>>> Tiến sĩ Mỹ gốc Việt kể chuyện làm pacer và nửa giờ "Hôn miễn phí" ở Boston Marathon
Tiến sĩ Bruce Vũ là người Mỹ gốc Việt hiện đang làm việc tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA. Ngoài giờ làm việc với không gian vũ trụ, ông còn có sở thích đặc biệt là chạy bộ. Tiến sĩ Bruce Vũ đã và đang tham gia rất nhiều giải chạy bộ tại Mỹ và là người hoạt động tích cực, truyền kinh nghiệm đến cho những người yêu chạy bộ ở Việt Nam. Dưới đây là trải nghiệm của ông khi làm pacer cho một VĐV chạy giải Daytona 100 cự ly 100 dặm (tương đương 161km).
Giải Daytona 100 xuất phát từ thành phố Jacksonville lúc 6 giờ sáng, chạy dọc theo xa lộ A1A sát bờ biển và kết thúc ở Daytona Beach. Phần lớn 100 miles là chạy trên nền xi-măng, đây là điểm lợi và cũng có thể là bất lợi cho các vận động viên chuyên chạy đường dài. Lợi là vì đường bằng phẳng dễ chạy không sợ rủi ro vấp rễ cây hay phải dùng nhiều sức lực khi chạy qua những chỗ đất cát xốp, bất lợi là vì đường cứng gây nhiều chấn động lên đôi chân.
Suốt buổi sáng hôm đó tôi theo dõi Bob, anh có một khởi hành tốt đẹp, chạy qua các mốc 13M, 22M, 36M (Chú thích: M là mile/dặm = 1,61km) với những khoảng thời gian vừa phải, không nhanh cũng không quá chậm. Kỳ này Bob chọn 5 người pace cho mình, bao gồm hai nam và ba nữ, chúng tôi thay phiên nhau dẫn anh về đích. Nhiệm vụ của tôi là pace cho Bob từ mile thứ 70 đến 81. Đây là cái mốc quan trọng vì theo các ultramarathoner vượt qua được mile thứ 70 thì hoàn thành cuộc đua 100 miles là điều hoàn toàn khả thi. Bob chọn tôi ở cái mốc này có thể anh tin tưởng tôi sẽ giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trước ngày race, tôi có trao đổi nhiều với Bob. Anh đang ở một trạng thái rất ổn về cả thể lực lẫn tinh thần. Tôi nghĩ Bob có thể chạy nhanh hơn dự định cho nên mới 6 giờ chiều là tôi đã lái xe rời khỏi nhà. Từ nhà tôi lái xe đến điểm hẹn mất hai tiếng. Tôi lái xe đến mile thứ 81, định đón uber đến mile 70 thì hay tin là có một tình nguyện viên sắp lái xe từ mốc 81 đến 70 để hổ trợ ban tổ chức vì ở đó đang thiếu người. Cô ta hỏi tôi muốn quá giang không. Dĩ nhiên là tôi không từ chối lời mời của một kiều nữ mắt xanh tóc vàng và hơn nữa đỡ tốn 15 đô-la đi uber.
Chúng tôi đến nơi thì chưa quá 9 giờ tối. Tôi nghĩ chắc cao lắm là 1 tiếng nữa là Bob sẽ đến nơi thôi. Tôi liên tục theo dõi "live tracking" và hy vọng Bob sẽ xuất hiện ở cột mốc 66M. Từ đó đến chỗ tôi đang đợi chỉ có 4 miles thôi mà tôi thấy có nhiều người phải mất cả tiếng đồng hồ, tôi đoán có lẽ đoạn đường ngắn này có lẽ khắc nghiệt.
Tối hôm đó trời lạnh căm căm vì tiểu bang Florida đang hứng luồng gió lạnh từ miền Bắc thổi xuống, tôi phải chui vô trong nhà vệ sinh để giữ ấm cơ thể. Một vấn đề nan giải là ở trong nhà vệ sinh không có ghế ngồi, đứng một hồi mỏi chân tôi phải đi ra ngoài chỗ có support team đang nấu nướng và thỉnh thoảng các runner tấp vô ăn uống. Ở đó có các băng ghế dài cho tôi ngồi dưỡng chân và không khí rộn rã vui hơn là đứng trong nhà vệ sinh một mình.
>>> Tiến sĩ Mỹ gốc Việt kể chuyện làm pacer và nửa giờ "Hôn miễn phí" ở Boston Marathon
Tiếng nhạc mở ầm ầm hết công suất, tiếng ồn ào do thiên hạ cười nói rộn rã làm cho một công viên hoang vắng bỗng dưng trở thành cái chợ. Cộng đồng chạy bộ có cái hay là người lạ có thể trở thành người quen ngay lập tức và tôi hòa nhập vào đám đông rất nhanh. Câu chuyện của chúng tôi cũng chỉ xoay quanh đề tài chạy bộ. Tuy nhiên tôi chỉ ở ngoài đó được vài phút là phải chui lại vô nhà vệ sinh vì lạnh quá chịu không thấu. Vô nhà vệ sinh đứng một hồi lại mỏi chân phải chạy ra ngoài ngồi, cứ thế tôi liên tục đi tới đi lui như con lật đật.
Đến 10 giờ rưỡi tôi bắt đầu mất kiên nhẫn. Thậm chí bây giờ cái tên của Bob có hiện ra ở mốc 66M đi nữa thì sớm nhất mà anh có thể đến đây là gần nửa đêm. Bỗng dưng tôi nhận được tin nhắn từ Bob: "Bruce - I'm out at mile 62, today isn't my day" (Tạm dịch: Bruce, tôi dừng ở dặm thứ 62 (100km))
Tôi vội nhắn tin trả lời, đại khái an ủi và nhắn anh ta nghỉ ngơi để chóng hồi phục. Tôi không có nhiều thời giờ, phải vạch ra bước kế tiếp cho riêng mình. Tôi đi ra ngoài gặp ban tổ chức và báo cho họ biết là bạn tôi đã bỏ cuộc, giờ tôi có hai chọn lựa: một là đón uber đến mốc 81M, hai là chạy 11 miles đến đó. Tôi quyết định chạy, nhưng thay vì chạy một mình tôi tình nguyện giúp đỡ bất cứ runner nào sẽ xuất hiện kế tiếp. Ban tổ chức nói runner may mắn đó sẽ rất biết ơn tôi.
Tôi không phải chờ lâu, chừng 5 phút sau BTC bóp còi cái "e" ra hiệu có runner ghé ngang. Tôi nhận ra đó là một thanh niên gốc Á Đông, bên cạnh anh là một người bạn cũng Á Đông có lẽ trong nhóm crew support của anh, qua cách ăn mặc tôi biết chắc người này không phải là pacer. Tôi đến tự giới thiệu và ngỏ ý muốn giúp chạy chung với người bạn này đến trạm tiếp tế kế tiếp ở mile thứ 81. Người bạn trong đội hỗ trợ nở nụ cười thân thiện trong khi runner vẻ mặt như thất thần chỉ gật đầu cho có lệ. Tôi nhìn thấy anh ta khá mệt mỏi và có lẽ đang suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác.
Sau khi chạy được một đoạn, Virgil, tên của người bạn gốc Philippine mà tôi vừa làm quen được, mới nhận ra rằng tôi không phải là runner tham gia giải đua này. Anh nói là nãy giờ anh cứ lo lắng, bởi vì runner khó có thể chạy chung một pace với nhau ở cự ly 100 miles, giờ biết tôi pacing để giúp anh vượt qua khó khăn anh cảm thấy phấn chấn hơn.
Chạy được vài chục mét thì tôi nhận ra là mình để quên đèn đeo trên đầu trong xe. Lúc nãy bị kiều nữ mắt xanh tóc vàng hớp hồn làm tôi vội nhảy tọt lên xe của nàng quên lấy theo mấy thứ cần thiết. Mặc dù khoác trên người chiếc áo phản quang và đeo sau lưng tín hiệu đèn chớp, nhưng đoạn đường phía trước tối mịt. Cũng may là Virgil đưa cho tôi cái đèn pin để soi đường chạy. Chúng tôi tiếp tục chuyện trò và tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng. Trước hết là về người bạn Virgil này.
Anh năm nay 45 tuổi, sinh ra ở Philippine và theo gia đình qua Hawaii năm 10 tuổi. Anh phục vụ trong binh chủng hải quân Hoa Kỳ và mới vừa giải ngũ, hiện đang làm việc cho Bộ xã hội. Công việc hiện tại của anh là giảng dạy các lớp cải tạo cho những người phạm tội uống rượu lái xe. Khi hay tin tôi làm trong NASA và từng dạy ngành aerospace engineering ở đại học UCF, Virgil trở nên mừng rỡ, anh nói là đứa con gái đầu của anh đang theo học ngành aerospace engineering ở UCF. Anh không thể nhớ tên vị giáo sư đỡ đầu của con gái, khi vợ anh gọi điện thoại anh hỏi tên vị giáo sư này sau đó nói lại cho tôi nghe. Tôi nói với anh là bà giáo sư đó chắc chắn biết tên tuổi của tôi. Những câu chuyện rôm rả làm cho Virgil quên đi cơn đau, anh nói với tôi là giống như là phép lạ vì đột nhiên anh có lại một đôi chân mới mẻ (fresh legs).
Có một điều tôi phải lưu ý là Virgil đã chạy 70 miles từ sáng đến giờ còn tôi thì thật sự fresh cho nên tôi phải thật cẩn thận, dắt pace không đúng là hại người ta. Nhưng tôi chỉ lo bò trắng răng, tôi chỉ chạy được vài chục giây thì thấy Virgil tụt lại đằng sau. Anh ta hỏi tôi có phải lần đầu pacing một ultramarathoner phải không (đúng vậy!).
Tôi học được một điều là hầu như tất cả ultramarathoner phải kết hợp đi bộ và chạy thì mới kéo dài được suốt cả trăm dặm (161 km).
Sau đó tôi để ý và tuyệt đối chạy song song hay đằng sau Virgil, anh dừng là tôi dừng và anh chạy thì tôi mới chạy. Tôi nhận thấy tốc độ rùa bò này quá dễ cho tôi (dĩ nhiên rồi vì tôi chỉ phải chạy 11 chứ không phải 100 miles) và chưa bao giờ mà suốt 11 miles nhịp tim trung bình của tôi chỉ có 129 bpm. Virgil cho tôi biết là anh đã tham gia rất nhiều giải 100 miles và thành tích dao động từ 25 đến 28 giờ. Tuy nhiên lần này anh luyện tập không đầy đủ cho nên từ mile 50 trở đi là anh đã phải vất vả chiến đấu với tâm lý và nhiều lần muốn bỏ cuộc.
Tôi để ý thấy ở đoạn đường 11 miles này chúng tôi vượt qua ít nhất 5 runners và không có một ai qua mặt chúng tôi. Người cuối cùng chúng tôi qua mặt là một thiếu nữ da trắng độ tuổi 30 đến 40. Virgil nói anh muốn tập trung qua mặt runner này, và từ rất xa tôi thấy người phụ nữ đánh mùi được chúng tôi đang tiến về phía cô cho nên thay vì đi bộ cô cố gắng chạy, nhưng những nổ lực của cô cũng vô ích vì Virgil có quyết tâm cao và tôi thì có đôi chân còn quá fresh. Khi qua mặt được người phụ nữ này Virgil cho tôi hay là cô ấy đã bỏ anh rất xa từ hồi chiều, anh không ngờ vượt qua được. Tôi khẳng định với Virgil là chắc chắn anh không phải thấy cô ấy cho đến khi về đích. Câu nói đó như truyền lửa cho Virgil, anh bắt đầu chạy nhiều hơn đi bộ.
Vào thời điểm này thì người về nhất đã về từ hồi chiều rồi với thời gian là 14 giờ 11 phút. Chạy 100 miles (161 km) với thời gian đó có nghĩa là pace 5:17/km - một thành tích quá khủng khiếp. Virgil giải thích rằng những runner đó có tố chất đặc biệt, kiểu giống như Dean Karnazes, cơ thể của họ không tiết ra chất lactic acid cho nên họ có thể chạy liên tục mà không biết mệt. Còn lại phần đông chúng ta nếu muốn chinh phục 100 miles thì phải có chiến thuật, chứ chạy liên tục thì "ngủm" rất sớm.
Trong suốt 2 giờ 20 phút chạy chung với nhau đã không có một phút yên lặng trôi qua. Tôi cố gắng liên tục nói chuyện để giữ cho Virgil tỉnh ngủ. Anh ấy thông minh hiểu ý tôi, nói với tôi đừng lo, anh đang cảm thấy rất khỏe, từ khi gặp tôi anh như tiếp nhận được một luồng gió mới. Tôi có thể cảm nhận được điều đó, đặc biệt càng về sau anh càng chạy nhiều hơn đi bộ. Khi đến trạm tiếp tế ở mốc 81M, Virgil giới thiệu tôi với các bạn trong nhóm crew của anh ta:
"Hey, guys. Meet Dr. Vu - he's a pacer sent to me by NASA." (Tạm dịch: Này các cậu, đây là Tiến sĩ Vũ. NASA cử pacer "xịn" này để giúp tôi - PV)
Lúc từ giã Virgil và các bạn của anh ta là đã quá nửa đêm, tôi còn phải lái xe về nhà 2 tiếng đồng hồ nữa. Cũng may là hôm sau Chủ Nhật tôi không phải đi làm. Tôi nói với Virgil tôi rất muốn pacing cho anh đến đích, nhưng tôi có việc phải về. Tôi chúc anh may mắn. Virgil nói nhờ tôi mà anh đã vượt qua cái mốc khắc nghiệt 70 mile, và bây giờ anh còn dám nghĩ đến chuyện hoàn thành dưới 24 hours.
Sáng hôm sau, tôi vào xem kết quả và rất vui khi hay tin Virgil đã về đích an toàn với thời gian 24:42:08, xếp hạng 45 trên 98. Tôi nhận được mẫu tin nhắn của Virgil sau đây:
“Thank you very much! You were blessing that came to me unplanned. You got my legs moving again when all they wanted to do was give up. My time was good because of you. I came close to sub-24 but I struggled again prior to my finish.”
(Tạm dịch: Cảm ơn anh rất nhiều. Anh có mặt kịp thời ngoài sự mong đợi của tôi. Nhờ thế, đôi chân của tôi đã hoạt động ngon lành trở lại khi tưởng chừng chúng đã phải đầu hàng. Tôi hoàn thành với thời gian khá tốt là nhờ anh, gần đạt được mốc dưới 24 giờ đáng tiếc là tôi gặp đôi chút vấn đề trước khi về đích - PV)
Tôi đáp lại qua tin nhắn:
“I’m sure you can break the 24 hours next time. You are a strong runner. It was God’s will that we met. I should have run with you the last 19 miles. Maybe next time.”
(Tạm dịch: Tôi dám cá là anh có thể hoàn thành 100M dưới 24 giờ ở lần tới. Anh là một runner mạnh mẽ. Sự gặp gỡ của chúng ta có lẽ là ý Chúa. Lẽ ra tôi chạy với anh trong 19 dặm còn lại. Có thể là ở lần sau - PV)
Ở đời có những điều chúng ta không thể biết trước được có thể xảy ra, những điều đó chúng ta gọi là bất ngờ, và chính những điều bất ngờ đó mới làm cho đời sống trở nên thú vị hơn.
Chúc các bạn gặp nhiều điều bất ngờ trong cuộc sống này, vì nếu không có nó thì cuộc đời rất vô vị.
>>> Tiến sĩ Mỹ gốc Việt kể chuyện làm pacer và nửa giờ "Hôn miễn phí" ở Boston Marathon