của mình về giải chạy diễn ra trên quê hương ông. Tác giả có bút danh “Người nước Huệ” viết: 

“CHUẨN THẦN KINH RỒI!

Trước nay, cứ có ai nói: “Huế là đất thần kinh” theo kiểu cạnh khóe “thần kinh” là “psychiatric” (tâm thần), thì nhà cháu rất quạu và cãi lại: “Thần kinh ở đây là 神京, mà học giả Léopold Cadière đã dịch sang tiếng Pháp là “la brillante capitale de l'Annam” (kinh đô rực rỡ của Annam).

Bức ảnh một VĐV mặc áo dài ngũ thân chạy marathon ở Huế được đăng trên trang cá nhân của tác giả A.S.T.D - Ảnh: Facebook nhân vật

Nhưng sau khi xem mấy bức ảnh do bà con đăng trên cõi Phây, chụp lại cuộc chạy “VnExpress Marathon Huế 2020” vừa diễn ra sáng nay (27/12/2020) ở Huế, thì nhà cháu xin hứa từ nay sẽ không hoài công cãi lại mấy người hay cạnh khóe xứ Huế nữa.
Vì họ nói chuẩn rồi, làm sao cãi được”.

Tác giả đăng một số bức ảnh người chạy mặc áo dài ngũ thân, áo dài cách điệu để chạy. Bài viết đã thật sự “gây bão mạng” khi chia nửa số người ủng hộ ý kiến lẫn phản đối.

Tài khoản ichiro_che viết: “Marathon kết nối mọi người tuy nhiên mặc áo dài chạy thì hơi lố quá”. Tài khoản V.N thì thể hiện quan điểm: “Mặc áo dài ngũ thân để chạy marathon coi rất mắc cười và phản cảm, kém vệ sinh. Sao lại quảng cáo kiểu như thế này vậy?! Bó tay...”. Một người tên D.M.L gay gắt: “Ban tổ chức giải chạy marathon mà chấp nhận cho vận động viên mặc kiểu như ri thi đấu đúng là KHÙNG nặng, vận động viên có thể thích nhưng nếu BTC không cho phép thì sẽ không xảy ra cảnh này. Lễ hội áo dài và ẩm thực chưa đủ để quảng cáo áo dài ở Huế hay sao mà còn làm kiểu này; đúng là không ra cái thể thống gì”.

Một bức ảnh khác đăng trên trang cá nhân của tác giả bài viết nhận xét về việc mặc áo dài khi chạy - Ảnh: ASTD

Một người khác thì bình luận: “Chưa nói là phi thể thao, nguy hiểm đến tính mạng, gây tắt thở đột quỵ nữa ạ...” - T.D.T viết. Độc giả T.L thì hài hước viết: “Em chỉ mong sau cuộc thi này tất cả trường THPT toàn quốc áp dụng mặc áo dài trong các giờ thể dục để tiết kiệm chi phí may đồ thể dục cho các bậc phụ huynh”.

Người có tên C.S, là học trò của tác giả, phản hồi:

“Em phản đối thầy chuyện này. Thứ 1. Những người mang áo dài không phải đều là người Huế. Mọi người đều có thể mang áo dài. Thứ 2 mọi runner khi mặc đồ đều luôn lựa chọn trang phục để có thể hoàn thành mục tiêu của mình. Vậy tại sao không thể mặc đẹp để về đích rạng rỡ và xinh tươi.

Thứ 3. Hôm nay thời tiết Huế quá tuyệt vời cho 1 chặng marathon, trời lạnh nhưng không mưa. Thứ 4. Đam mê của người này có thể là điều điên rồ với người khác. Như cách thầy truyền tải lòng yêu nước bằng cách đấu tranh để lịch sử không bị làm sai lệch thì những runner mặc áo dài cũng truyền được những cảm hứng cho những người chưa bao giờ chạy bộ. Em chỉ phản đối chị mặc áo dài trắng có quấn khăn trên đầu thì đáng sợ thật. Cuối cùng, trò của thầy đã hoàn thành giấc mơ chạy 42km thành công hôm nay. Nằm trong 1% dân số có thể chạy FM. Em mong 1 lời chúc từ thầy. Trò của thầy”.

Bức ảnh dàn cổ động viên mặc áo dài cổ vũ các VĐV chạy qua tại Huế hôm 27/12/2020 cũng trở thành hiện tượng mạng xã hội - Ảnh: Internet

Để đáp lại ý kiến trên của học trò, tác giả Trần Đức Anh Sơn đã viết một bài khác khá dài, nội dung có đoạn đại ý: 

“- Thứ nhất, việc nhiều người mặc áo dài chạy marathon ở Huế hôm qua, không phải là cosplay mà là nhằm mục đích quảng bá áo dài mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện trong chiến dịch tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá áo dài Huế trong mấy tháng qua, đặc biệt trong chuỗi sự kiện tổ chức ở Huế vào cuối tuần trước, kéo dài sang tuần này.

- Thứ hai, các bạn hiểu sai về cosplay nên mới đem hình ảnh những runners trong các cuộc marathon mặc đồ hóa trang ở những nước khác dán, vào FB của tôi kèm theo những lời bình để biện bạch cho việc này. 

Cosplay là một từ do người Nhật “bịa” ra, kết hợp chữ “cos” trong từ “costume” (trang phục) và chữ “play” trong từ “role play” (hóa thân) mà thành, tiếng Nhật phát âm là kosupure (コスプレ). 

Trong trường hợp mặc áo dài chạy marathon ở Huế hôm qua thì đó không phải là cosplay mà là trình diễn (performance) một trang phục truyền thống, vốn là biểu tượng của trang phục Việt Nam, vì mục đích khác.

- Thứ ba, đây là một hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá áo dài có chủ đích của BTC cuộc marathon đã thừa hành theo "chỉ đạo" của ngành văn hóa và chính quyền địa phương. Vì thế nó là hoạt động mang mang tính quảng bá và là một hoạt động văn hóa. Áo dài là một sản phẩm văn hóa, thuộc loại hình văn hóa phi vật thể. Việc mặc áo dài để trình diễn là một hoạt động chịu sự điều chỉnh của pháp luật và điều ước liên quan đến việc bảo tồn, trình diễn, tôn vinh, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”.

Tác giả sẽ hẹn gặp học trò của mình và những người quan tâm đến vấn đề này cùng thảo luận trực tiếp sau ngày 3/1/2021 vì đang bận đi du lịch ở xa.

Ca sĩ Đức Tuấn đội khăn xếp, mặc áo dài chạy 21km tại giải marathon ở Huế - Ảnh: Xuân Đỗ

Về phía những người đã và đang tham gia trong lĩnh vực tổ chức giải chạy hay là VĐV chạy tại các giải phong trào, cũng đưa ra quan điểm của mình.

Chân chạy H.V thì viết: “Áo dài là áo được may bằng vải, sờ được, cầm được và mặc được lên người, có thể che được phần cơ thể theo đúng công dụng của 1 cái áo, không có gì là phi vật thể ở đây cả. Chỉ có tư tưởng cố hữu, tự cho mình quyền quy định được hay không được mặc mới là thứ “phi vật thể”, thứ này cần bảo tồn hay không lại là câu chuyện khác”.

Ca sĩ Đức Tuấn, người đã chạy 21km dưới 2 giờ tại chính giải marathon ở Huế khi mặc áo dài ngũ thân, đội khăn xếp, thì đưa ra quan điểm:

“Thực sự Tuấn hơi bất ngờ về những phản ứng thái quá trong ngày hôm qua về việc mặc áo dài ngũ thân khi chạy bộ nhưng ngược lại Tuấn cảm thấy rất vui với hiệu quả mang lại từ việc đấy.

Không bàn về việc hóa trang (cosplay) trong chạy bộ hay trong các hoạt động mang tính cộng đồng vì nếu ai có chút xíu kiến thức, hoặc chịu mở lòng ra tìm hiểu thì thấy việc đó vốn đã quá bình thường, nếu không muốn nói là truyền thống trên toàn thế giới. Còn có giải thưởng riêng cho cosplay.

Ca sĩ Đức Tuấn hoàn thành bán marathon tại Huế dưới 2 giờ khi mặc áo dài - Ảnh: Xuân Đỗ

Thông thường vận động viên cosplay để lôi kéo sự chú ý của cộng đồng về một sự kiện, một vấn đề nổi bật nào đấy. Việc đưa áo ngũ thân vào chạy bộ đối với cá nhân Tuấn là muốn mọi người quan tâm nhiều hơn nữa đến áo dài nam ngũ thân cổ truyền, bên cạnh những chiếc áo dài đã được cách điệu rất nhiều trong thời gian qua. Hoàn toàn KHÔNG ĐỂ KHUYẾN KHÍCH MẶC ÁO DÀI CHƠI THỂ THAO NẾU KHÔNG ĐƯỢC TẬP LUYỆN ĐỦ.

Việc mặc áo dài chạy marathon đã diễn ra từ lâu nhưng Tuấn rất vui đến khi Tuấn mặc để chạy đã tạo nên hiệu quả truyền thông bất ngờ đến như vậy. Ý kiến thuận chiều hay trái chiều đều cần thiết khi áo dài ngũ thân đã thực sự được quan tâm và lôi ra mổ xẻ mạnh mẽ như vậy. Cả những nhân vật thích phê phán cũng sẽ phải tìm hiểu về áo dài ngũ thân kỹ càng hơn, điều này chỉ có lợi chứ không có hại cho mục đích Tuấn theo đuổi”.

Còn quan điểm của các bạn về vấn đề này thì sao? Hãy cùng bình luận bên dưới để trao đổi nhé.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm