Chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung đã thay đổi cuộc sống của nhiều người một cách tích cực. Với những phóng viên, nhà báo dù hoạt động ở lĩnh vực nào thì sức khỏe cũng là điều vô cùng quan trọng.
Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), webthethao.vn xin giới thiệu câu chuyện về tình yêu chạy bộ của phóng viên du lịch Hoàng Lệ Quyên báo Hànộimới.
Tôi bắt đầu chạy bộ từ khoảng cuối năm 2018. Người truyền cảm hứng để tôi đến với bộ môn thể thao mà trước kia tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được, đó là chị gái tôi - biệt danh Hien Hoang. Trong một số hội, nhóm chạy bộ phong trào thì chị gái tôi cũng được nhiều người biết đến và đã truyền cảm hứng cho không ít bạn bè tham gia chạy bộ. Tôi không thể ngờ, mình cũng bị cuốn vào môn thể thao mà chỉ có mình vượt qua chính mình. Và nó đã ít nhiều làm thay đổi cuộc sống của tôi.
Người khác làm được thì mình cũng làm được
Khi cầm chiếc huy chương cự ly 42km mà chị gái tôi mang về ở giải chạy “Di sản Marathon Quốc tế Hà Nội” tổ chức vào khoảng tháng 10/2018 tôi đã thốt lên: “Chị thật điên rồ!”. Khi ấy, tôi vô cùng kinh ngạc, tại sao chị gái tôi, một người mà thời trung học rất sợ môn điền kinh, thậm chí có lần suýt ngất vì chạy, giờ lại có thể chạy được 42km. Quả thật, với một người không chạy thì nhìn con số 42km sẽ nghĩ đó là “điều không tưởng”, bởi với số ki lô mét ấy đến người đi xe máy còn ngại, nói gì là chạy bộ.
Sau này, tôi biết, để có thể chạy được quãng đường đó, chị gái tôi đã rất bền bỉ tập luyện và nó xuất phát từ tự thân chị muốn rèn luyện thể chất cũng như mong muốn chinh phục môn thể thao đòi hỏi sức bền và ý chí. Chị chạy đều hằng ngày với bài tập nhất định và dậy sớm vào cuối tuần để chạy từ nhà sang Long Biên (trụ sở cơ quan làm việc) với quãng đường hơn 20km mà vẫn kịp giờ làm việc. Tôi khâm phục quyết tâm và tinh thần ấy.
Từ suy nghĩ “Chị thật điên rồ”, tôi dần muốn thử xem mình có thể chạy được không. “Chị gái làm được thì mình cũng có thể” - Thế là tôi thử chạy.
Công việc làm báo không ổn định về thời gian, có những ngày thường xuyên vắng nhà, có hôm tối đêm vẫn làm việc. Để có thời gian tập thể thao vào một khung giờ cố định trong ngày là rất khó với một người làm báo, nhất lại là phụ nữ đã có gia đình và hai con nhỏ như tôi.
Tôi quyết định tận dụng khoảng thời gian đưa con gái đi học múa vào tối thứ 5 và thứ 7 hằng tuần để tập thể dục và thử sức với chạy bộ. Thời gian đầu, tôi tập chạy quanh chung cư mình sống, mỗi vòng quanh tòa nhà là 300m, và tôi chỉ chạy được 2 vòng là đã “hết hơi”, thở dốc, tim đập loạn. Dần dần, tôi tự điều chỉnh nhịp chạy, bước chân và cách đánh tay để có thể chạy được lâu hơn. Tất cả những kỹ thuật này tôi đọc trên mạng và tự tập. Từ 2 vòng quanh tòa nhà, tôi nâng lên chạy liền 3 vòng (tương đương 1km), rồi đan xen với đi bộ với số ki lô mét đặt ra trong mỗi buổi tập là 5km.
Khi chạy được liền mạch 2km thì tôi gặp chấn thương đầu gối, có lẽ do cơ chân khi đó chưa thật khỏe. Sau khi nghỉ 2 tuần, tôi chạy trở lại và thấy cơ thể mình đã bắt đầu quen với chạy bộ, từ đó tôi bị cuốn vào bộ môn này. Sau mỗi buổi tập nâng dần cự ly, chỉ thời gian ngắn tôi có thể chạy được 5km - 7km liên tục.
Cộng đồng chạy bộ có rất nhiều hội, nhóm phong trào nhưng vì không có thời gian nên tôi gần như không tham gia nhóm chạy nào mà phần lớn tự chạy và tự lên các kế hoạch tập cho mình. Cuối tuần, tôi tận dụng khoảng thời gian đưa cậu con trai đi đá bóng để tập chạy, cố gắng tạo thói quen chạy đều vào những ngày cụ thể.
Mùa thu năm 2019, tôi đã chinh phục được đường chạy Hồ Tây (15km) - nơi là giới chạy phong trào, nhất là những người mới tập chạy rất thích thử sức. Tuần sau đó, tôi quyết định tham gia giải chạy marathon quốc tế “Di sản Hà Nội” ở cự ly 21km. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tham gia một giải chạy chuyên nghiệp.
Tôi đã vô cùng sung sướng và bất ngờ vì mình có thể hoàn thành cự ly mà khi về đích vẫn cảm thấy sung sức, không mệt mỏi như trước đó tôi hình dung. Sau giải này, tôi tự tin hơn tham gia một số giải chạy chuyên nghiệp khác như: Tiền Phong Marathon 2020, VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020, bán marathon địa hình Mù Cang Chải 2020... Dù mới chỉ chinh phục được cự ly bán marathon (21km) nhưng mỗi giải chạy cho tôi những trải nghiệm thú vị riêng và cho tôi thêm tình yêu với chạy bộ.
Chạy bộ giúp tôi khỏe và trẻ hơn
Chạy bộ là bộ môn đòi hỏi sự kiên trì và đôi khi là chiến thắng sức ì của bản thân. Nhưng khi bắt đầu chạy thì đó là lúc được đối diện với chính mình rõ nhất, cảm nhận sự thay đổi của nhịp tim, hơi thở, sự quyết tâm của tinh thần.
Tôi cảm nhận rõ sự thay đổi của cơ thể mình kể từ khi chạy bộ: Vóc dáng thon, gọn, nhanh nhẹn, khỏe hơn và thậm chí thấy mình trẻ hơn. Trước kia, tôi rất sợ những chuyến đi dài vì huyết áp thấp, hay say xe, mặc dù đó là công việc thường xuyên của một phóng viên chuyên trách về du lịch. Nhờ tập luyện thể thao và chạy bộ, tôi đã tự tin hơn khi đi công tác. Tôi có thể thực hiện những chuyến đi dài liên tiếp mà không thấy mệt, hoàn thành phần việc của mình tốt hơn.
Sau thời gian (chưa dài) tập chạy bộ, suy nghĩ về cuộc sống của tôi đơn giản hơn rất nhiều. Tôi có ý thức hơn về việc cần chăm sóc sức khỏe cho mình, lắng nghe sự thay đổi của cơ thể, sắp xếp cuộc sống khoa học hơn để có thể hoàn thành tốt công việc, cuộc sống gia đình cũng như thời gian rèn luyện thể lực cho bản thân. Từ một người ít để ý đến rèn luyện thể thao, tôi “lôi kéo” được người thân, con cái mình cùng vận động mỗi ngày, tự rèn luyện thể chất để có năng lượng sống tích cực.
Dịch COVID-19 khiến cho cuộc sống của nhiều người thay đổi khi phải ở trong nhà nhiều hơn. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng tìm những cách thức khác nhau để cả gia đình cùng vận động. Hiện nay, do điều kiện thời gian và đang thực hiện giãn cách xã hội, tôi ít thực hiện những buổi chạy dài, nhưng hàng ngày tôi và các con thường xuyên cùng nhau chạy bộ từ 5-7km quanh nhà. Các con tôi bắt đầu thích chạy bộ và nỗ lực hoàn thành những bài tập chạy cự ly ngắn. Tôi mừng vì có thể giúp các con có sự ham thích với thể thao, đặc biệt là với bộ môn chạy bộ.
Hoàng Lệ Quyên